Phim 'Cu li không bao giờ khóc': Gieo lại những bâng khuâng
'Cu li không bao giờ khóc' có khuôn hình đẹp, cách kể chuyện ám ảnh, diễn xuất khá đời…
Vậy nhưng, khi ra rạp, bộ phim điện ảnh độc lập này chỉ được đón lượng khán giả khiêm tốn đến thưởng thức cùng những góc nhìn đa chiều.
Thời gian đâu để lưu luyến!
Không nhiều kịch tính, cú ngoặt bất ngờ hay những yếu tố câu khách kiểu như pha trò bông phèng, cảnh nóng, yếu tố kinh dị… nên đương nhiên “Cu li không bao giờ khóc” không “được lòng” số đông khán giả nước nhà thường có thói quen ra rạp xem phim chỉ để giải trí bởi những yếu tố đó.
Ở đây câu chuyện được kể nương theo dòng chảy tâm lý của góa phụ xế chiều sau khi dự đám tang của người chồng quá cố xa cách 30 năm ở ngoại quốc trở về quê nhà mà “tưởng như bắt đầu chuyến đi mới, chẳng rõ tới đâu, không nhận ra nơi mình ở…”.
Đêm đó, bà Nguyện mang theo con cu li và bình tro đựng hài cốt của người chồng quá cố. Chuyến trở về ấy diễn ra theo dòng chảy “lãng quên trở thành thân thuộc, còn những gì thân thuộc trở thành xa lạ” nên bà đã bất ngờ và tỏ ý phản đối khi biết gặp cô cháu gái bị khuyết tật ở tay tên Vân sớm côi cút từ nhỏ, sống cùng bà trong căn nhà nằm sâu cuối ngõ đã có bạn trai và đang gấp rút kết hôn...
Nhưng không có xung đột gay gắt nào xảy ra giữa họ. Cuộc sống thường nhật vẫn đều đặn trôi chảy. Người già làm việc mình muốn làm: Chăm thú cưng, khiêu vũ, tìm người tâm giao, thăm lại chốn xưa, bạn cũ…; người trẻ lo việc cần lo: Trông trẻ, thử váy, chụp ảnh cưới...
Bề ngoài giữa họ dường như không có gì xáo trộn nhưng thực ra, nhiều đợt sóng ngầm đã nổi lên và va đập. Chỉ có điều sự va đập này không phải là những ồn ào, gào thét mà cứ ngấm ngầm xâm lấn vào ngóc ngách tâm hồn và dồn nén trong ánh nhìn ra chiều bất hợp tác cùng tiếng thở dài buông xuôi.
Cũng có lúc nó chợt xáo động trong bữa ăn giữa hai người với phản ứng mạnh mẽ của Vân. Hay khi Vân bực tức dương cung nhằm vào con cu li rồi cáu kỉnh với bà Nguyện vì cho rằng chính nó là nguyên do khiến mấy đứa trẻ bị dị ứng…
Thế nhưng, những đợt xô bờ đó không dài dòng mà rất ngắn, không quá gay gắt mà vẫn tiếp tục được kìm nén. Nó tạo nên nhịp điệu phim “nhẩn nha”, chậm rãi, thậm chí đôi chỗ có phần ề à, dài dòng.
Bởi vậy, không thể gọi chúng là nút thắt hay cao trào, tạo đột biến mạnh mẽ cho “Cu li không bao giờ khóc” để thỏa mãn cho phần đông khán giả đến rạp xem phim với tiêu chí: Giải trí theo các pha cười té ghế hay tình huống “giật gân”, minh họa cho xu hướng thời thượng. Chẳng thế mà sau ít ngày nhận tín hiệu vui từ phòng vé, các suất chiếu của bộ phim thưa dần người quan tâm.
“Làn sóng” tới rạp trong những ngày đầu xuất hiện cũng bởi không ít người tò mò trước một phim điện ảnh độc lập đầu tay giành nhiều giải quốc tế như “Cu li không bao giờ khóc”.
Nhưng những gì họ mong chờ, từ sự ồn ào, gào thét đến giật gân bởi yếu tố kinh dị, cảnh nóng đều vắng bóng nên rời rạp sẽ là những lời chê bộ phim không có gì đặc sắc, buồn tẻ từ khung hình đen trắng đến tình tiết nhạt nhòa, lặng lẽ và rất… khó hiểu, khó nắm bắt. Không giữ đó là trải nghiệm của riêng bản thân, họ bình luận trên các diễn đàn như một nguồn tin cậy cho người nào có ý định quan tâm đến bộ phim.
