Phim 'Đất rừng phương Nam' chỉnh sửa thôi vẫn chưa đủ?!

Ngay sau khi ra rạp, bộ phim 'Đất rừng phương Nam' liên tục nhận chỉ trích vì 'sai lịch sử' và sử dụng trang phục không phù hợp truyền thống của người dân Nam Bộ. Sau khi Cục Điện ảnh vào cuộc, nhà sản xuất cho biết sẽ chỉnh sửa nội dung. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, bộ phim vẫn hứng chỉ trích.

Đổi tên "Thiên Địa Hội" và "Nghĩa Hòa Đoàn" vẫn hứng chỉ trích

Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng thẩm định... đã tiến hành thẩm định lại bộ phim Đất rừng phương Nam. Sau đó, Cục cũng mời nhà sản xuất, đoàn phim Đất rừng phương Nam đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim.

Tại cuộc họp và đối thoại, đại diện nhà sản xuất chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Theo đó, nhà sản xuất sẽ đổi tên “Nghĩa Hòa Đoàn” thành “Nam Hòa Đoàn” và “Thiên Địa Hội” thành “Chính Nghĩa Hội”. Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn từ thời nhà Thanh Trung Quốc. Sau khi chỉnh sửa sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20/10.

 Bối cảnh phim bị chê không có nét văn hóa miền nông thôn Nam bộ thời xưa - Ảnh: Chụp màn hình

Bối cảnh phim bị chê không có nét văn hóa miền nông thôn Nam bộ thời xưa - Ảnh: Chụp màn hình

Tuy nhiên, ngay khi thông tin nhà sản xuất sẽ đổi tên hai tổ chức trong bộ phim, nhiều chuyên gia và khán giả vẫn không hài lòng. Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, không ít chuyên gia, nhà nghiên cứu, KOLs cũng đã có những bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Nhiều người thừa nhận phim điện ảnh có quyền hư cấu nhưng việc hư cấu đến sai lệch và xuyên tạc lịch sử là điều khó chấp nhận.

“Nguyên tác Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi là kể về những ngày Nam Bộ kháng chiến sau 1945. Còn bộ phim điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì rõ ràng là không phải nói về Nam Bộ kháng chiến sau 1945, mà lùi ngược thời gian về trước, nhưng không hề rõ năm tháng. Trong suốt bộ phim không có bóng dáng của Việt Minh. Nhưng cũng không có cả bóng dáng những người cộng sản hoạt động tại Nam Bộ trước 1945”, Tiến sĩ Hà Thanh Vân nhận xét trên tài khoản facebook.

Trong khi đó theo một tài khoản mạng xã hội khác, việc đổi tên Thiên Địa Hội thành Chính Nghĩa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn thành Nam Hòa Đoàn không thay đổi bản chất nội dung câu chuyện. Tức là, vẫn không tôn trọng bản gốc của nhà văn Đoàn Giỏi và không giúp người xem thấy được vai trò của Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong bài viết trên trang cá nhân, Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho rằng, nếu chỉ đổi tên không đủ mà có chăng nên đổi tên bộ phim. Tiến sĩ bình luận: Thật ra bộ phim với chuyện lấy “Thiên Địa Hội” làm chủ đạo thế này thì đã thoát ly xa khỏi nguyên tác. Vậy cách tốt nhất để cho dư luận khỏi chỉ trích là đổi tên phim thành “Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ”, vì bé An trong phim cũng có đất diễn mấy đâu, toàn thấy là Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) hay anh Tiều (Tiến Luật) đi mãi võ. Nhưng cũng nên lưu ý là gọi anh Tiều có ý bảo là anh ấy người Tiều (Triều) Châu.

Thưa rằng các gánh “Sơn Đông mãi võ” thì đều là người Sơn Đông nên mới chết danh và cụ Nguyễn Hiến Lê có viết điều này rất rõ. Thế thì, sau khi xem phim xong, tôi nghĩ là đổi tên phim là tốt nhất, khỏi chê trách, so sánh gì với nguyên tác Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Tên phim là Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ!".

 Có nhiều ý kiến phân tích văn hóa, lịch sử trong phim Đất rừng phương nam - Ảnh: Chụp màn hình

Có nhiều ý kiến phân tích văn hóa, lịch sử trong phim Đất rừng phương nam - Ảnh: Chụp màn hình

Một tài khoản khác đưa quan điểm cá nhân để lý giải cho việc nhà sản xuất cố tình đưa hình ảnh “Thiên Địa Hội” và “Nghĩa Hòa Đoàn” vào phim là vì “nhà sản xuất tham vọng dự Oscar và e sợ yếu tố Việt Minh sẽ dễ bị giám khảo phương Tây đánh điểm trừ. Nhà sản xuất tham vọng chiếu xong ở Việt Nam sẽ chiếu ở Mỹ như Bố Già (hay Nhà bà Nữ) trước đó để kiếm doanh thu thêm. Do đó e sợ yếu tố Việt Minh sẽ không kéo được khán giả”.

