Phim chiếu rạp gặp khó vì review 'bẩn'

Như một dạng review phim, hiện có nhan nhản các video ngắn tóm tắt phim (recap phim) trên nền tảng Facebook, YouTube mang nội dụng không phù hợp, thậm chí là ngược hẳn với tác phẩm gốc, đã và đang gây hại không ít đến lượng khán giả trẻ, xâm hại nghiêm trọng bản quyền, khiến nhiều nhà làm phim lao đao, kéo thụt lùi hướng phát triển của nền công nghiệp văn hóa.

Biến tướng của review phim

Bản chất review phim là ghi lại cảm nhận hoặc trải nghiệm chủ quan của người xem về một bộ phim. Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube,..., tràn lan các video núp bóng hình thức review phim, tóm tắt nội dung với hình ảnh được cắt ghép từ bộ phim gốc bằng giọng thuyết minh AI. Từ phim điện ảnh dài hơn 120 phút đến phim truyền hình nhiều tập đều có thể bị tóm tắt ngắn gọn trong video dài chừng 5 đến 20 phút.

Sự biến tướng này khiến nhiều người hiểu sai bản chất của việc review phim và vô tình tiếp tay cho nạn xâm phạm bản quyền. Những kênh review phim trá hình (recap phim) như Queen Movies, Vua phim review, Vương quốc phim review,… thu hút hàng triệu lượt xem video trên YouTube.

Kênh “Vua phim review” với hàng loạt video xâm phạm bản quyền.

Kênh “Vua phim review” với hàng loạt video xâm phạm bản quyền.

Tuy sử dụng giọng thuyết minh AI một màu, đơn điệu, nhưng những video này thường kích thích sự tò mò của công chúng khi có tít “giật gân”, những tình huống nghịch lý và chi tiết gay cấn được xâu chuỗi lại để tóm tắt nội dung phim gốc. Thay vì gợi mở giá trị của bộ phim, đa phần những kênh recap phim chọn tình tiết mâu thuẫn để lôi cuốn người xem qua cách giới thiệu phim như: “Tù nhân có siêu IQ 300 lên kế hoạch suốt 10 năm để báo thù”, “Khi cảnh sát chỉ là con rối với tên sát nhân có IQ 300”, “Anh chàng bất ngờ có siêu năng lực ra tay trừng kẻ ác”,... Thuật toán của mạng xã hội hỗ trợ đắc lực giúp video recap phim tiếp cận được nhiều người dùng. Từ việc xem vì tò mò nội dung, nền tảng phát hành đẩy liên tục các video review phim, làm gián đoạn trải nghiệm xem các video khác của khán giả.

Núp bóng review phim, recap phim là hoạt động bất hợp pháp, làm lộ tình tiết quan trọng của phim, làm sai lệch nội dung bản gốc, ảnh hưởng đến nhà làm phim và trải nghiệm xem của công chúng. Video recap phim “It’s a wonderful life” (1946) đã kể hết tình tiết éo le của nhân vật chính khiến nhiều khán giả hết hứng thú và không muốn tìm xem bản đầy đủ.

Gần đây nhất, các bài phân tích về bộ phim đình đám “Quật mộ trùng ma” (Exhuma) đã giúp khán giả nhận ra video review phim này đã cắt xén nội dung gốc quá đà, bỏ qua nhiều chi tiết hay được xem là biểu tượng thông điệp mà đạo diễn cài cắm trong bộ phim. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện tượng review sai nội dung tác phẩm gốc, review dưới dạng tóm tắt nội dung là một trong những nguyên nhân khiến phim ra rạp ngày càng kén người đến xem.

Những bộ phim mang triết lý nhân sinh có cách kể chuyện đặc biệt, thì các video recap phim không thể tái hiện trọn vẹn, thậm chí một số video còn khiến khán giả hiểu sai ý nghĩa thông điệp. Phim “Everything Everywhere All at Once”(Cuộc chiến đa vũ trụ), tác phẩm điện ảnh đoạt giải Oscar 2023, thu hút nhiều kênh làm video review dưới hình thức tóm tắt nội dung với nhân vật chính là Evelyn Wang. Tính hiện thực của bộ phim được tô vẽ bởi yếu tố du hành vũ trụ để các nhân vật khám phá bản thể chính mình với những kịch bản cuộc đời khác nhau. Tuy nhiên, video review phim này của kênh “Thằn lằn lươn lẹo” trên YouTube tóm tắt sai nội dung nhiều phân cảnh của phim gốc.