Cùng với đó, không ít người cho rằng, mục đích của việc mất tiền, mất thời gian mua vé ra rạp xem phim chỉ là đơn thuần để mua vui cho bản thân trong giây lát rồi để mặc nó trôi đi chứ không muốn gánh thêm cái ám ảnh của phim vì cuộc sống còn bao việc phải lo nghĩ…
“Sau một ngày làm việc mệt nhoài cùng các con số khô khốc, tôi muốn được thư giãn với bộ phim đơn giản, nhẹ nhàng, hài hước. Tôi thực sự không muốn tâm trí của mình mỏi mệt, ảm đạm thêm sau khi rời rạp chiếu.
Không chỉ riêng tôi mà tâm lý này rất phổ biến đối với người trẻ hiện nay, nhất là với người không làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Thêm nữa, trước khi mua vé chúng tôi quan tâm đến những bình luận, review để lựa chọn bộ phim phù hợp với mình”, Nguyễn Hoàng (Hà Nội) chia sẻ.
Thỏa lòng cho số ít
Chỉ thu về hơn 700 triệu đồng sau hơn một tháng ra rạp nhưng “Cu li không bao giờ khóc” đem lại sự thỏa lòng cho những ai thích chiêm nghiệm và lắng lại cùng dòng chuyển động chậm rãi, tinh tế nhận ra ẩn dụ trên từng khuôn hình đẹp, sắc nét trong sự hoài cổ; trong từng lời thoại.
Dù là phim độc lập có nguồn kinh phí hạn hẹp song mỗi góc máy vẫn đắt giá và giàu chất thơ đến từng chi tiết chứ không phải là sự lặng câm, vô vị: Một con đường trở về trong buổi đêm lóc xóc bên các công trình bê tông đồ sộ.
Một con hẻm vòng vèo, sâu hút dẫn tới nhà. Một căn phòng nhỏ cũ kỹ, chật chội mà vẫn chứa đủ tiếng cười, tiếng hát của trẻ nhỏ. Một phòng trà dành cho người cao tuổi bồng bềnh cùng “Thiên thai”. Một thung hoa chụp ảnh cưới, uyên ương giao ước hạnh phúc.
Một khu rừng thanh vắng gọi về những thành thực nhất, đồng điệu nhất. Một cuộc gặp gỡ người xưa chốn cũ để vỡ lẽ và buông bỏ ký ức ganh ghét, đố kỵ. Một đám cưới của tương lai dù chứa chất những mông lung mà vẫn ánh lên hy vọng…
Giữa những không gian ấy, bà Nguyện đã không khỏi lạc lõng để rồi “va đập” trong sự gắng gỏi níu giữ ký ức hòng tìm về quá khứ bồng bềnh của cảm xúc tuổi xuân. Giống như bao người phụ nữ, bà cũng muốn uốn nắn cô cháu gái sau những trải nghiệm của cuộc đời mình, với không ít lo lắng về chuẩn mực đạo đức xã hội truyền thống.
Đỉnh điểm là khi bà bất ngờ biết nguyên do vì sao đám cưới của cô cháu gái diễn ra gấp rút. Khoảng lặng giữa hai người phụ nữ ở phía sau nhà sao mà ngột ngạt, bứt rứt.
Và soi chiếu suốt bộ phim là đôi mắt đầy ám ảnh của góa phụ ấy - không bao giờ rơi lệ mà lúc nào cũng trân trân, hoang hoải giữa ngôi nhà, trong phòng trà, giữa buổi gặp mặt…
Ánh ra từ đó là niềm khao khát tìm kiếm điều gì đó đầy mông lung, chông chênh, chới với cùng niềm tin rồi sẽ xuất hiện, sẽ trở về. Bà hy vọng nó có thể lấp đầy sự cô đơn, trống trải trong tâm hồn luôn bừng thức, xáo trộn của những cảm xúc năm xưa không chịu ngủ yên.
Sau những bền bỉ níu giữ quá khứ một cách thầm lặng, dù đôi khi bộc phát trực diện, hòng cưỡng lại thực tại mà chẳng thể được, bà Nguyện quyết định tìm về chốn xưa cùng với bồi bàn trẻ tuổi làm việc ở phòng trà Thiên Đàng, người gợi lại trong bà những cảm xúc năm xưa giữa tuổi già cô đơn.