Tài khoản này cũng bình luận: Lựa chọn Nghĩa Hòa Đoàn, Thiên Địa Hội do văn hóa tôn sùng dòng phim xã hội đen kiểu Hong Kong và xu hướng webdrama toàn “anh em xã đoàn” đang thắng gần đây. Thế nên nhắm mắt chọn Nghĩa Hòa Đoàn nghe cho nó “anh em xã đoàn”. Sự tràn lan các webdrama cũng như phim về dạng đề tài này mấy năm qua thực sự là đáng ngại vì những tác động tiêu cực tới cộng đồng.

Vai trò của Hội đồng thẩm định trong việc “để lọt” sơ suất của bộ phim?

Trong lúc lùm xùm về yếu tố lịch sử của bộ phim bị “sai lệch” vẫn đang căng thẳng, nhiều người cho rằng, việc để lọt những sai sót này do ai? Tại sao Hội đồng thẩm định với rất nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà chuyên môn… vẫn để lọt những lỗi “sơ đẳng” như vậy?

Chia sẻ với truyền thông, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, trước đó, ngày 29/9/2023, Hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã thẩm định, phân loại phim Đất rừng phương Nam do Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân trình thẩm định. 100% thành viên Hội đồng thống nhất kết luận, phim không vi phạm Luật Điện ảnh và cho phép bộ phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Nói về vấn đề này, nhà báo Hà Quang Minh chia sẻ trên mạng xã hội rằng, “Điều quan trọng nhất là điểm này. Nếu duyệt phim kỹ, có yêu cầu chỉnh sửa thì Đất rừng phương Nam không xất bất xang bang thế này. Một khi Hội đồng thẩm định phim quốc gia sau khi thông qua và cho Đất rừng phương Nam ra rạp để rồi ngay sau đó lại phải “thẩm định lại” thì cần phải xem xét một là năng lực duyệt phim của từng thành viên hội đồng, hai là ý thức chính trị của từng thành viên hội đồng và ba là tính liêm chính của từng thành viên hội đồng”.

 Diễn viên Tiến Luật vào vai ông Tiều trong phim "Đất rừng phương Nam" - Ảnh: Galaxy

Diễn viên Tiến Luật vào vai ông Tiều trong phim "Đất rừng phương Nam" - Ảnh: Galaxy

“Cái dở nhất của câu chuyện ồn ào xoay quanh Đất rừng phương Nam nằm ở chính Hội đồng duyệt phim quốc gia chứ không ở đâu khác. Trong khi Bộ VHTTDL kêu gọi chấn hưng văn hóa, có lẽ trong ngành điện ảnh, nên chấn hưng lại cái hội đồng duyệt vốn dĩ xưa nay bị xì xầm quá nhiều”, nhà báo Hà Quang Minh bình luận.

Tiến sĩ H.T.V cũng đồng quan điểm trên khi bày tỏ lo lắng khi Hội đồng thẩm định quốc gia "không thiếu GS.TS, nhà văn có tiếng, khi vẫn để nguyên bộ phim “Đất rừng phương Nam” ra rạp chiếu mà không nhận ra những sai sót để yêu cầu sửa chữa. Hoặc biết đâu họ cũng nhận ra những sai sót mà cố tình lờ đi".

Bộ phim Đất rừng phương Nam kể về hành trình phiêu lưu của An - một cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Cùng với An, khán giả sẽ trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất bám rừng và tinh thần yêu nước kháng Pháp đầu thế kỷ 20. Bên cạnh đó, tình cảm gia đình, tình bạn, tình người, tình thầy trò, tình yêu nước là những cung bậc cảm xúc sâu sắc sẽ đọng lại qua mỗi bước chân của An.

"Đất rừng phương Nam" được đầu tư 40 tỷ đồng và bắt đầu chiếu sớm từ ngày 13/10 với số suất chiếu kỷ lục lên tới 1.600 suất. Tính đến chiều ngày 15/10, theo thống kê từ Box Office Vietnam, đơn vị thống kê doanh thu độc lập, phim đã thu về 36 tỷ đồng.

Vân Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phim-dat-rung-phuong-nam-chinh-sua-thoi-van-chua-du-post268719.html