Phim ''Đội điều tra số 7' sẽ không chỉ có hành động, đuổi bắt

Sau một tháng khởi quay, những ngày này, ê kíp làm phim 'Đội điều tra số 7' đang miệt mài với nhiều hành trình qua nhiều địa phương khác nhau. Đây là dự án phim truyền hình về Cảnh sát hình sự, dự kiến có tới 100 tập, do Điện ảnh CAND, Cục Truyền thông CAND tổ chức sản xuất.

Về dự án đặc biệt này, chúng tôi đã cuộc phỏng vấn Thiếu tá, biên kịch Vũ Liêm, Phó Giám đốc Điện ảnh CAND và cũng là tác giả kịch bản 10 tập đầu tiên của “Đội điều tra số 7”.

PV: Tên phim là “Đội điều tra số 7” và được khởi quay ở số 7 Thiền Quang, Hà Nội. Điều này dễ khiến nhiều người nghĩ rằng đây là bộ phim về Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội. Thực hư câu chuyện này như thế nào, thưa anh?

Biên kịch Vũ Liêm: Đúng là số 7 Thiền Quang gắn liền với thương hiệu Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, dễ tạo sự liên tưởng nhất định và mọi người trong ê kíp làm phim muốn quay ở đó. Ở đây có những bối cảnh rất đặc trưng, khác biệt mà đoàn làm phim quay ở nơi khác thì không có. Ví dụ cái cổng của số 7 Thiền Quang khá hẹp dẫn vào khoảng sân nhỏ. Bất cứ ai từng đến làm việc ở đây sẽ nhớ ngay đến cái cổng này. Có gì đó trang nghiêm và cũng tạo áp lực. Trong các phòng làm việc, khi bố trí các tủ hồ sơ, tranh ảnh truyền thống có sự đặc trưng, thuận lợi để khai thác bối cảnh phim, gợi mở về biết bao chiến tích anh hùng, những hi sinh lặng thầm của các cán bộ chiến sĩ nơi đây. Cảnh quay ở số 7 Thiền Quang là nhắc nhớ kỷ niệm của nhiều nguyên mẫu có thật trong đời sống. Đây là ý đồ của đạo diễn và ê kíp làm phim. Nội dung phim cũng dựa trên những vụ án có thật, khi người ta xem có thể sẽ liên tưởng đến những vụ án nổi tiếng, trong đó có những thành tích, chiến công của Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội. Tuy nhiên, phim không mô phỏng chiến công mà được thể hiện một cách khéo léo, có sự hư cấu nhưng có thể khiến người xem liên tưởng đến vụ án nào đó đã xảy ra.

PV: Các chiến công, vụ án nổi tiếng thường được khai thác khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ê kíp làm thế nào để phim hấp dẫn người xem với câu chuyện không mới?

Thiếu tá, biên kịch Vũ Liêm (người đứng giữa) cùng dàn diễn viên tham gia phim “Đội điều tra số 7” tại số 7 Thiền Quang, Hà Nội.

Thiếu tá, biên kịch Vũ Liêm (người đứng giữa) cùng dàn diễn viên tham gia phim “Đội điều tra số 7” tại số 7 Thiền Quang, Hà Nội.

Biên kịch Vũ Liêm: Chúng tôi tập trung đầu tư để “kể” câu chuyện một cách chi tiết nhất, chân thực nhất. Ví dụ, phim khai thác câu chuyện vụ án giải cứu con tin người Nhật Bản - một chiến công khá nổi tiếng của Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội khoảng gần 30 năm trước nhưng gần đây mới được khai thác. Ngay Điện ảnh CAND cũng mới chỉ khắc họa trong chuyên mục trong “Hành trình phá án”, theo dạng phim chuyên đề, phim phục dựng. Đây là lần đầu tiên vụ án được tái hiện dưới hình thức phim truyện.

Tuy nhiên, “Đội điều tra số 7” chỉ lấy cái lõi của vụ án. Phim được đầu tư khá chỉn chu về lực lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật, cách thức chuyển tải nhằm tạo nên kịch tính cũng như thể hiện được sự mưu trí của lực lượng CAND. Đặc biệt, phim nhấn mạnh yếu tố tâm lý, giá trị nhân văn trong nhân vật chính. Ví dụ câu chuyện ở vụ án đầu tiên, do những biến cố cuộc đời, đối tượng phạm tội có những hành động bột phát, thể hiện cái ác tiềm tàng song trước đó anh ta chưa bao giờ phạm tội. Nắm rõ điều đó nên trên đường truy bắt đối tượng, người Đội trưởng điều tra luôn trăn trở, nhất là đối tượng lại có ngày sinh nhật trùng với sinh nhật con trai mình và đâu đó có ước mơ, khát vọng trong cuộc đời của hắn có liên quan đến khát vọng của tuổi trẻ nói chung. Vấn đề đặt ra là có tiêu diệt hay không, tiêu diệt bằng cách nào hay cho nhân vật bằng con đường phục thiện? Tôi nghĩ đây là cách thể hiện khá đặc biệt. Ngoài yếu tố hành động, đuổi bắt thì còn có đấu tranh về mặt tâm lý. Đây là hướng khai thác mới của dòng phim này.

Dự kiến, mỗi vụ án trong series “Đội điều tra số 7” đều ít nhiều liên quan đến một thành viên của Đội 7. Có thể là liên quan theo kiểu đấu tranh tâm lý như câu chuyện ở trên. Sâu hơn có thể liên quan đến gia đình, sự tương tác giữa các mối quan hệ đời thường của các nhân vật với một số thủ phạm, có thể là bạn thân, người yêu cũ, tức là có câu chuyện liên quan đến đời sống của nhân vật trong Đội 7 với vụ án họ tham gia điều tra.

