Chân lý thứ ba rưỡi giữa khổ đau và hạnh phúc tối thượng

Hạnh phúc chân thật không nằm nơi những gì dễ đổi thay. Tỳ-kheo Thanissaro nhắc nhở chúng ta: nếu còn tìm hạnh phúc trong những điều gắn liền với khổ đau, thì thất vọng chỉ là chuyện sớm muộn. Chỉ khi quay về với nội tâm tĩnh lặng, ta mới chạm được vào an lạc bền vững.

Lời dạy của Đức Phật giống như một bàn tiệc buffet, nơi bạn có thể chọn nhiều món khác nhau tùy theo nhu cầu của mình: có món giúp bạn sống hạnh phúc trong đời này, có món giúp bạn chuẩn bị cho một đời sống tốt đẹp ở kiếp sau, và cũng có món dẫn đến sự thoát ra khỏi ràng buộc của vòng sinh tử, mà điều này không có nghĩa chỉ là sự chết đi, bởi vì cái chết vẫn là một phần của sự sống. Đức Phật dạy rằng sự giải thoát khỏi cả sự sống lẫn cái chết, và đó mới chính là hạnh phúc tối thượng. Nhưng đối với phần “cao cấp” đó của bàn tiệc thì nhiều người vẫn nói rằng: “Tôi chưa sẵn sàng”. Không sao cả, vì vẫn còn có nhiều món khác để bạn chọn.

Lời dạy của Ngài về cách sống hạnh phúc trong đời này chủ yếu là học cách siêng năng, biết chủ động, và hiểu rằng nếu muốn sống hạnh phúc bằng chính sức lao động của mình, bạn cần chọn một nghề chân chính và nỗ lực làm cho tốt. Khi đã có được của cải một cách đúng đắn, bạn phải biết giữ gìn và chăm lo cho tài sản đó. Tiếp đến là chi tiêu hợp lý. Tức là bạn không nên quá keo kiệt, nhưng cũng đừng phung phí. Có thể bạn nghĩ rằng Đức Phật sẽ chỉ nói “đừng tiêu xài hoang phí”, nhưng thú vị thay, Ngài cũng nhấn mạnh đừng quá keo kiệt. Bởi nếu bạn không biết tận hưởng một chút từ thành quả lao động của mình, bạn sẽ trở thành một người khô cứng, héo hắt, và thậm chí dễ ganh tỵ với niềm vui của người khác.

Và cuối cùng, nên kết giao với những người bạn tốt, những người có thể giúp bạn đi đúng hướng. Đức Phật liệt kê bốn phẩm chất của người bạn tốt và thật thú vị là bốn phẩm chất đó cũng chính là nền tảng để bạn có được một kiếp sống tốt đẹp trong tương lai. Nói cách khác, hãy chọn những người bạn mà bạn có thể noi gương để sống hạnh phúc cả trong hiện tại lẫn tương lai.

Phẩm chất đầu tiên là niềm tin vững chắc vào sự giác ngộ của Đức Phật. Điều này có nghĩa là bạn tin rằng chính hành động của mình quyết định hạnh phúc hay khổ đau, và chính tác ý của bạn sẽ định hình kết quả của hành động ấy. Nhưng không phải chỉ cần “có ý tốt” là đủ. Một ý định thật sự thiện lành vốn không bị si mê chi phối, tức là bạn phải biết quan sát bản thân, xem xét hành động của mình, rút kinh nghiệm từ lỗi lầm và luôn hướng đến hạnh phúc lâu dài chứ không phải chỉ là cảm xúc nhất thời.

Chúng ta đã từng nói đến việc: khi nào nên bày tỏ quan điểm và khi nào nên giữ im lặng? Câu trả lời không nằm ở cảm xúc, mà nằm ở việc bạn có lường trước được hậu quả lâu dài của hành động ấy hay không. Thật không dễ để giữ vững niềm tin vào nguyên tắc này, bởi vì ai cũng dễ bị hấp dẫn bởi những gì mang lại kết quả nhanh chóng và dễ chịu ngay tức thì. Nhưng Đức Phật khuyên chúng ta phải nhìn xa hơn, phải thấy được cái nhân quả tái sinh, để từ đó hiểu rằng: mỗi hành động đều quan trọng và ta cần dành sự chú tâm tối đa cho từng việc mình đang làm. Đó là phẩm chất đầu tiên của một người bạn tốt và cũng là nền tảng đầu tiên của hạnh phúc trong tương lai.

Phẩm chất thứ hai là giới hạnh, tức là mong muốn sống không gây hại cho ai trong từng lời nói và hành động. Điều này cũng quay trở lại việc quản lý tâm ý của mình, vì chính tâm ý tạo nên bản chất của hành động. Vì vậy, bạn phải thường xuyên soi lại tâm mình, đảm bảo rằng mình đang hành xử với thiện chí, không làm tổn hại đến ai. Chính khi bạn hành động với ý định chân thành và thiện lành nhất, bạn mới thực sự học được điều gì đó. Nếu bạn biết rõ ý định của mình là bất thiện mà vẫn làm, rồi nhận lại kết quả xấu, thì bạn chẳng học được bao nhiêu.

