Phim chính kịch Trung Quốc ế ẩm vì loạt video nhảm nhí như TikTok
Cảnh nóng, kịch bản về sự trả thù và những kẻ phá đám từ các clip vài phút trên TikTok đang trở thành tiêu chuẩn mới của điện ảnh Trung Quốc.
Theo Rest of World, những bộ phim truyền hình thời lượng siêu ngắn nhằm phục vụ nhu cầu của người dùng smartphone đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD ở Trung Quốc.
Thay vì những nội dung truyền hình chính thống lành mạnh khác, các video ngắn với kinh phí thấp và dễ quay đang thay đổi điện ảnh Trung Quốc.
Theo một số ước tính, ngành công nghiệp phim ngắn trên các nền tảng như TikTok hiện đạt tổng giá trị lên đến 1,4 tỷ USD tại Trung Quốc.
Rẻ tiền và dễ quay
Phần lớn kịch bản của những video này thường lặp đi lặp lại những câu chuyện quen thuộc đang thịnh hành trong giới tiểu thuyết Trung Quốc: Nhân vật chính phải lòng các tỷ phú, âm mưu trả thù của những cặp vợ chồng không hòa thuận hoặc du hành ngược thời gian.
Đa phần cốt truyện trong những video có diễn biến nhanh, tràn ngập cảnh nóng, cài cắm những tình tiết hấp dẫn ở cuối mỗi tập phim và thường dài từ 1-10 phút khiến người xem bị cuốn hút.
“Tôi sẽ không xem phim nếu mỗi tập dài hơn 10 phút. Tôi thích những câu chuyện ngọt ngào và dễ hiểu", Zhang Xiaoran, một sinh viên thích đọc tiểu thuyết ở tỉnh Hà Nam, nói với Rest of World. Zhang còn cho biết thêm mình thường xem những phim ngắn này khi nằm trên giường và chúng giúp cô giảm bớt cơn đau bụng kinh.
Theo dữ liệu được thống kê vào năm 2022, có tới gần 95% người dùng Internet ở Trung Quốc xem video ngắn. Trong đó, có khoảng 24% người dùng Internet chọn các ứng dụng video ngắn là điểm truy cập đầu tiên khi mở máy.
Kể từ năm 2021, toàn bộ nền tảng online lớn của Trung Quốc, từ Bilibili đến iQiyi, đều đã ra mắt mục riêng dành cho thể loại phim cho người dùng smartphone, hay còn được gọi là “phim ngắn tập”.
Trên nền tảng phát trực tuyến và ứng dụng video ngắn như Douyin và Kuaishou, những bộ phim truyền hình ngắn này được sản xuất phục vụ thị hiếu khán giả trẻ ở thành thị xem khi đi làm hoặc nghỉ trưa.
Trong khi đó, WeChat tính phí theo từng tập phim dài một phút. Xem một bộ phim dài 100 tập có thể tốn tới 15 USD, con số cao hơn gấp đôi giá vé xem phim trung bình ở Trung Quốc.
Các miniseries này nhắm đến “thị trường chìm”, ám chỉ người tiêu dùng sống ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, nơi có cơ sở người dùng Internet đang phát triển nhanh chóng.
Các nhà sản xuất thừa nhận với Rest of World rằng mặc dù chất lượng sản xuất thấp hơn, nhưng các miniseries này mang đến cho người xem cảm giác thú vị bằng cách thoát khỏi thực tế với những tưởng tượng từ nghèo khó trở nên giàu có.
Cụ thể, một loạt series có motif là những người lao động chân tay, như nhân viên bảo vệ hoặc giao hàng được ban cho sức mạnh ma thuật. Một nội dung khác cũng thu hút lượt người xem đông đảo là các cô gái trẻ bị ép kết hôn với những tỷ phú đẹp trai, giàu có và sau đó bất ngờ yêu họ thật lòng.
Kịch bản nhảm nhí
“Họ cảm thấy vui khi thấy các nhân vật chính giành được phụ nữ, của cải, địa vị, quyền lực hoặc đặc quyền. Họ nghĩ sẽ thật tuyệt vời nếu điều kỳ diệu tương tự xảy ra với mình", Hou Chao, người điều hành một công ty sản xuất phim truyền hình ngắn ở Trịnh Châu thừa nhận.
Kể từ tháng 8/2022, Hou cho biết công ty của mình đã sản xuất khoảng 10 phim truyền hình nhỏ. Toàn bộ đều nhắm đến đối tượng người xem là nam giới trên 40 tuổi — nhóm nhân khẩu học có thời gian rảnh rỗi và sẵn sàng chi tiền để xem phim truyền hình, từ đó liên tưởng đến những câu chuyện kể về kẻ yếu thế.
