Philippines và nguy cơ khủng bố từ IS
Các nhóm phiến quân liên kết với IS đã sẵn sàng tập hợp lại và hồi sinh với việc chính phủ Philippines dỡ bỏ thiết quân luật vào năm 2020.
Các nhóm phiến quân liên kết với IS đã sẵn sàng tập hợp lại và hồi sinh với việc chính phủ Philippines dỡ bỏ thiết quân luật vào năm 2020.
Tấn công ngay trước chuyến thăm của tổng thống
Việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định dỡ bỏ thiết quân luật ở đảo Mindanao, phía nam nước này vào năm 2020 ngay lập tức vấp phải “tiếng nổ lớn” khi các phiến quân do IS chỉ định mở cuộc tấn công lựu đạn nhằm vào một nhà thờ Công giáo ngày 22-12. Hai kẻ tấn công đi xe máy, sau đó được xác định là thành viên của Nhóm Chiến binh tự do Hồi giáo Bangsamoro (BIFF) liên kết với IS, đã ném bom vào lực lượng an ninh gần nhà thờ, khiến 9 người bị thương. Chỉ vài phút sau, hai vụ nổ làm rung chuyển các thị trấn gần đó là Libungan và Upi, khiến 12 dân thường bị thương.
Vụ nổ xảy ra một ngày trước khi Tổng thống Duterte có chuyến thăm đến thành phố thủ phủ của vùng Bangsamoro tự trị mới được thành lập, theo thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF). Vụ tấn công xảy ra khi chỉ vài ngày nữa thiết quân luật sẽ được dỡ bỏ ở Mindanao, một động thái mà một số nhà phân tích và quan sát viên lo ngại có thể làm sống lại các nhóm khủng bố liên kết với IS đang hoạt động trên đảo. Các quan chức an ninh gần đây đã khuyên ông Duterte không gia hạn thiết quân luật sau ngày 31-12-2019, với lý do tình hình hòa bình và an ninh ở Mindanao đã được cải thiện đáng kể. Người dân địa phương phản đối thiết quân luật do nó kiềm chế các quyền tự do, bao gồm cả lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Nhưng các cuộc tấn công bằng lựu đạn gần đây cho thấy, các nhóm khủng bố địa phương sẵn sàng tập hợp lại và hồi sinh sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ.
Trong bài phát biểu ngày 23-12, Tổng thống Duterte thừa nhận, các nhóm phiến quân liên kết với IS tiếp tục gây ra mối đe dọa cho hòa bình và ổn định. Đáp lại, ông đồng ý cho phép chính quyền Bangsamoro tự trị mới thành lập lực lượng quân đội và cảnh sát của riêng mình, trái với thỏa thuận hòa bình ban đầu nói rằng lực lượng an ninh vẫn thuộc chính phủ quốc gia. “Các bạn có thể tự mình chống lại những kẻ khủng bố, nhưng bạn biết rằng bạn phải tiêu diệt những kẻ khủng bố”, ông Duterte nói với Murad Ebrahim, bộ trưởng lâm thời của vùng Bangsamoro và đồng thời là chủ tịch của MILF. Ông Duterte cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Bangsamoro sử dụng 2 năm còn lại để thực hiện các chính sách củng cố hòa bình và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều đó khó có thể thực hiện khi các nhóm liên kết với IS trong khu vực luôn tìm cách phá vỡ hòa bình.
Khủng bố vẫn sống và lan rộng
Ông Rommel Banlaoi, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố Philippines, một nhóm chuyên gia cố vấn hoạt động tại Philippines, cho rằng, bạo lực liên quan đến khủng bố sẽ gây thiệt hại cho khu vực Bangsamoro vào năm 2020 và hơn thế nữa.
Ông lưu ý, BIFF và Abu Sayyaf - nhóm cực đoan liên kết với IS được Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài liên quan đến các vụ bắt cóc và đánh bom- vẫn hoạt động và đang tích cực tuyển mộ trong khu vực. Một số nhóm phiến quân địa phương khác đã tuyên bố trung thành với IS trong những năm gần đây. Ông Banlaoi tin rằng, nhóm phiến quân BIFF chế nhạo ông Duterte cũng như chính quyền BARMM bằng cách tiến hành vụ tấn công lựu đạn ngay trước chuyến thăm của tổng thống. “Tấn công ngay trước chuyến thăm của ông Duterte đã truyền tải thông điệp về việc tiếp tục thách thức sự lãnh đạo của ông cũng như chống lại thực thể chính trị mới ở Mindanao”, ông Banlaoi nhận định.
Theo nhà phân tích này, hệ tư tưởng IS, sử dụng bạo lực nhân danh tôn giáo để đạt được mục đích, trong đó có việc tạo ra một Nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á, rõ ràng vẫn sống và vẫn lan rộng ở vùng Bangsamoro sau cuộc bao vây Marawi hồi năm 2017. Cuộc chiến kéo dài 5 tháng đã khiến Marawi biến thành đống đổ nát. Ước tính khoảng 1.100 người, chủ yếu là các phiến quân, thiệt mạng và buộc hơn 350.000 dân thường phải chạy trốn bạo lực, trong đó 66.000 người cho đến nay vẫn phải sống trong những nơi trú ẩn tạm thời.
Ông Banlaoi cho rằng, IS sẽ duy trì và có khả năng tăng cường các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự và các biểu tượng khác vào năm 2020 sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ. Cả quân đội Philippines và cảnh sát đều yêu cầu người dân cảnh giác với các mối đe dọa khủng bố tiềm tàng và báo cáo các đặc điểm bất thường hoặc khả nghi cho chính quyền. Nhưng các nhóm liên kết với IS tiếp tục điều chỉnh chiến thuật để tránh bị phát hiện và vẫn tuyển mộ thành viên mới. Điều đó được thể hiện trong các vụ đánh bom tự sát gần đây khi chúng đã sử dụng các thanh niên cực đoan để thực hiện các cuộc tấn công. “Khủng bố tự sát sẽ trở thành xu hướng toàn cầu trong những năm tới nếu không được ngăn chặn”, ông Banlaoi cảnh báo.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_218411_philippines-va-nguy-co-khung-bo-tu-is.aspx