Phim hoạt hình Việt cùng bài toán phòng vé

Mùa hè năm nay, lần đầu tiên có 3 dự án phim hoạt hình Việt gồm: 'Trạng Quỳnh nhí - Truyền thuyết Kim Ngưu', 'Dế Mèn - Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội' và 'Wolfoo và cuộc đua Tam Giới' ra rạp. Đó là một dấu hiệu khởi sắc cho phim hoạt hình Việt. Tuy nhiên, bài toán chinh phục khán giả vẫn còn nhiều nỗi lo, trăn trở.

Bữa tiệc đa sắc, hấp dẫn

Điều thú vị là 3 bộ phim hoạt hình ra rạp vào mùa hè này đều do ê kíp các bạn trẻ thực hiện và lấy cảm hứng, câu chuyện, chất liệu từ văn hóa dân tộc.

Bối cảnh làng quê Bắc Bộ trong “Trạng Quỳnh Nhí”.

Bối cảnh làng quê Bắc Bộ trong “Trạng Quỳnh Nhí”.

“Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội” (đạo diễn Mai Phương) khởi chiếu từ đầu mùa hè. Phim được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Truyện phim bắt đầu khi Dế Mèn theo chân Chuồn Chuồn đến một thành phố lạ nằm giữa thế giới côn trùng, do đại vương Ếch Cốm cai trị. Ban đầu nơi đây hiện lên với vẻ ngoài thân thiện, sôi động và kiến trúc sáng tạo, nhưng phía sau lớp vỏ hào nhoáng đó là những âm mưu đen tối. Êkíp “Dế Mèn” thực hiện phim trong ba năm, với 200 nhân sự lành nghề. Nhiều nhân vật trải qua hàng chục lần chỉnh sửa tạo hình trước khi lên màn ảnh.

Điểm cộng của tác phẩm là hình ảnh, kỹ xảo đẹp. Phim hạn chế được điểm yếu của những bộ hoạt hình 3D Việt Nam trước đây. Dàn nhân vật có biểu cảm, chuyển động khá tự nhiên. Các loài vật được thiết kế sinh động, có đặc điểm riêng, biến tấu thêm một số nét liên quan tuổi tác, giới tính.

Đạo diễn, kiêm biên kịch Mai Phương nói về lý do không chuyển thể toàn bộ truyện gốc như mong muốn của nhiều độc giả “Dế Mèn phiêu lưu ký”: "Tác phẩm của nhà văn Tô Hoài gồm 10 chương, là cuộc hành trình qua nhiều vùng đất, trải qua hàng loạt thử thách của nhân vật chính và những người bạn. Chúng tôi không thể truyền tải toàn bộ nội dung này chỉ trong bản phim 90 phút chiếu rạp". Theo êkíp, “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội” giống như một phần ngoại truyện, nối tiếp truyện của nhà văn Tô Hoài. Nhà sản xuất lồng ghép nhiều yếu tố liên quan văn hóa như: Nhóm Nhện Nước mặc trang phục cách điệu từ áo tứ thân; Tổng Cóc mặc áo the, khăn xếp là cuộn băng dính dùng dở. Nhái Mõ gõ nhạc cụ làm từ nắp cao Sao Vàng. Không gian xóm Lầy Lội, cảnh nước non, đồi chè, sinh động.

Tạo hình Trạng Quỳnh nhí trong phim.

Tạo hình Trạng Quỳnh nhí trong phim.

Tác phẩm được đón chờ tiếp theo trong mùa hè này là “Trạng Quỳnh Nhí - truyền thuyết Kim Ngưu” của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng. Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng chia sẻ, anh kỳ vọng khi xem “Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” trẻ em sẽ thích thú với yếu tố phiêu lưu, kỳ ảo, còn người lớn sẽ thấy thấp thoáng đâu đó tuổi thơ với những giá trị mình từng tin yêu. Phim được phát triển từ series phim hoạt hình “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” từng rất thành công trên YouTube với hơn 1,6 tỷ lượt xem.

Dự án phim “Trạng Quỳnh nhí - Truyền thuyết Kim Ngưu” được phát triển trên nền các chất liệu văn hóa dân gian

Cùng với 2 bộ phim nói trên, khán giả sẽ có thêm lựa chọn với “Wolfoo và cuộc đua Tam Giới” (đạo diễn Phan Thị Thơ). Phim kể về cậu bé 9 tuổi Wolfoo đam mê đua xe Kart, luôn khao khát được bố - Wulfen công nhận, nhưng chưa một lần được đánh giá cao, khiến cậu luôn khó chịu và bất mãn. Trong khi đó, tại Tam Giới - vùng đất trung tâm Ngân Hà, chúa tể Idra tổ chức Cuộc đua Tam Giới 500 năm mới có một lần. Bất ngờ, Wolfoo và Wulfen được chọn vào cuộc đua, phải đối mặt với những đối thủ hùng mạnh. Cả hai buộc phải giành chiến thắng, nếu không thì sẽ phải chứng kiến Idra phá hủy hành tinh quê nhà của mình. Phim thuộc thể loại hoạt hình 2D, hành động - phiêu lưu - hài hước.

