Phim điện ảnh về người Việt xa xứ: Nổi hình thức nhạt nội dung

Các bộ phim điện ảnh về cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn là 'món ăn' hiếm hoi dù khán giả rất quan tâm. Số lượng đã ít, chất lượng của các bộ phim này luôn khiến người xem kêu trời. Bởi ngoài những cảnh quay lạ lẫm, hút hồn ở đất khách thì gần như nội dung phim chẳng đọng lại chút gì.

Cái tên mới nhất vừa góp mặt trong danh sách phim về người Việt xa xứ là “Qua bển làm chi”. Hơn 20 năm sinh sống ở Mỹ, đạo diễn trẻ Nguyễn Trung Cang ấp ủ ý định làm phim về cuộc sống của cộng đồng Việt kiều tại đây, đặc biệt là những bạn trẻ người Mỹ gốc Việt. “Qua bển làm chi” kể về hành trình sang Mỹ đổi đời của Tuấn - cậu sinh viên ngành tài chính. Qua Mỹ du học, Tuấn ở nhờ và làm thêm ở tiệm nail của chú Út. Để được định cư ở Mỹ, anh đánh liều kết hôn giả với Julie - một cô gái Mỹ gốc Việt. Cuộc hôn nhân giả này khiến những người liên quan rơi vào loạt tình huống dở khóc dở cười…

Lúc mới tung trailer (đoạn clip ngắn giới thiệu phim), nhiều người cứ tưởng “Qua bển làm chi” đi sâu vào cuộc sống, vấn đề hội nhập văn hóa của du học sinh người Việt cũng như sự khác biệt thế hệ khi nhìn nhận cuộc sống ở xứ sở cờ hoa. Thế nhưng điều này trở nên mờ nhạt khi đạo diễn dần ưu ái chuyện tình “cưới trước, yêu sau”. Chưa kể chất lãng mạn, hài hước khiến bộ phim trở nên cũ kỹ và lạc lõng so với mặt bằng phim Việt hiện nay. Công chúng không mong chờ một bộ phim tình cảm lãng mạn na ná MV sến sẩm của chục năm về trước mà mong chờ một tác phẩm đi sâu vào thân phận xa xứ. Nội dung phim đã nhạt nhòa càng trở nên tệ hại hơn với những màn hài quá lố của diễn viên Duy Khánh - người thủ vai anh chàng đồng tính Leo.

“Qua bển làm chi” bị khán giả chê dở khi khai thác cuộc sống của du học sinh người Việt tại Mỹ.

Không chỉ “Qua bển làm chi” bị chê dở mà trước đó, hầu hết phim điện ảnh về cộng đồng người Việt ở hải ngoại đều bị liệt vào danh sách “từ tàng tàng đến thảm họa”. Cũng chọn Hoa Kỳ để khắc họa cuộc sống kiều bào, “Giấc mơ Mỹ” của nhà sản xuất - diễn viên Mai Thu Huyền chỉ được khen về mặt hình thức. Những góc máy quay ngoại cảnh, nhà cửa, cảnh sinh hoạt ở Mỹ ít nhiều khiến khán giả chưa có cơ hội du lịch phải trầm trồ. Nhưng ngoài những cảnh quay ấy, “Giấc mơ Mỹ” gần như không có bất cứ lý do gì để giữ khán giả ngồi ở rạp đến hết giờ. Trước khi phim khởi chiếu, truyền thông liên tục nhắc tên bởi lúc bấy giờ đây là bộ phim chơi trội nhất với 60% cảnh quay tại Mỹ. Đến khi ra rạp, truyền thông cũng liên tục nhắc “Giấc mơ Mỹ”, nhưng không phải vì phim hay mà vì phim quá tệ.

“Giấc mơ Mỹ” khai thác câu chuyện khá hấp dẫn: Một nữ bác sĩ giỏi bị sa thải vì đồng nghiệp gài bẫy. Để tìm lối thoát, cô sang Mỹ với người tình. Nhưng ở trời Tây, cô lại gặp phải nạn phân biệt chủng tộc, bị cô lập và loay hoay tìm cách hòa nhập. Nỗ lực khắc họa những khó khăn của cộng đồng người Việt tại xứ cờ hoa, đồng thời nhấn mạnh thông điệp cao cả trong ngành y của ekip “Giấc mơ Mỹ” đã bị phá vỡ bởi hàng loạt tình tiết phi lý, vụng về, cách diễn gượng gạo của dàn diễn viên. Khi trình chiếu tại Mỹ và Canada, ngay cả khán giả Việt kiều cũng lắc đầu ngao ngán với một bộ phim dành cho chính mình.

“Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình dù không thuộc hàng thảm họa nhưng nhắc đến nó, khán giả không hề có ấn tượng gì vì nội dung quá nhạt nhòa. Sự hóa thân của diễn viên Vũ Ngọc Anh vào nhân vật Quyên không làm người xem đồng cảm với số phận chìm nổi, sóng gió của người con gái Hà Nội một mình vượt biên đến Berlin trong thời kỳ chính trị đầy biến động. Rời rạp, người ta chỉ nhớ đến thiên nhiên hùng vĩ của nước Đức hay quang cảnh xưa cũ của Đông Đức thuở nào được phục dựng bằng con đường, góc phố, khu chợ… Nhiều nhà chuyên môn nhận xét, ngoài bối cảnh, phục dựng và cảnh quay, “Quyên” không tạo được cảm xúc ở câu chuyện, trở thành tác phẩm điện ảnh gây nhiều tiếc nuối.

