Phim chính luận cần trở lại và tiếp nối
Đã đến lúc dòng phim chính luận cần được trở lại đúng vị trí.

Minh họa/INT
Đã thành thông lệ, vào những dịp kỉ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, nhiều đơn vị như Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Viện phim Việt Nam hay Điện ảnh Quân đội Nhân dân lại tổ chức tuần phim, chiếu miễn phí các bộ phim hay, phim kinh điển của điện ảnh nước nhà. Chất lượng hình ảnh và âm thanh của nhiều tác phẩm đã xuống cấp, song khán giả vẫn hào hứng theo dõi.
Trở lại với phim chiếu rạp thương mại hiện nay, ta sẽ thấy phim giải trí với đủ thể loại: Tình cảm, hài, hành động và đặc biệt thể loại kinh dị lấn át. Không ít phim đạt doanh thu trăm tỉ, đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.
Trong khi thị trường phim giải trí đa màu sắc như vậy thì các phim chính luận hầu như vắng bóng. Nếu được sản xuất cũng khó ra rạp thương mại bởi thiếu kinh phí. Họa hoằn có “Đào, phở và piano” (năm 2024) bất ngờ tạo được hiệu ứng và năm nay có “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.
Sự hưởng ứng của khán giả dành cho hai tác phẩm này cho thấy người yêu điện ảnh vẫn ngóng chờ những bộ phim về lịch sử, văn hóa; những bộ phim được làm chỉn chu, tâm huyết đề cập các vấn đề xã hội, vấn đề độc lập chủ quyền và khát vọng nội sinh của một dân tộc.
Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hôm nay, khi đất nước đang biến chuyển mạnh mẽ với những mục tiêu mang tính vĩ mô, tình hình thế giới cũng vô cùng phức tạp bởi những cuộc xung đột lãnh thổ, chiến tranh thương mại cùng sự phát triển đáng kinh ngạc của khoa học công nghệ.
Bên cạnh giá trị nghệ thuật, điện ảnh còn là sản phẩm hàng hóa. Nhưng một nền điện ảnh chỉ nặng khai thác các yếu tố giải trí thương mại, sản phẩm làm ra và tiêu thụ nhanh như kiểu “mì ăn liền” thì nền điện ảnh đó không thể phát triển toàn diện, không thể có vị thế, có vóc dáng.
Chúng ta đã bỏ bẵng quá lâu, đã thờ ơ quá lâu. Đã đến lúc dòng phim chính luận cần được trở lại đúng vị trí. Trở lại với cách làm phim hiện đại, sáng tạo, mang hơi thở thời cuộc. Còn những bộ phim làm cho có, mục đích để giải ngân nguồn vốn Nhà nước thì có lẽ đã thừa.
Cần những nhà làm điện ảnh thực sự tài năng, trăn trở với các vấn đề lịch sử xã hội. Cần những nhà đầu tư tâm huyết, có tầm nhìn xa. Một trong những nhà đầu tư lớn ấy chính là Nhà nước. Nhưng Nhà nước cũng phải thay đổi định hướng đầu tư, để dòng tiền được quay trở lại, tái cấp vốn cho các dự án tiếp sau, chứ không phải đưa tiền làm phim rồi để phim “đắp chiếu” như đã từng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phim-chinh-luan-can-tro-lai-va-tiep-noi-post728421.html