Ở phân cảnh vợ chồng và cha Evelyn đến trụ sở thuế để giải quyết rắc rối lại bị review phim thuyết minh thành phân cảnh Evelyn cùng người chồng đưa bố đến bệnh viện dưỡng lão. Hay cuộc hội thoại thể hiện qua dòng chữ chạy trên màn hình của mẹ con Evelyn khi hóa thành đá và hội thoại lấy đi nước mắt của hai mẹ con cuối phim đều bị cắt xén lôm côm, làm mất đi giá trị thông điệp từ biểu tượng hòn đá. Tiết tấu chuyển cảnh lúc nhanh lúc chậm thể hiện sự đấu tranh tâm lý của Evelyn ở các vũ trụ khác nhau, mâu thuẫn trong suy nghĩ và cảm xúc nhân vật đều bị biến đổi thành nhịp phim đều đều. Hơn nữa, lời thuyết minh của video review làm sai bản chất lời thoại của nhân vật và các chi tiết trong phim, làm mờ đi triết lý sống và giá trị nhân sinh mà nhà làm phim gửi gắm.

Câu lạc bộ Điện ảnh (trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn) tổ chức buổi thảo luận và chiếu phim.

Câu lạc bộ Điện ảnh (trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn) tổ chức buổi thảo luận và chiếu phim.

Bàn về hiện tượng này, nhóm Facebook “Chê phim review” thể hiện nhiều ý kiến trái chiều. Trước hàng loạt ý kiến chỉ trích của cộng đồng xem phim chân chính, có người cho rằng xem review phim trá hình vì không có thời gian, nhiều kênh chế thêm lời bình nghe hài hước, hay thời lượng phim quá dài. Trong khi đó, nhiều người coi review phim như một câu chuyện ngắn để giải trí sau giờ làm việc, lúc nấu ăn mà không quan tâm đến giá trị nghệ thuật và nội dung phim gốc. Như vậy, người xem vô tình tiếp tay cho việc đánh cắp ý tưởng, khiến cho tác phẩm điện ảnh không đến được với khán giả một cách chính danh, trọn vẹn. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của nhà sản xuất. Sự thua lỗ trong làm phim sẽ kéo lùi nền điện ảnh nước nhà bởi các nhà sản xuất, công ty phim, đạo diễn, diễn viên không còn động lực, tâm huyết để đầu tư “chất xám” vào làm phim.

Hiện tượng review phim trá hình đã và đang hủy hoại tư duy nghệ thuật của khán giả. Tính chất giải trí “mì ăn liền” của chúng phù hợp với thị hiếu của bộ phận đông khán giả hiếu kỳ. Không chỉ người lớn, ngay cả trẻ nhỏ ngày càng ưa chuộng xem video recap phim. Với đặc tính bắt chước, dễ học theo, trẻ nhỏ có thể bị nhiễm tư duy không lành mạnh, ăn nói dung tục từ những lời thuyết minh phim thiếu chuẩn mực về ngôn từ. Những video review phim “biến tướng” làm băng hoại cái đẹp của thế giới điện ảnh và làm suy tàn cơ hội cảm thụ nghệ thuật của khán giả đại chúng.

Cần hành lang pháp lý đủ mạnh để phát triển nền công nghiệp văn hóa

Mặc dù đã có sự vào cuộc của nhà quản lý văn hóa truyền thông tuy nhiên hiện tượng review phim trá hình ngày càng nở rộ. Về bản chất, xem review phim trá hình tượng tự như hình thức xem phim lậu, không trả tiền bản quyền.

Hội thảo “Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam” trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) lần 2, năm 2024.