Thông thường, khi nói đến giới hạnh, ta thường nghĩ đến năm giới. Nhưng trên thực tế, giới hạnh còn được thể hiện qua phẩm chất của tâm, qua cách sống và nhân cách, những phẩm chất như biết đủ, biết quan tâm đến người khác, sẵn lòng giúp đỡ người khác và không làm phiền ai. Tất cả những điều đó cũng là một phần của giới hạnh.

Phẩm chất thứ ba bạn nên tìm ở một người bạn đáng kính là tấm lòng quảng đại, họ luôn sẵn sàng chia sẻ những gì mình có. Một người có tâm chia sẻ thì thường không có ham muốn chiếm đoạt, tranh giành và bạn không chỉ được hưởng lợi từ sự hào phóng đó, mà còn từ tấm gương tốt đẹp của họ, chính họ nhắc nhở bạn rằng những điều quý giá nhất trong đời không phải là của cải vật chất, mà là phẩm chất của nội tâm.

Phẩm chất cuối cùng là trí tuệ, ở đây Đức Phật định nghĩa là “sự hiểu biết sâu sắc về sự sinh và diệt”. Nghe thoáng qua thì giống như chỉ là việc thấy các sự việc đến rồi đi, nhưng từ khóa ở đây là “sâu sắc”. Điều đó có nghĩa là bạn biết rõ khi một điều gì khởi lên, nó khởi lên vì điều gì, hướng đi của nó ra sao và liệu nó có ích hay có hại. Cái gì cần được vun bồi, cái gì nên dừng lại. Trí tuệ này luôn đi đôi với chánh tinh tấn, nghĩa là phải biết chọn đúng mục tiêu để nỗ lực và cố gắng.

Đó là bốn phẩm chất bạn nên có nơi một người bạn, người mà bạn chia sẻ cuộc sống, người mà bạn tìm đến khi cần lời khuyên và họ sẽ giúp bạn đi đúng hướng. Tôi đã từng chứng kiến những người rất siêng năng, tự lập, kiếm được nhiều tiền, nhưng sau đó họ bắt đầu kết giao với những người giàu có khác, lấy tiền làm thước đo để chọn bạn. Mà điều đó lại không đáng tin chút nào. Một người bạn tốt không nhất thiết phải là người ăn nói khéo léo, hay thành công rực rỡ, mà là

người mà bạn có thể noi theo, là tấm gương đạo đức và trí tuệ cho bạn học hỏi.

Đó là một phần trong những lời khuyên của Đức Phật về cách sống hạnh phúc trong đời này và cả trong những kiếp sau. Có người từng gọi đây là “chân lý thứ ba rưỡi”, không phải là sự diệt khổ như chân lý thứ ba trong Tứ diệu đế, mà là cách quản lý khổ đau.

Nếu bạn không định đi trọn con đường hướng đến giải thoát, thì bạn cũng nên biết rằng: dù bạn chọn dừng lại ở đâu trên con đường ấy, thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ thất vọng. Có nhiều người nói: “Tôi chưa sẵn sàng cho mục tiêu tối thượng,” nhưng bạn cũng nên biết rằng: bất kỳ hạnh phúc nào không đạt đến rốt ráo, thì đều sẽ rời bỏ bạn mà đi. Tìm kiếm hạnh phúc mà không nhắm đến Niết-bàn, cũng giống như một canh bạc, phút chốc thoáng qua.

Hãy nuôi dưỡng thật nhiều lòng từ bi, nhiều sự cảm thông. Hãy rèn luyện sự nhẫn nại, quân bình, thiện chí, lòng tốt và quan trọng nhất, học cách sống với trí tuệ. Do đó, lời dạy về quán xét sự sinh khởi và hoại diệt thật sự rất thiết thực với hạnh phúc trong vòng luân hồi này. Khi ai đó qua đời, bạn cần tự nhắc mình: “Liệu có bao giờ một người được sinh ra mà lại không chết?”. Bởi sự sinh ra đã mang sẵn mầm mống của cái chết trong đó. Bạn phải chuẩn bị cho điều đó. Và bạn càng chuẩn bị kỹ, thì bạn càng bớt khổ đau.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải tìm được một điều gì đó bên trong để nuôi dưỡng bản thân mình, trong những lúc “thức ăn” từ các mối quan hệ bị lấy mất hoặc trở nên hư hỏng và độc hại thì chính bạn cần có một chốn sâu thẳm trong tâm để quay về nương tựa.

Vì vậy, thiền định là một phần vô cùng quan trọng trong con đường tu tập. Trong các bài kinh Đức Phật mô tả về con đường chấm dứt khổ đau, “định” nằm ngay tại trung tâm của lộ trình đó. Nếu bạn để ý trong bài kinh mô tả Bát chánh đạo, thì phần nói về chánh định là dài nhất, bởi vì nó phức tạp và khó thực hành nhất. Nhưng cũng chính vì vậy mà nó quan trọng bậc nhất, chỉ sau chánh kiến.

Vì vậy, hãy coi thiền định là nơi nương tựa khi mọi thứ khác không còn chắc chắn. Hãy xem nó như một phần trong “chân lý quản lý khổ đau”. Để khi bạn tìm kiếm hạnh phúc trong những nơi bị thất vọng nhất, thì bạn vẫn không bị đè nặng bởi nỗi thất vọng đó.

Tỳ-kheo Thanissaro (Tâm Tuệ lược dịch, theo Tricycle)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/chan-ly-thu-ba-ruoi-giua-kho-dau-va-hanh-phuc-toi-thuong-post76581.html