Phim có nội dung tình dục, bạo lực bị phản ứng mạnh

'Squid Game', 'Game of Thrones' và nhiều bộ phim khác bị người xem chỉ trích nội dung 18+, bạo lực vượt mức cần thiết.

The Guardian vừa thực hiện cuộc phỏng vấn khán giả về những bộ phim được cho là đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của người xem. Khán giả cho biết họ bị ám ảnh, mất ngủ, lo lắng, thậm chí gặp vấn đề tâm lý sau khi xem những tác phẩm này.

Các thể loại chương trình được đề cập đa dạng, gồm phim kinh dị, chương trình thực tế, game show... với điểm chung là nội dung gây sốc, khai thác quá mức sự tò mò hoặc nỗi sợ hãi của người xem, và đôi khi không quan tâm đến tác động tiêu cực mà chúng gây ra.

Những cảnh phim gây ám ảnh

Trong tập đầu series Shōgun (2024), nhân vật người mẹ bị ép buộc phải giao đứa con cho cảnh sát để giết hại, chỉ vì những lời mà người cha đã nói. Cảnh này khiến Michelle - một thai phụ ở Hà Lan - cảm thấy "tàn nhãn vượt mức cần thiết".

"Tôi cũng khó chịu mỗi khi nhớ lại phân đoạn đó. Tôi cẩn thận về những gì tôi xem, vì tôi là người rất nhạy cảm (HSP), nhưng đa số nội dung tôi xem trong các phim gần đây đã khiến tôi bị tổn thương", Una (Toronto, Canada) nói.

Mikaela, một khán giả đến từ Pháp, ám ảnh về Squid Game. Mikaela kể gia đình chồng cô ban đầu háo hức đón xem mùa một. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tập, cô không theo dõi nữa vì thấy kinh hoàng trước số lượng lớn những cái chết vô nghĩa được mô tả một cách trần trụi, thậm chí có cảm giác như bộ phim đang tôn vinh bạo lực.

"Tôi vẫn không thể thoát khỏi hình ảnh những người chơi đeo mặt nạ đốt quan tài với những nạn nhân có thể còn sống bên trong", cô nhớ lại.

 Squid Game bị chỉ trích. Ảnh: People.

Squid Game bị chỉ trích. Ảnh: People.

Clare, 27 tuổi, đến từ Sydney, Australia, không đồng tình việc lạm dụng hành vi tấn công tình dục vào cốt truyện. Ví dụ điển hình là trong Game of Thrones, Clare cho rằng các biên kịch đã lựa chọn khác đi so với nguyên tác sách, biến đêm tân hôn của nhân vật Daenerys Targaryen (Emilia Clarke đóng) thành cảnh cưỡng hiếp.

"Quyết định này không hề đóng góp ý nghĩa nào cho cốt truyện, và rõ ràng là lựa chọn có chủ ý nhằm đưa yếu tố bạo lực tình dục vào bộ phim", Clare quan ngại.

The Walking Dead thuộc danh sách phim bị chỉ trích dữ dội. Đối với Ben (50 tuổi, Pháp), cảm giác từ yêu thích đã chuyển sang "phản bội" sau khi anh chứng kiến cảnh tượng Glenn bị Negan đánh đến chết bằng gậy bóng chày quấn dây thép gai. Ben mất ngủ nhiều đêm, vật lộn với cảm giác buồn nôn.

Theo The Guardian, trải nghiệm theo dõi các phim ở thập niên 2000 như Black Mirror, Dexter, Spooks... cũng làm cho nhiều thế hệ người xem bức xúc.

'Mục đích giải trí không nên là cái cớ để sử dụng nội dung gây sốc'

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Adolescent Health cho thấy việc tiếp xúc thường xuyên với nội dung bạo lực có thể làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Theo đó, những thanh thiếu niên xem hơn 3 giờ nội dung bạo lực mỗi ngày có nguy cơ mắc rối loạn lo âu cao hơn 25% so với những người xem ít hơn 1 giờ.

Còn theo báo cáo của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), những người thường xuyên xem các chương trình có nội dung bạo lực có nguy cơ mắc các chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) cao hơn 15% người bình thường.

Trong nghiên cứu của Đại học Pennsylvania, tác giả nhắc về tác động đến nhận thức và quan điểm khi theo dõi nội dung tiêu cực. Cụ thể, những người thường xuyên tiếp xúc với các nội dung sặc mùi định kiến có nguy cơ chấp nhận và đồng tình với những quan điểm thiên lệch đó cao gấp 15%.

 Nhiều cảnh 18+ trong Game of Thrones khiến người xem khó chịu. Ảnh: HBO.

Nhiều cảnh 18+ trong Game of Thrones khiến người xem khó chịu. Ảnh: HBO.

Michael Sandel - giáo sư ngành Triết học chính trị tại Đại học Harvard (Mỹ) - từng nhìn nhận rằng nhà sản xuất có trách nhiệm đạo đức trong việc lựa chọn nội dung mà họ phát sóng. Ông phát biểu: "Không đơn thuần là những người cung cấp dịch vụ giải trí, họ còn có ảnh hưởng lớn đến nhận thức và hành vi của công chúng. Hãy xem xét đến tác động xã hội của những chương trình mà mình tạo ra".

Giáo sư David Buckingham, học giả truyền thông đến từ Anh, cho rằng mục đích giải trí không nên là cái cớ để các nhà sản xuất sử dụng nội dung gây sốc. "Cần có sự cân bằng giữa tính giải trí và đạo đức để đảm bảo rằng chương trình truyền hình không gây hại cho người xem", ông quan điểm.

Dưới góc nhìn của giáo sư John Fiske, một nhà nghiên cứu truyền thông, quy trình kiểm duyệt nội dung cần phải được thực hiện cẩn trọng để đảm bảo nó không trở thành một công cụ để kìm hãm sự sáng tạo và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, cũng cần phải có những quy định rõ ràng để bảo vệ công chúng khỏi những nội dung không phù hợp.

Khi sản xuất một bộ phim hoặc chương trình truyền hình, theo Barbie Zelizer - chuyên gia truyền thông từng theo học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), đội ngũ sản xuất cần phải tôn trọng vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là vấn đề liên quan đến sự đau khổ, mất mát hoặc trải nghiệm tiêu cực.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/phim-co-noi-dung-tinh-duc-bao-luc-bi-phan-ung-manh-post1525303.html