Phim chiếu trên không gian mạng sẽ được hậu kiểm

Chiều 25/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

BÁO CÁO GIẢI TRÌNH DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN ẢNH

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho thấy, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) có tính chuyên môn sâu, phức tạp, do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng các mục tiêu đề ra. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đến thời điểm hiện tại đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần, còn 8 chương, 50 điều.

Trong Dự thảo Luật, Chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh của Nhà nước gồm 3 chính sách, đó là đầu tư của nhà nước cho các hoạt động điện ảnh; hỗ trợ các hoạt động điện ảnh; ưu đãi thuế, đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.

Về phân loại phim, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định về hiển thị phân loại phim và quy định tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim như Điều 32 dự thảo Luật. Dự thảo Luật còn 3 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau, đó là: Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13). Về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21) và Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (các Điều 42, 43, 44).

PHIM CHIẾU TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG SẼ ĐƯỢC HẬU KIỂM

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của luật này, đa số đại biểu đồng tình phương án tự phân loại và hậu kiểm với phim phổ biến trên không gian mạng. Điều này đã nhận được sự ủng hộ cao từ các chuyên gia.

Về việc hậu kiểm phim chiếu trên không gian mạng, PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, cho rằng cần có bộ tiêu chí về điện ảnh thật rõ ràng, cụ thể.

PGS.TS TRẦN LUÂN KIM - ĐBQH khóa XI, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Chính khán giả sẽ xem xét là có phù hợp với họ hay không. Như vậy, tác phẩm đó sẽ được cởi mở, được giải phóng, các nghệ sĩ sẽ tha hồ sáng tạo, nhưng sáng tạo có điều kiện.”

Để đảm bảo quản lý nhà nước, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã bổ sung quy định về trách nhiệm, biện pháp quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Cụ thể, các cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng tự phân loại và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại, cho hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo; dừng chiếu phim khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là điều cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Bà DƯƠNG CẨM THÚY, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM: “Cho phổ biến điện ảnh trên không gian mạng cần có những điều luật rõ ràng đưa ra để cho chủ phim, chủ sở hữu phổ biến phim trên không gian mạng có cơ sở để làm mà không sợ vi phạm luật.”

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phát hiện, khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm đối với phim chiếu trên không gian mạng. Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.

Thực hiện : Hoàng Hương Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phim-chieu-tren-khong-gian-mang-se-duoc-hau-kiem