Phim gia đình khuynh đảo phòng vé

Không phải những bộ phim có đề tài thời thượng hay giật gân câu khách, 'làm mưa làm gió' tại rạp chiếu thời gian vừa qua và đạt được mức doanh thu 'khủng' lại thuộc về những bộ phim đề tài gia đình. Tiêu biểu như 'Lật mặt 7: Một điều ước', 'Gia tài của ngoại'... hay trước đó là 'Bố già', 'Nhà bà Nữ'...

Một bộ phim đang tạo nên cơn “sốt” phòng vé là “Gia tài của ngoại” của điện ảnh Thái Lan. Bộ phim của đạo diễn Pat Boonnitipat xoay quanh câu chuyện chàng trai thất nghiệp tên M. M quyết định về chăm sóc bà ngoại đang bị ung thư giai đoạn cuối với mục đích thừa kế một phần tài sản của bà. Từ đây, cuộc sống thường ngày của người bà bệnh tật và đứa cháu trai vô tâm được khắc họa đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả.

Tuy nhiên, trên hành trình chăm bà, nam chính đã dần nhận thức được ý nghĩa thật sự của tình cảm gia đình và anh đã nhận được một tài sản đặc biệt, quý giá hơn tất thảy. “Gia tài của ngoại” hấp dẫn khá giả chính bằng kịch bản bình dị, gần gũi vừa xúc động. Sự chân thật và rất “đời” trong từng chi tiết và cách xây dựng nhân vật chiếm được cảm tình của người xem. Sự ích kỷ và tính toán của M cũng là điều dễ gặp trong cuộc sống. Cách đối xử của bà ngoại với cậu cháu trai vừa nghiêm khắc vừa hiền từ cũng khiến người xem xúc động.

“Bố già” là tác phẩm thuộc dòng phim gia đình ăn khách của Việt Nam.

“Bố già” là tác phẩm thuộc dòng phim gia đình ăn khách của Việt Nam.

Không chỉ có doanh thu tốt, bộ phim còn nhận được nhiều lời khen tặng trên các trang mạng xã hội. Ví dụ như “Đối với tôi đây là một bộ phim hay vì nó chính là hoàn cảnh của tôi và bà mình. Bà tôi ra đi khi tôi vừa tốt nghiệp, chưa có việc làm, còn cậu bé trong phim đã có thể mua cho bà một đôi dép…”. Hay “Tôi rất ấn tượng với câu thoại “Anh có biết điều gì mà mọi người già muốn nhưng không đứa con, cháu nào cho họ được không? Là thời gian”, “Bà tệ lắm. Bà thương sai người”, “Bà ơi. Con xếp bà hạng nhất trong lòng con nha”…

Tại Việt Nam, ra mắt cùng thời điểm với những bộ phim ăn khách như “Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu”, “Lật mặt 7: Một điều ước”… nhưng phim vẫn có doanh thu đáng nể. Tính tới ngày 6/6, phim nhanh chóng giành vị trí thứ 1 phòng vé Việt Nam, Theo Box Office Vietnam thống kê, phim vượt mốc doanh thu 1 tỷ đồng tại Việt Nam.

Trước đó không lâu, bộ phim “Lật mặt 7: Một điều ước” (đạo diễn Lý Hải) cũng đã gặt hái được niềm vui lớn tại thị trường trong nước. Sau một tháng rưỡi ra rạp, tính đến ngày 14/6, theo số liệu từ Box Office Vietnam, phim đã ghi nhận mức doanh thu hơn 475 tỉ đồng, soán ngôi của “Nhà bà Nữ”, đứng thứ 2 trong top 10 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại. Ngoài ra, phim còn đang được ê-kíp sản xuất mở bán vé trên 270 cụm rạp tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Là một sản phẩm thuộc khuynh hướng làm phim thương hiệu (franchines) trên màn ảnh Việt, “Lật mặt 7: Một điều ước” tập trung vào chủ đề gia đình - tình cảm. Nhân vật chính là bà Hai và gia đình của 5 người con. Chồng mất sớm, bà Hai một tay nuôi đàn con trưởng thành. Lớn lên, các con lập nghiệp nơi xa và có gia đình riêng. Sau một vụ tai nạn, người mẹ 73 tuổi phải ngồi xe lăn, các con đã đùn đẩy, bốc thăm để mỗi người chịu trách nhiệm chăm mẹ 1 tuần…

Một trong những điểm chung ở những bộ phim gia đình cả của điện ảnh trong nước và nước ngoài là đều có cốt truyện giản dị nhưng xúc động với những câu chuyện, mâu thuẫn đời thường. Tuy nhiên, qua cách kể chuyện khéo léo của đạo diễn thì tính cách nhân vật, chủ đề tư tưởng, thông điệp của phim lại hiện ra rất rõ nét. Từ đó, bối cảnh của phim cũng gần gũi, thân thuộc. Ví như trong bộ phim “Gia tài của ngoại”, bối cảnh là một khu phố lao động bình dị tại Thái Lan, nơi cậu cháu trai M trở về thăm nhà bà ngoại của mình. “Lật mặt 7: Một điều ước” thì bối cảnh cũng là những nơi rất quen thuộc với đại đa số khán giả. Tương tự, bối cảnh của “Bố già”, “Nhà bà Nữ” đều là xóm lao động nghèo trong một con hẻm nhỏ bé, chật chội tại Sài Gòn, nơi mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều mang trên mình gánh nặng mưu sinh.