Phần lớn các chương trình ngắn này được sản xuất với ngân sách chỉ dưới 30.000 USD. Tuy nhiên, Hou cho biết các nhà phát hành sẵn sàng chi hàng trăm nghìn USD để quảng bá trailer của phim trên các ứng dụng video ngắn như Douyin.
Tác phẩm thành công nhất của công ty Hou có tên Deflation Made Me a Tycoon, một bộ phim dài 101 tập với chi phí quảng cáo khoảng 5,8 triệu USD. Theo Hou, bộ phim đã thu về hơn 7 triệu USD phí từ người dùng đăng ký thuê bao, đạt tỷ suất lợi nhuận 20%.
Nội dung các tập của Deflation Made Me a Tycoon đều xoay quanh kịch bản duy nhất: Sau khi bị ông chủ la mắng, bạn gái chia tay anh ta vì nghèo, mẹ qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi, một nhân viên văn phòng trẻ tuổi quyết định chọn cách kết liễu cuộc đời.
Anh nhảy khỏi một cây cầu, nhưng được đưa đến một thế giới giả tưởng, nơi mọi thứ đều cực rẻ vì siêu giảm phát và trở thành người giàu có nhất thế giới. Toàn bộ tập phim diễn ra trong vòng chưa đầy hai phút.
Trong khi đó, loạt phim bi kịch gia đình lại cực kỳ thu hút đối tượng khán giả nữ trung niên. Những câu chuyện này kể về một tình tiết lặp đi lặp lại, với một nhân vật nữ chính đau khổ dưới bàn tay của một người chồng bạo hành, không chung thủy.
Thậm chí, người chồng thường gọi vợ là "đồ khốn" và buộc cô phải hiến máu cho một người phụ nữ khác mà anh ta thích. Người xem đồng cảm với nhân vật chính và các tập phim luôn là kết thúc có hậu, với cảnh người chồng trở về nhà để làm hòa với vợ.
Theo Elaine Jing Zhao, giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales chuyên nghiên cứu về thị trường kỹ thuật số của Trung Quốc, những video ngắn này gây ấn tượng với người xem bằng cách cho thấy những thách thức mà chính họ có thể gặp phải trong cuộc sống ngoài đời và sau đó đưa ra một giải pháp kỳ diệu.
Zhao cho biết các nhà sản xuất đang cố gắng thu hút tầng lớp thấp trong xã hội, vốn được thống kê là nhóm dân số dùng Internet có tốc độ tăng nhanh nhất ở Trung Quốc.
“Người xem bị thu hút bởi cốt truyện về những người kém may mắn đột nhiên trở thành người đứng đầu thế giới”, Zhao lý giải.
Aria Lee, đạo diễn phim truyền hình dài tập ở Bắc Kinh, nói với Rest of World rằng so với phim chính kịch truyền thống, phim truyền hình ngắn yêu cầu cốt truyện diễn biến nhanh hơn để có thể thu hút người xem chỉ trong vài giây.
“Trong vòng 5 giây đầu tiên, video phải chứa đựng một yếu tố gây sốc khiến người xem muốn ở lại theo dõi tiếp”, Lee nói. Một trong những series phim ngắn của Lee mở đầu bằng cảnh một cặp đôi ngủ với nhau sau khi quan hệ tình dục. Bất chợt, người đàn ông tỉnh dậy và hỏi người phụ nữ là ai.
Những kịch bản khiêu khích như vậy hiếm khi được chiếu trên truyền hình Trung Quốc hoặc các trang web lớn như Tencent Video và iQiyi, nơi chính phủ yêu cầu các chương trình truyền hình phản ánh giá trị được công nhận về tinh thần làm việc chăm chỉ và lòng yêu nước.
Tuy nhiên, nhiều loạt phim truyền hình nhỏ, đặc biệt là những phim phát hành trên tài khoản WeChat, lại không cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý truyền thông. Theo các nhà sản xuất, dạng phim ngắn này thường có nội dung liên quan đến cưỡng hiếp, mang thai ngoài giá thú hoặc chi tiêu quá mức.
Vào tháng 12/2022, cơ quan giám sát truyền thông của Trung Quốc đã ra lệnh trấn áp nội dung “khiêu dâm, bạo lực, thô tục” trong các phim truyền hình ngắn tập.
Cơ quan quản lý cho biết ngành công nghiệp video ngắn đang phát triển với tốc độ quá nhanh, đã trở thành mối đe dọa đối với nội dung chính thống và cần được kiểm duyệt chặt chẽ hơn.
Đến tháng 3, một quan chức nhà nước tiếp tục kêu gọi ngành công nghiệp giải trí thực hiện những bộ phim ngắn chất lượng cao kể những câu chuyện hay về Trung Quốc.
Hồi tháng 4, WeChat, Douyin và Kuaishou cho biết đã xóa hàng trăm kênh phim truyền hình ngắn tập vì truyền bá nội dung tình dục, bạo lực và các giá trị “không lành mạnh” khác.