PV: Anh từng thành công với khá nhiều kịch bản phim về Cảnh sát hình sự. “Đội điều tra số 7” sẽ có gì khác biệt với các phim trước đây?

Biên kịch Vũ Liêm: Trong chuỗi phim Cảnh sát hình sự của VTV, tôi có tham gia viết kịch bản 2 phần là “Hành trình bí ẩn” và “Mặt nạ gương”. Ngoài ra, còn có phim “Một thời ngang dọc” nói về một cảnh sát ngầm trong một băng nhóm tội phạm, bóc gỡ các đường dây tội phạm. Từ kinh nghiệm trước đây, trong phim lần này, tôi có sự trưởng thành hơn, nhất là trong khai thác các yếu tố nghiệp vụ và làm cho nhân vật công an đời hơn. Mặc dù, chưa thể như mong muốn của người viết, song nhân vật công an trong “Đội điều tra số 7” cũng đã mềm mại hơn, đời hơn, sinh động hơn và sẽ thuyết phục hơn. Đây là kết quả được tích lũy trong quá trình nhiều năm tôi viết về người chiến sĩ công an, chủ yếu là về người chiến sĩ Cảnh sát hình sự khoảng 15 năm qua.

PV: Anh nói đầu tư cho phim khá chỉn chu, cụ thể là như thế nào, nhất là về cơ sở vật chất, ê kíp thực hiện?

Biên kịch Vũ Liêm: Trong phần đầu, Điện ảnh CAND đóng vai trò là tổ chức sản xuất và xây dựng nội dung. Chúng tôi làm việc cùng các cộng tác viên thường xuyên của đơn vị. Đạo diễn Mai Hồng Phong có nhiều kinh nghiệm và từng gắn bó với nhiều bộ phim về đề tài điều tra phá án. Mặc dù “Đội điều tra số 7” là phim truyền hình nhưng gần như toàn bộ thiết bị máy móc để thực hiện đều mang tiêu chuẩn của phim chiếu rạp. Vì vậy, hiệu ứng hình ảnh trong phim này cũng là một điểm nhấn mà ê kíp thực hiện kỳ vọng sẽ tạo sự khác biệt so với những dự án phim truyền hình khác.

Đạo hình ảnh là Khuê Phạm – một người đã từng quay khá nhiều phim truyện điện ảnh chiếu rạp, gần đây nhất là phim hành động “578: Phát đạn của kẻ điên”. Khi đầu tư vào phim này, anh ấy cố gắng thỏa mãn được tất cả biện pháp nghệ thuật, mong muốn đưa ra để làm sao có những cảnh quay ấn tượng nhất. Về diễn viên, ngoài những gương mặt đã khá quen thuộc như NSƯT Tạ Minh Thảo, Hà Việt Dũng còn có những gương mặt rất mới, rất trẻ, tuổi đời tương đương với các nhân vật trong phim – những công an trẻ, giàu nhiệt huyết, có suy nghĩ mới, cách nhìn nhận của thời bây giờ.

PV: Làm 100 tập phim về Cảnh sát hình sự, biên kịch có chịu nhiều áp lực không và tính toán, cơ cấu như thế nào để có một bộ phim “dài hơi” vừa liền mạch, vừa hấp dẫn khán giả?

Biên kịch Vũ Liêm: 100 tập phim không phải do 1 biên kịch viết. Tôi viết phần đầu. Các phần sau có sự tham gia của một số biên kịch khác. Tuy nhiên, đề tài Cảnh sát hình sự rất phong phú, vì có hàng ngàn vụ án. Vấn đề là mình tìm hiểu trong hồ sơ như thế nào để tìm ra những vụ án đặc biệt để khai thác. Có thể một vụ án ngoài đời thực rất khốc liệt nhưng không có sự kịch tính, lắt léo, khó tạo sự tò mò cho khán giả. Ví dụ như truy đuổi 1 tên tội phạm rất hung hăng, nguy hiểm, có thể người chiến sĩ phải trải qua sự căng thẳng chỉ riêng bản thân hiểu được không thể chia sẻ cùng ai, câu chuyện rất rõ ràng, gọn nhưng ít vùng kịch tính. Nếu đưa đơn thuần theo trục tuyến tính thì khán giả không thể nào đồng cảm được. Vì vậy, phải tìm những vụ lắt léo, hư cấu giải mã qua lăng kính nghệ thuật, chỉ lấy cái lõi làm nền cảm hứng mà thôi. Ngoài ra, những người sáng tác như chúng tôi khi gửi gắm hình tượng người chiến sĩ công an trong tác phẩm của mình đều mong muốn có thể gửi gắm một bài học nhân sinh nào đó, để khán giả khi xem phim có thêm sự đồng cảm với những chiến sĩ ấy.

PV: Liệu trong phim có nhân vật xuyên suốt 100 tập không, thưa anh?

Biên kịch Vũ Liêm: Trong phim, cơ cấu Đội 7 có thể thay đổi qua từng phần. Có người chuyển công tác, có người mới về, có người hy sinh. Chúng tôi rất mong muốn có nhân vật xuyên suốt từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, phải sau chùm đầu tiên của dự án (10 tập đầu) thì mới khẳng định được. Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành hơn một nửa của phần đầu này và dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào tháng 10 hoặc tháng 11/2023. Nếu thuận lợi, trong 3 năm, chúng tôi sẽ hoàn thành dự án này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!

Hoa Nguyễn (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/phim-doi-dieu-tra-so-7-se-khong-chi-co-hanh-dong-duoi-bat-i696741/