Phim cung đấu bao giờ lên ngôi?

Dù là mảnh đất màu mỡ nhưng phim dã sử, cổ trang về những cuộc đấu đá chốn hậu cung (còn được biết đến là phim cung đấu) của điện ảnh Việt chưa thể thỏa mãn được khán giả. Nguyên nhân vẫn là phim cung đấu nước ta còn nhiều sạn, nội dung rời rạc và chưa được đầu tư đúng mức.

Sau bao ngày chờ đợi, bộ phim cung đấu Phượng Khấu (10 tập, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) đã đến với khán giả gần đây, xem trên nền tảng số. Tuy được kỳ vọng nhưng bộ phim cung đấu này qua 3 tập đầu tiên đã lộ nhiều hạt sạn. Đầu tiên là lỗi kỹ xảo, cảnh Miên Tông (NSƯT Thành Lộc) đăng quang hoàng đế, do xử lý hậu kỳ chưa tốt nên người xem dễ dàng nhận ra những phông xanh trong phim. Bối cảnh Phượng Khấu quay ở kinh thành Huế nhưng trong phim, hoàng cung rộng lớn không có lính gác. Những cảnh quay từ trên cao, không gian của cung điện rơi vào thinh lặng, bởi vậy có khán giả hài hước đưa ra bình luận “có lẽ đây là kinh thành bị bỏ hoang”.

Trong tập 3 của Phượng Khấu, nhân vật Đức Bà mở yến tiệc mừng hoàng tử Hồng Thụ. Vì khi hoàng đế Thiệu Trị lên ngôi, Đoàn Viên hạ sinh Hồng Thụ nên hoàng tử nhỏ rất được xem trọng. Tuy nhiên, khán giả không thấy được sự xa hoa của một yến tiệc đúng nghĩa, từ bối cảnh đến đồ ăn đều được quay qua loa. Cùng với đó, do quá tập trung vào diễn xuất nội tâm của các diễn viên như: Hồng Đào, Hồng Vân, Thành Lộc, Lê Thiện nên bộ phim này bị nhận định lê thê, thiếu điểm nhấn. Phim cũng bị chê khi lạm dụng lồng tiếng các nhân vật, điều này làm mất cảm xúc người xem.

Phim cung đấu Phượng Khấu được kỳ vọng nhưng chỉ mấy tập đầu đã mất điểm với khán giả vì nhiều sạn.

Thực ra, trước Phượng Khấu, một số phim cung đấu do các nghệ sĩ trẻ ở nước ta thực hiện, chủ yếu phát hành trên mạng dù có lượng người xem lớn nhưng đa số chỉ nhằm mục đích tạo ra tiếng cười chứ chưa thật sự đầu tư về nội dung. Phim cung đấu Nam Phi liên hoàn kế có hàng triệu lượt xem nhưng lạm dụng hành động... tát với hiệu ứng âm thanh chói tai, tát bằng mu bàn tay nhưng son phấn của người bị tát lại dính ở... lòng bàn tay, nhạc phim lồng đủ kiểu tùy hứng, khi lấy nhạc phim cổ trang của Hàn Quốc, lúc trích nhạc phim hoạt hình Nhật Bản. Trong khi đó, phim Bổn cung giá lâm gắn mác cung đấu nhưng thật ra là một phim hài ngắn thì đúng hơn. Bộ phim này nhạc nền lồng loạn xạ, ánh sáng lúc rõ lúc tối và bị người xem than phiền là “thoại chậm, mảng miếng không sắc, tình huống nhàn nhạt” ngay tại kênh phát hành.

Một số phim cung đấu Việt chiếu miễn phí trên mạng cũng khiến người xem thở dài. Chẳng hạn các phim Nam phi liên hoàn kế, Kỳ án cung Diên Thọ, Hoàng hậu họ Huỳnh để cho các diễn viên nam giả cung phi nữ một cách tùy tiện để gây cười. Đáng nói hơn là Bí mật Trường Sanh cung có các chi tiết giống nhau về nội dung, diễn xuất dường như “cóp” từ các phim Diên Hy công lược, Hậu cung Chân Hoàn truyện, Hậu cung Như Ý truyện của nước ngoài. Điểm trừ của các phim cung đấu Việt còn ở trang phục, nhiều khi khán giả không biết quần áo của các nhân vật mặc trên người ở thời nào, có khi lai căng giữa Việt Nam và các nước khác như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan...

Nhiều khán giả đánh giá và đem so sánh phim cung đấu Việt với các nước trong châu lục thì thấy, nội dung các phim cung đấu ở ta thường quanh quẩn với những tình tiết ganh ghét, hãm hại, trả thù... mà không cung cấp cho khán giả chút kiến thức nào về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Kỹ xảo, phục trang đa số chỉ bắt chước, chưa có tính sáng tạo để đảm bảo đó là tác phẩm “made in Việt Nam”. Nhìn ra phim cung đấu của một số quốc gia ở châu Á, khán giả Việt không khỏi chạnh lòng vì phim nước ngoài có kịch bản chặt chẽ, lôi cuốn, kỹ xảo biến hóa độc đáo, hấp dẫn và bối cảnh, phục trang công phu, bắt mắt.

Chính vì những điều này, nhiều khán giả Việt xem và yêu thích phim cung đấu nước ngoài là điều dễ hiểu, khi phim nước nhà chưa có đủ các yếu tố để hút người xem từ cách thể hiện đến nội dung tác phẩm như phim nước ngoài đã làm được.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phim-cung-dau-bao-gio-len-ngoi-n171503.html