Phím đàn gác lại
Có những giấc mơ tưởng chừng đã chìm khuất như cánh đồng nứt nẻ sau mùa hạn, nhưng không, chúng chỉ tạm ngủ yên, gấp lại trong ngăn sâu nhất của ký ức, chờ một ngày được đánh thức. Chị Hoa là hiện thân lặng lẽ của những giấc mơ ấy.
Tuổi thơ của chị là một bản nhạc dang dở. Những nốt nhạc ấy vọng lên từ tiếng đàn của bà giáo già ở cuối xóm - âm thanh dìu dịu như gió đồng, len lỏi vào tâm hồn non nớt, khơi dậy trong chị một khát khao mơ hồ: Được ngồi trước cây đàn, mặc váy trắng tinh khôi, cúi chào dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng đời chị, như mảnh ruộng lúa khô khát mùa giáp hạt, chưa từng có chỗ cho mộng mơ. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê miền Trung, những mùa đói kém dạy chị từ nhỏ cách chịu đựng và hy sinh. Mỗi chiều tan học, chị thường nấn ná bên hiên nhà bà giáo. Qua kẽ lá, chị lén nhìn những ngón tay gầy guộc lướt trên phím đàn. Có lần, bắt gặp ánh mắt ấy, bà mỉm cười: - Con muốn học không? Chị lí nhí gật đầu: Dạ có! Bà bảo: - Lau lớp cho sạch, quét đàn cho tinh, bà sẽ dạy con.

Ảnh minh họa.
Từ đó, ngày nào chị cũng tranh thủ qua nhà bà giáo, cần mẫn làm. Bốn tháng trôi qua là bốn tháng chị sống trong giấc mơ dịu dàng. Nhưng rồi bà mất. Cây đàn khép lại. Giấc mơ cũng khép theo.
Rồi chị lớn lên vội vã, gánh lấy vai trò chị cả trong nhà đông em, nghỉ học, đi cấy thuê, gánh nước thuê, sớm khuya quần quật. Những ngón tay từng lướt trên phím đàn giờ chai sần, ngấm mùi bùn đất. Rồi chị lấy chồng - một người đàn ông hiền lành, thương chị nhưng chẳng biết gì về âm nhạc. Họ sống trong nghèo khó. Anh mất sớm vì bệnh phổi, để lại chị với hai đứa con thơ. Chị trở thành cả bầu trời cho các con, chẳng dám nghĩ đến điều gì cho riêng mình nữa.
Nhưng những giấc mơ xưa như mầm cây âm thầm nảy giữa lòng đất cỗi, vẫn lặng lẽ đâm chồi qua hai cô con gái. Cô chị - cẩn thận, lặng lẽ - sớm nhận ra ánh buồn trong mắt mẹ mỗi lần nghe tiếng hát vẳng ra từ chiếc radio cũ. Con bắt đầu tập hát. Giọng con trong veo như sương sớm rơi trên lá. Một hôm, con nhìn mẹ: - Mẹ… con muốn học đàn piano.
Chị Hoa khựng lại. Đàn - thứ xa xỉ mà chị từng chạm tay rồi vuột mất. Nhưng trước ánh mắt tha thiết của con, chị chỉ khẽ gật đầu: - Mẹ sẽ ráng.
Chị nhận làm thêm buổi tối, chắt chiu từng đồng. Năm con mười lăm tuổi, chị mua được một cây đàn piano điện cũ kỹ. Chị đặt nó giữa nhà, lau bụi từng ngày, nâng niu như báu vật.
- Nghe con đàn, mẹ thấy tuổi thơ mình sống lại - chị thì thầm, mắt hoe đỏ. Cô em - linh hoạt, mơ mộng - từ nhỏ đã múa theo tiếng nhạc, rồi tự chế lời cho những bài hát nghe được. Chị Hoa dõi theo, ánh nhìn dịu dàng như nắng sớm. Lòng chị se lại khi thấy con ngồi bệt giữa nhà, đung đưa theo điệu nhạc văng vẳng. Có những chiều muộn, chị chỉ ngồi lặng, nhìn hai con và nghe… như nghe lại chính mình một thời.
Rồi mùa hè năm ấy, cô chị chuẩn bị thi vào Nhạc viện, còn cô em tròn mười tuổi. Hai chị em được chọn biểu diễn ở buổi tổng kết năm học: Cô chị vừa hát vừa đệm đàn, cô em múa phụ họa. Chị Hoa ngồi hàng ghế đầu, mặc chiếc áo dài trắng đã giữ gìn mấy chục năm - chiếc áo chị từng mơ mặc khi đứng trên sân khấu. Nhìn hai con biểu diễn, chị bật khóc, không phải vì tiếc nuối mà vì hạnh phúc. Giấc mơ từng dở dang đã đơm hoa trên đôi vai bé nhỏ của các con.
Tối ấy, ba mẹ con ngồi bên bếp lửa nhỏ. Trên bàn là đĩa bánh khoai nướng thơm lừng. Gió đêm lùa qua khe cửa, mang theo hương dạ lý thoang thoảng.
- Hồi nhỏ, mẹ từng có một giấc mơ - chị chậm rãi - ước có cây đàn, được học nhạc, được biểu diễn… Nhưng ngoại bệnh, nhà nghèo, rồi bố các con mất, mẹ gác lại tất cả. Có lúc mẹ nghĩ, thôi, giấc mơ chỉ là mộng. Nhưng rồi… - chị quay sang con gái - mẹ thấy con hát, mẹ lại tin giấc mơ nếu đủ thật, sẽ tìm được người viết tiếp. Cô chị nức nở. Cô em ôm mẹ, lí nhí: - Mẹ ơi, tụi con sẽ viết tiếp mà… viết cả phần mẹ nữa.
Đêm ấy, tiếng cười nói vang vọng bên ánh lửa. Ngoài sân, trăng lặng lẽ lên cao. Trong lòng chị Hoa, một bản nhạc xưa khẽ ngân lên, không còn dang dở, mà dịu dàng, trọn vẹn như khúc dương cầm mùa hạ - được viết lại bằng tay của những đứa con biết ước mơ.