Và bà được gặp người cũ nhưng không còn chuyện cũ, cách nghĩ cũ. Dù rằng mỗi lời chuyện trò của đồng nghiệp ôn lại điều đã qua nhưng cũng chính là lời nhắc bà hãy buông bỏ, hãy kết nối cho một tương lai mới và hãy tin những điều tốt đẹp sẽ luôn ở lại. Song tất cả vẫn còn là những mơ hồ, mong manh…
Chỉ đến khi giữa thiên nhiên hoang dã, tự tay thả con cu li về với rừng và nhận từ anh bồi bàn thái độ phản ứng mạnh mẽ, bà Nguyện mới thực sự bừng tỉnh. Cùng với đó là mầm sống mới nảy nở - kết quả của tình yêu bồng bột nhưng là điểm nối cho mối duyên của Vân - Quang đi đến cái kết có hậu là những thực tại rõ ràng để bà đối diện và nhận ra: Cuộc sống vẫn luôn trôi chảy, có khổ đau và hạnh phúc, cũ kỹ và tươi mới.
Cánh cửa này khép lại thì sẽ có cánh cửa mới mở ra, hãy mạnh dạn bước vào và đón nhận… Không thể nói hay dự liệu trước về chặng đường mới của Vân - Quang nhưng không nên vì những ám ảnh quá khứ mà ngăn cản hạnh phúc của đôi trẻ. Hãy tiếp tục chúc phúc và nâng đỡ. Phải chăng, đó là điều “Cu li không bao giờ khóc” muốn gửi gắm? Thật bình dị mà ấm áp.
Thật nhẹ nhàng mà sâu sắc. Thật chân thực mà bay bổng. Buồn, ám ảnh, ảm đạm đấy nhưng không bi đát. Cô đơn khắc khoải, phấp phỏng âu lo đấy nhưng không tuyệt vọng. Niềm tin và khát vọng vẫn ở đó. Nhưng, qua cách kể ẩn dụ những điều đó không dễ thấy, không dễ nhận ra để cảm, để thấu cho số đông thì thật khó để bộ phim tạo nên cơn sốt phòng vé ở quê nhà.
Nhưng vẫn cần công bằng nhìn lại câu chuyện ra rạp dịp cuối năm 2024, dù không phải chịu áp lực về tài chính nhưng vẫn tròn vẹn hơn nếu các suất chiếu của “Cu li không bao giờ khóc” có đông khán giả đến thưởng thức, đồng cảm.
Hẳn rằng, đây cũng là điều được đạo diễn, nhà sản xuất lưu tâm để tiếp tục tâm huyết sáng tạo những đứa con tinh thần không chỉ xuất sắc về nghệ thuật, giá trị tư tưởng mà còn đủ sức kéo khán giả đến rạp.
Tất nhiên, để làm được điều này không thể ngày một ngày hai mà cần sự bền bỉ, kiên trì trước số đông khán giả chưa mặn mà với dòng phim nghệ thuật cần sự tư duy chiều sâu chứ không đơn thuần chỉ là đến rạp xem phim chỉ để giải trí.
Phim điện ảnh độc lập “Cu li không bao giờ khóc” được Phạm Ngọc Lân dàn dựng từ kịch bản do anh viết cùng Nghiêm Quỳnh Trang với sự tham gia diễn xuất của NSND Minh Châu (bà Nguyện), Hà Phương (Vân), Ngô Xuân An (Quang), Hoàng Hà (bồi bàn ở câu lạc bộ Thiên Đàng), Cao Sang (bạn Quang), Thương Tín (ông Sinh - bố Quang, đồng nghiệp cũ của bà Nguyện), NSƯT Thanh Hiền (bà Sinh - mẹ Quang), NSƯT Quốc Tuấn (đồng nghiệp cũ)...
Phim được công chiếu hồi tháng 2/2024 tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 74 ở hạng mục Panorama và giành giải Phim đầu tay xuất sắc nhất và là bộ phim Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng này. Ngoài ra, phim còn giành một số giải quốc tế như: Phim xuất sắc nhất - hạng mục Cạnh tranh Quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Jeonju lần thứ 25, Phim hay nhất - Hạng mục phim châu Á dự thi tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng; Màn trình diễn xuất sắc nhất cho NSND Minh Châu tại Liên hoan phim quốc tế Las Palmas de Gran Canaria lần thứ 23…