Hội thảo “Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam” trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) lần 2, năm 2024.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Cẩm Giang, Trưởng bộ môn Nghệ thuật học (Khoa Văn học), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Việc review phim trá hình đang xâm phạm nghiêm trọng bản quyền về ý tưởng gốc và nội dung phim. Ở thời đại “tiêu thụ nhanh”, công chúng thích thể loại video ngắn, giải trí nhanh. Có cầu ắt có cung, cho nên sinh ra những người làm review phim trá hình, tóm tắt nội dung phim với dung lượng vài phút”.

Lý giải về hiện tượng này, bà Hoàng Cẩm Giang phân tích, thời đại này, các sản phẩm giải trí đang phát triển theo hướng bắt mắt, nhanh, ngắn gọn để thỏa mãn nhu cầu của công chúng trong quỹ thời gian eo hẹp. Khi điều kiện sống và lao động của công chúng thay đổi thì các nhà tư bản truyền thông giải trí cũng thay đổi cách thức sản xuất và cách thức tạo ra sản phẩm để tối ưu hóa việc tiêu thụ, kiếm được nhiều tiền nhất trong thời gian ngắn nhất với công sức bỏ ra ít nhất.

Điện ảnh là nghệ thuật của hình ảnh và âm thanh, mỗi giây trên màn ảnh đều có những giá trị biểu tượng thông điệp. Nếu chỉ xem tóm tắt mà nhiều khi tóm tắt làm sai lệch nội dung, thì người xem đã bỏ qua tất cả những giá trị biểu đạt qua từng khung hình, không tiếp nhận được bản chất, vẻ đẹp của điện ảnh.

Theo bà Giang, việc giáo dục người trẻ nhận thức giá trị của nghệ thuật điện ảnh sẽ thuộc về trách nhiệm của rất nhiều người, trước hết là người làm công tác nghiên cứu phê bình và giới thiệu điện ảnh. Họ có sứ mệnh viết những bài nghiên cứu công bố trên các tạp chí hay trên các kênh truyền thông để công chúng cảm nhận được giá trị của tác phẩm, thấy xứng đáng để tìm hiểu suy ngẫm. Tức là, “nhà phê bình điện ảnh phải thay đổi gu thẩm mỹ của công chúng để họ tiếp nhận được bộ phim; chứ không phải là bộ phim thay đổi, đạo diễn thay đổi để chiều lòng công chúng được”.

Lớp Kỹ năng viết kịch bản điện ảnh và truyền hình K16 và khóa học ngắn hạn của Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn.

Lớp Kỹ năng viết kịch bản điện ảnh và truyền hình K16 và khóa học ngắn hạn của Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn.

Muốn nghệ thuật điện ảnh phát triển thì việc nhân rộng trường lớp, những khóa học để đào tạo thế hệ công chúng, người làm nghệ thuật là điều cần thiết trong nền công nghiệp văn hóa hiện nay. Từ đó, gu thẩm mỹ của công chúng đủ rộng và đa dạng để đón nhận được nhiều thể loại điện ảnh khác nhau. Chính họ sẽ cùng với các nhà quản lý văn hóa, nhà phê bình điện ảnh, nhà giáo dục chống lại hiện tượng xâm phạm bản quyền.

“Theo chủ trương xây dựng nền công nghiệp văn hóa của nhà nước, những ngành nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu điện ảnh, văn học là một phần của nền kinh tế thị trường văn hóa. Kinh tế văn hóa khiến chúng ta phải đứng trong một luật chơi là vừa làm ngành nghệ thuật vừa làm ngành công nghiệp. Vì vậy, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật buộc phải xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ thì mới có thể tham gia vào thị trường toàn cầu được”, bà Giang phân tích.

Điện ảnh là một lĩnh vực xa xỉ, đòi hỏi quy trình sản xuất phức tạp, tốn kém, thể hiện công sức sáng tạo của tập thể. Ý tưởng gốc, nội dung câu chuyện, diễn viên và những vấn đề liên quan cần phải được tôn trọng tuyệt đối để khi tác phẩm điện ảnh tham gia vào nền công nghiệp văn hóa, nó trở nên độc đáo, đáng để khán giả “móc hầu bao” đến rạp xem phim.

Hà Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/phim-chieu-rap-gap-kho-vi-review-ban-i737273/