Chính sự chân thực, gần gũi với đời thường khiến “Lật mặt 7: Một điều ước”, “Gia tài của ngoại”, “Bố già”… được công chúng yêu thích. Những bộ phim này giống như một bức tranh tả đời thực được viết bằng chất liệu điện ảnh dung dị, xúc động, giúp người xem cảm nhận được sự ấm áp của tình thân. Phim “Lật mặt 7: Một điều ước” không có nhân vật phản diện nhưng vẫn “bùng nổ” tại các rạp chiếu. Những nhân vật như bà Hai, Hai Khôn, Ba Lành, Tư Hậu, Năm Thảo, Sáu Tâm đều mang trên mình dáng vẻ lam lũ, vất vả trong gánh nặng của công cuộc mưu sinh.

Bối cảnh sống cũng như tâm lý các nhân vật trong phim như mọi gia đình bình thường, đối mặt với đủ thứ lo toan cùng nỗi áy náy lớn là không thể chăm sóc cho mẹ chu đáo. Những người con trong phim này đều được khắc họa rất đời thường, có buồn, vui, bực tức và cả vô tình làm tổn thương nhau, nhưng sâu thẳm trong họ vẫn là những con người thiện lương, sẵn sàng giúp đỡ, vị tha với người khác.

Các nhân vật chính trong phim “Lật mặt 7: Một điều ước”.

Các nhân vật chính trong phim “Lật mặt 7: Một điều ước”.

Không phải tới bây giờ, dòng phim về gia đình mới tạo được cơn sốt trong rạp chiếu. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, gần đây, một số phim cảm động về gia đình, tình thân nhận được sự quan tâm của những người yêu điện ảnh. Có thể kể như “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” (Hàn Quốc) với câu chuyện xoay quanh một người cha tự kỷ cố gắng vượt qua mọi khó khăn để trở về bên con gái của mình. “Hy vọng” (Hàn Quốc) kể về cô bé So-won, bị một người đàn ông lớn tuổi tấn công và cưỡng hiếp trong một nhà vệ sinh công cộng. Cha So-won đã tận cùng lo lắng, đau đớn khi nhận được thông tin từ bệnh viện về con. Bộ phim “Bố già” của Việt Nam cũng nằm trong danh sách này. Ngoài ra còn có “Reply 1988” tái hiện những kỷ niệm quý báu xoay quanh cuộc sống của một gia đình bình dị trong một khu dân cư, “Anywhere but Here” là câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc. Bên cạnh đó là những đại diện như “I am Sam”, “The way home”…

Dòng phim gia đình “lên ngôi” đúng vào thời điểm cả nước có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhân ngày “Gia đình Việt Nam” (28/6) đã góp thêm một tiếng nói của niềm tin, hy vọng. Yếu tố gia đình là chất liệu gắn bó gần gũi với đời sống đại đa số người dân. Lâu nay, các chuyên gia nghiên cứu ở lĩnh vực này không ngừng đưa ra cảnh báo về giá trị của gia đình trong đời sống hiện nay, có một số yếu tố bị mai một, sự lỏng lẻo của việc kết nối các thành viên… Có được doanh thu cao đã chứng tỏ đề tài tình cảm gia đình vẫn hút khách ở Việt Nam. Tuy nhiên, niềm vui mà những bộ phim này mang đến không chỉ là doanh thu cho nhà sản xuất, tín hiệu lạc quan cho thị trường điện ảnh mà còn là ý nghĩa lớn từ hiệu ứng khán giả.

Việc đông đảo khán giả, trong đó có không ít khán giả trẻ háo hức với những bộ phim về đề tài gia đình còn mang đến niềm vui đặc biệt. Rõ ràng, giới trẻ hiện nay không chỉ chạy theo những thứ thời thượng, hào nhoáng, thậm chí có phần lai căng như lâu nay chúng ta lo ngại. Những câu chuyện giản dị, xúc động về tình thân được kể một cách tinh tế, chân thực và đậm chất điện ảnh đã thu hút được họ ngồi trước màn ảnh. Như thế, tinh thần tích cực, tươi đẹp từ bộ phim sẽ lan tỏa đến những người trẻ, giúp họ xây đắp những tình cảm đẹp đẽ trong cuộc sống.

Gia đình không phải là đề tài mới trong điện ảnh Việt cũng như thế giới nhưng luôn là chủ đề hấp dẫn, có nhiều yếu tố để khai thác và dễ lôi cuốn khán giả. Ai cũng có gia đình với đủ mọi câu chuyện, cảm xúc buồn vui trong đó. Vì thế, những lát cắt xoay quanh gia đình là yếu tố dễ đồng cảm nhất và hiệu quả nhất để bộ phim chạm đến trái tim người xem. Diễn viên, nhà sản xuất Thu Trang từng chia sẻ rằng đề tài gia đình luôn có sức hấp dẫn riêng vì nó mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc thân thuộc. Khi xem phim khán giả có thể khóc, cười cùng số phận các nhân vật, và họ có thể bắt gặp chính câu chuyện của mình, gia đình mình trong đó.

Thời gian vừa qua, thành công của những bộ phim về chủ đề gia đình trên phòng vé là một tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt. Chất liệu gia đình là một trong những yếu tố quan trọng mà các nhà làm phim thỏa sức khai phá. Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên môn thì để cuốn hút, phim phải có kịch bản đủ hấp dẫn, chạm đến cảm xúc người xem và cách truyền tải thông điệp tự nhiên, sâu sắc.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phim-gia-dinh-khuynh-dao-phong-ve-i734949/