Số phim được giới chuyên môn và công chúng đánh giá tạm xem được rất khiêm tốn. Có thể kể đến “Dạ cổ hoài lang” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ở Mỹ, cộng đồng người Việt được xem là đông nhất hiện nay nên không lạ khi nhiều phim tập trung khai thác. Cuộc đời bơ vơ của hai ông già nơi đất khách quê người khiến khán giả rơi nước mắt. Con cái vùi vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, sự khác biệt giữa thế hệ cha ông và con cháu khiến hai ông đã cô đơn càng cô đơn hơn trên xứ lạ. Không biết tiếng nước ngoài nên họ không thể giao tiếp với người bản địa. Để an ủi, hai ông già nương tựa vào nhau, nhắc cho nhau nghe kỷ niệm thời trai trẻ bên bến sông xưa, dưới hàng dừa xanh mát mà ngân nga khúc “Dạ cổ hoài lang”. Phim đi sâu vào nỗi buồn thân phận nên lấy được cảm xúc của người xem.

Phim “Dạ cổ hoài lang” được đánh giá cao về chất lượng.

So với dòng phim truyền hình, có vẻ phim điện ảnh đang lép vế ở đề tài người Việt xa xứ. Khai thác đề tài này, phim truyền hình có rất nhiều cái tên xuất sắc, để lại ấn tượng khó phai trong lòng người xem như: “Tình khúc Bạch Dương”, “Moskva mùa thay lá”, “Hai phía chân trời”… Các phim này tái hiện cuộc sống mưu sinh, học tập và làm việc của người Việt ở nước Nga hay Đông Âu xa xôi. Ở đó, những mối tình nên duyên, những tri kỷ gắn kết, dìu dắt nhau qua cơn hoạn nạn, khó khăn. Trên hết, dù có ở đâu, họ vẫn luôn đau đáu về cố hương và giữ gìn truyền thống qua nết ăn, thói ở.

Có ý kiến cho rằng có thể do dung lượng khiến phim điện ảnh không có nhiều thời gian đi sâu vào nội tâm nhân vật như phim truyền hình. Nhưng thử nhìn lại “Dạ cổ hoài lang” và một vài bộ phim được đánh giá làm tạm ổn như “Chuyện tình xa xứ”, “Thầu Chín ở Xiêm”… thì sẽ thấy sự yếu kém này bắt nguồn từ năng lực của ekip bộ phim đó. Đa số nhà sản xuất đều cho rằng việc quay phim ở xứ người ngoài đảm bảo tính chân thật cho tác phẩm (đây là điều đương nhiên) thì phim của họ sẽ gây chú ý hơn nhờ khung hình đẹp, mới lạ thay vì cảnh quay quen thuộc ở Việt Nam. Tiếc thay họ đã mải mê vào những cảnh quay khoe mẽ kiểu “ta đây đang làm phim ở nước ngoài” đến nỗi bỏ quên mất câu chuyện chính khiến nội dung trở nên hời hợt, nhạt nhòa.

Đề tài về cộng đồng người Việt xa xứ là một đề tài hấp dẫn và rất tiềm năng. Những góc khuất, cuộc sống, tâm tư của bà con kiều bào thời xưa cũng như thời nay luôn khiến khán giả tò mò, quan tâm.

Diễn viên - nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho hay, khao khát làm những bộ phim về cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã được cô ấp ủ từ lâu. Do đó, dù “Giấc mơ Mỹ” có bị chê là thảm họa, cô vẫn tiếp tục thực hiện dự án ở các nước khác, nơi có đông cộng đồng người Việt sinh sống. Cô cho rằng làm phim về cộng đồng người Việt xa xứ còn giúp các bộ phim dễ phát hành ở nước ngoài, phục vụ nhu cầu của kiều bào lẫn bạn bè nước sở tại.

“Tôi rất quan tâm việc xuất khẩu phim sang các nước khác, không chỉ để phục vụ cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, mà còn để tiếp cận khán giả ngoại quốc, nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu đất nước và con người Việt Nam ra thế giới” - nhà sản xuất Mai Thu Huyền bày tỏ.

Tuy vậy, để theo được đề tài này là điều không dễ bởi quay ở nước ngoài thường gặp nhiều khó khăn hơn trong nước. Đoàn phim “Giấc mơ Mỹ” chỉ có một nửa đậu visa nên ekip phải thuê người bản địa để bù cho số người bị rớt lại. Máy móc cũng bị hạn chế đem theo, đành phải mua ở Mỹ để thực hiện. Làm phim ở nước ngoài vốn đã khó. Làm phim ở nước ngoài với chủ đề quá khứ còn khó gấp nghìn lần vì phải phục dựng từng góc phố, con đường đến phục trang, đạo cụ… Để tiết kiệm chi phí, đoàn phim “Quyên” chọn cách tái hiện bối cảnh Đông Đức ở Đà Lạt. Đây là cách an toàn bởi hầu như cảnh xưa người cũ ở Đông Đức đều đã không còn kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ. Hiểu được sự khó khăn, vất vả của ekip làm phim nhưng khán giả vẫn mong sắp tới sẽ có những tác phẩm được chú ý cả về hình thức lẫn chất lượng.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phim-dien-anh-ve-nguoi-viet-xa-xu-noi-hinh-thuc-nhat-noi-dung-i653437/