Phim chiếu rạp lại ảm đạm vì COVID-19
Hình ảnh trong phim Ròm. Nguồn: Internet
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề gặp khó khăn, trong đó thị trường phim ảnh cũng thiệt hại lớn. Nhiều cụm rạp phải tạm thời đóng cửa, hàng loạt phim Việt phải hoãn chiếu, doanh thu giảm sút…
Hoạt động các rạp chiếu phim trên địa bàn TP Tuy Hòa cũng rơi vào tình trạng chung. Rạp Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) và cụm rạp CGV (Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuy Hòa) đều ngưng hoạt động để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Rạp dừng hoạt động
Theo ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (Sở VH-TT-DL), trước tình hình bệnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có thông báo tạm dừng hoạt động các cơ sở massage, karaoke, vũ trường, quán bar, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các điểm truy cập internet, trong đó có các rạp chiếu phim... kể từ 0 giờ ngày 1/8. Vì vậy, rạp Hưng Đạo sẽ tiếp tục ngưng hoạt động trong một thời gian. Đồng thời, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh cũng tạm thời dừng việc tổ chức đợt phim kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
“Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh đã trình kế hoạch tổ chức đợt phim kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 lên lãnh đạo Sở VH-TT-DL. Khi được sự cho phép của sở, trung tâm sẽ tiến hành tổ chức đợt phim. Trong trường hợp không tổ chức được, trung tâm sẽ sử dụng các bộ phim dự định chiếu trong đợt này sang các đợt phim, tuần phim tiếp theo”, ông Lê Trung Hiền cho biết.
Theo thống kê, hiện Lotte Cinema đã tạm ngưng các cụm rạp tại: Huế, Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Đồng Hới (Quảng Bình), Phủ Lý (Hà Nam), Đồng Nai, Bảo Lộc (Lâm Đồng)... Hệ thống rạp Cinestar tại Huế, Đà Lạt; hệ thống rạp Starlight tại Quy Nhơn (Bình Định), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Huế, Đà Nẵng, Bảo Lộc (Lâm Đồng)... và cụm rạp Beta Biên Hòa của hệ thống rạp chiếu Beta Cineplex cũng tạm ngưng hoạt động. Còn đối với nhà phát hành lớn nhất CGV đã tạm đóng cửa tổng cộng 9 cụm rạp trên 7 tỉnh, thành: Kon Tum, Đồng Nai, Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Phú Yên.
Anh Bùi Đặng Đình Nguyên, Quản lý cụm rạp CGV (Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Tuy Hòa), chia sẻ: Trước tình hình khó khăn của dịch bệnh, hiện cụm rạp chiếu phim CGV ở Phú Yên đã tạm thời đóng cửa. Vì vậy, sau khi được hoạt động trở lại, CGV sẽ trình chiếu những bộ phim “bom tấn” định chiếu trước đây và đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến chương trình khuyến mãi, thành viên... nhằm thu hút sự quan tâm, kéo khán giả quay trở lại với rạp.
Nhiều phim dừng “bấm máy”
Không chỉ các đơn vị phát hành phim phải “đóng băng” vì đại dịch COVID-19 mà các đơn vị sản xuất phim trong và ngoài nước cũng phải dừng việc “bấm máy” hoặc các bộ phim chờ ngày ra mắt cũng không thể tung ra bởi lo ngại không có khán giả, ảnh hưởng đến doanh thu của phim. “Với tình hình thực tế như hiện nay, thị trường điện ảnh năm 2020 sẽ trải qua một năm ảm đạm. Vì thông thường, kế hoạch chiếu phim của các rạp được lên lịch ít nhất từ 3 tháng. Tuy nhiên, bây giờ đã là cuối tháng 8 mà nhiều cụm rạp phải tạm thời đóng cửa, hàng loạt bộ phim dừng sản xuất. Nếu có mở cửa lại thì nhà rạp vẫn chịu cảnh đìu hiu vì tâm lý khán giả còn ngại tụ tập”, anh Bùi Đặng Đình Nguyên nhìn nhận.
Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, điện ảnh là ngành không thể làm việc online (trực tuyến) mà phải ra hiện trường để thực hiện việc quay phim. Nếu trong chiến tranh, khán giả vẫn có thể ra rạp xem phim và nhà làm phim vẫn dũng cảm quay phim trong lửa đạn thì trong đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp bắt buộc phải ngồi yên nhưng vẫn phải trả những chi phí cố định hàng ngày.
Chỉ trong tháng 8, các nhà sản xuất đã hủy ra mắt nhiều phim Việt như: Những cô vợ hành động (dự kiến 7/8), Chồng người ta (dự kiến 21/8), Tiệc trăng máu (28/8). Trong đó, Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là phim Việt hóa từ Perfect Strangers (2016) của Italy. Phim kể về bữa tiệc của một nhóm bạn thân. Trong bữa tiệc đó, họ cùng tham gia một trò chơi kỳ lạ. Mọi người đều phải công khai toàn bộ tin nhắn, cuộc gọi mà mình nhận được xuyên suốt buổi tối, từ đó nhiều sự thật được hé lộ.
Trước đó, Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy dự kiến ra mắt tại các rạp vào 31/7 nhưng cũng bị hoãn chiếu. Đây là tác phẩm đã xuất sắc đoạt giải New Currents - giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019, đang được khán giả mong chờ. Từ khi lên ý tưởng đến lúc gần công chiếu, Ròm mất 8 năm và trải qua 27 bản dựng khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Loan ở xã An Chấn, huyện Tuy An - một khán giả thích xem phim chiếu rạp, chia sẻ: “Hiện tại không thể đến rạp xem phim nhưng mình có thể biết được nhiều thông tin và hậu trường của các bộ phim trên các trang mạng. Mình hy vọng dịch COVID-19 sớm được kiểm soát, các phòng vé hoạt động trở lại. Mình sẽ rủ bạn bè đến rạp để xem những bộ phim yêu thích, thỏa mong muốn của mình trong thời gian giãn cách chống dịch”.
Điện ảnh là ngành không thể làm việc online (trực tuyến) mà phải ra hiện trường để thực hiện việc quay phim. Nếu trong chiến tranh, khán giả vẫn có thể ra rạp xem phim và nhà làm phim vẫn dũng cảm quay phim trong lửa đạn thì trong đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp bắt buộc phải ngồi yên nhưng vẫn phải trả những chi phí cố định hàng ngày.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/244939/phim-chieu-rap-lai-am-dam-vi-covid-19.html