Phim 'Bố già' chạm được cảm xúc khán giả

Sau hơn tuần công chiếu 'Bố già' phiên bản điện ảnh của Trấn Thành đã trở thành bộ phim 'hot' nhất hiện nay. Các suất chiếu ở Lotte Cinema Phan Thiết gần như kín chỗ. Doanh thu của phim đã vượt ngưỡng 150 tỷ đồng. Tại sao 'Bố già' lại thành công đến như vậy? Đơn giản vì rất đời.

Phim

“Bố già” phiên bản điện ảnh của Trấn Thành là một câu chuyện của đại gia đình Giàu - Sang - Phú - Quý loanh quanh trong một xóm lao động nghèo với nhiều mâu thuẫn, xung đột nhưng cũng rất bảo bọc nhau. Một xóm nghèo, trong con hẻm nhỏ với đầy đủ cung bậc như một xã hội thu nhỏ. Bối cảnh phim là con hẻm ở Sài Gòn như nhiều con hẻm khác ở Việt Nam mà có thể chúng ta từng chứng kiến trong đời.

Bộ phim hội tụ dàn diễn viên gạo cội, những danh hài nổi tiếng. Chính vì vậy, mà xuyên suốt gần 2 giờ đồng hồ, khán giả cứ phải khóc, cười theo từng chi tiết diễn ra. “Bố già” phiên bản điện ảnh hay vì rất đời. Đời từ lời thoại, đời từ cách diễn viên nhập vai với nhân vật của mình, như hơi thở. “Bộ phim tuyệt vời, giúp chúng ta nhận ra được và trân quý tình cảm gia đình, gần gũi nhưng cũng rất thật. Thích nhất là lời thoại, quá hay. Cứ như là mình đang sống ở đó, diễn viên đóng khỏi phải nói, phim Việt như vậy quá đạt”- một khán giả xem phim xong cho biết. Trong “Bố Già” – Trấn Thành quá kinh nghiệm khi nhập vai ông ba Sang. Một người cha thuần chất Việt Nam, hy sinh, thinh lặng và chịu đựng vì thương con. Cho đến khi những áp lực đã dồn nén đến tận cùng, người đàn ông đó tức giận gào lên bằng một câu chửi. Nhưng người xem lại thấy rất đời ngay ở phút cao trào nhất, vì thương con nhưng lại bất lực trước số phận.

Ở “Bố già” không có những bối cảnh sang chảnh của thị thành Sài Gòn, hay những mỹ từ ngọt ngào, ngôn tình. Thay vào đó là những câu chuyện diễn ra trong gia đình, những thiếu sót mà chúng ta mặc nhiên bị cuốn theo thời gian mà quên bẵng mình sai. “Bố già” hay đã kéo chân người đến rạp vì nó thật, có không ít những câu chửi từ cửa miệng của nhân vật chính. Nhưng cũng chính từ đó, nước mắt của khán giả cứ bật ra theo một lẽ rất tự nhiên. “Bố già” mang một giá trị giáo dục rất lớn, nhất là trong thời buổi hiện nay, khi giá trị về tình thân bị cân đo đong đếm, khán giả khi xem phim sẽ nhận ra mình đâu đó trong chính gia đình mình, những quan điểm trái chiều, những mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa cha mẹ, con cái… “Phim đề cao gia đình, dù tốt dù xấu như thế nào thì cuối cùng gia đình cũng sẽ là nơi duy nhất luôn ở bên cạnh mình. Phim phản ánh tư tưởng khác nhau giữa những thế hệ trong một gia đình, sự khác nhau về cách yêu thương, cách hy sinh, cách cho và nhận. Đây là bộ phim Việt có ý nghĩa về cuộc sống, tôi thích nhất diễn viên đóng vai con, diễn xuất rất xuất sắc” – chị Mỹ Hương, một khán giả trẻ chia sẻ.

Ở phim “Bố già” sẽ thấy được sự hy sinh của cha mẹ cho con cái và ngược lại qua những lát cắt được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành đặt để khéo léo. Với thông điệp nhẹ nhàng nhất: Thời gian của cha mẹ không còn nhiều, nên hãy dành thời gian khi có thể. Giá trị gia đình phải được gìn giữ, tạo dựng lại sau những mâu thuẫn, sau những hiểu lầm, sau những tổn thương như câu nói: “có những nỗi đau phải được xây lại, để tạo tiền đề cho những điều tốt đẹp xảy ra”.

Tuy nhiên, kịch bản “Bố già” là câu chuyện khá đơn giản, cách đặt vấn đề và giải quyết nó chưa thực thấu đáo. Giống như Trấn Thành từng thừa nhận, phim có rất ít cú twist nên đề nghị khán giả không kể nội dung, không quay trộm hình ảnh khi xem phim. Dàn diễn viên của “Bố già” đã làm khá tốt vai trò của mình trong bộ phim. Cụ thể, là Tuấn Trần được đánh giá là có bước tiến vượt bậc về diễn xuất. Nam diễn viên hóa thân vào một anh chàng đại diện cho thế hệ GenX (thế hệ phát triển nhanh trên nền tảng kỹ thuật số) với nhiều tầng cảm xúc, phức tạp và có chuyển biến nhanh về tâm lý. Bên cạnh đó, các vai diễn khác lại mang nhiều nét sân khấu.

Quang Nhân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/phim-bo-gia-cham-duoc-cam-xuc-khan-gia-135856.html