Thách thức về doanh thu phòng vé

Có thể nói, các dự án phim hoạt hình đang ra rạp đều nổi bật ở sự kết hợp giữa chất liệu văn hóa bản địa và công nghệ làm phim hiện đại. Trong “Wolfoo và cuộc đua Tam Giới”, các tuyến nhân vật, thế giới trong phim được xây dựng hiện đại nhưng thông điệp về tình cha con, sự gắn kết và thấu hiểu cũng là những giá trị nhân văn gần gũi với người Việt.

Phim “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội”.

Phim “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội”.

Hay như “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu”, với câu dẫn mở đầu “ngày xửa ngày xưa” gợi cảm giác thân quen như những truyện cổ tích tuổi thơ. Phim tái hiện không gian làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, ao sen, sân đình... Câu chuyện xoay quanh hành trình của cậu bé Quỳnh và chú trâu có năng lực đặc biệt - biểu tượng gắn bó mật thiết giữa con người và thiên nhiên, lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian.

Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng đã dành rất nhiều tâm huyết cho bộ phim này. Anh chia sẻ rằng, dù đề tài văn hóa dân gian tiềm ẩn nhiều thách thức, anh vẫn quyết tâm thực hiện để truyền tải thông điệp về lòng biết ơn, niềm tin vào điều thiện, giá trị gia đình và tình bạn - những điều thiêng liêng cần được gìn giữ, bồi đắp. “Khi con người lãng quên nguồn cội, những giá trị thiêng liêng dễ bị mai một. Nhưng chỉ cần giữ được lòng tin, lòng biết ơn, cái thiện sẽ luôn chiến thắng” là thông điệp anh gửi gắm qua phim này.

“Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” đã giành Giải Đặc biệt của Ban giám khảo - hạng mục Phim Việt Nam Dự Thi tại Liên hoan phim quốc tế Châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) 2025. Đây là phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam tham gia tranh giải và được vinh danh tại một trong những hạng mục quan trọng nhất, cạnh tranh nhất của DANAFF. Giải Đặc biệt từ Ban giám khảo là sự ghi nhận cho cách kể chuyện đầy cảm hứng, giàu cảm xúc, ngôn ngữ điện ảnh sáng tạo và tinh thần dân tộc đậm nét của bộ phim.

Còn trong “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội”, khán giả có cơ hội gặp lại những nhân vật quen thuộc như Dế Mèn, Dế Trũi, Tổng Cóc hay đại vương Ếch Cốm. Lần đầu tiên, từ những trang sách đã làm say đắm biết bao thế hệ độc giả của nhà văn Tô Hoài, những nhân được hiện thân một cách sống động trên màn ảnh rộng.

Nhà sản xuất Vũ Duy Nam cũng mong muốn những ai từng yêu thích “Dế Mèn phiêu lưu ký” sẽ tìm thấy những nhân vật quen thuộc, nhưng trong hình hài và góc nhìn hoàn toàn mới. Phim kết hợp công nghệ hiện đại, mang đến những nhân vật mới như Râu Que, Bọ Rùa Baby… cùng hình ảnh “Ngai vàng dao dĩa” đầy hài hước được lấy cảm hứng từ Ngai Sắt trong loạt phim truyền hình “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones).

Giới chuyên môn kỳ vọng hoạt hình thuần Việt có chỗ đứng ngoài rạp, sau nhiều năm rạp Việt chỉ toàn hoạt hình của Mỹ hoặc thương hiệu ăn khách xuất xứ Nhật Bản. Tuy nhiên, thực tế doanh thu phòng vé của ba bộ phim này không cao. “Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội” khả dĩ hơn khi cán mốc doanh thu 20 tỷ, còn “Trạng Quỳnh Nhí” và “Cuộc đua tam giới” chỉ dừng lại khiêm tốn ở mức doanh thu hơn 3 tỉ đồng.

Đặc biệt, với “Trạng Quỳnh Nhí” đây là một con số khá đáng tiếc so với chất lượng của phim. Bởi trước đó phim nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn, các đạo diễn, nhà sản xuất lẫn nhà phê bình. Một số đạo diễn, những nghệ sĩ yêu phim đã lên trang cá nhân kêu gọi khán giả hãy đưa con đến rạp, sẽ rất tiếc nếu bỏ qua một bộ phim hoạt hình Việt dễ thương và mang đậm văn hóa Việt như thế. Nhưng có vẻ khán giả, cả người lớn lẫn trẻ con vẫn hững hờ bỏ qua. Phải chăng, khán giả nhí thờ ơ, không quan tâm đến văn hóa truyền thống? Hay tại phim chưa đủ hấp dẫn? Trong khi đó, cũng thời điểm ba phim hoạt hình Việt ra rạp, bộ phim “Doreamon 44” vẫn chiếm lĩnh phòng vé với doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ trên trang cá nhân: "Tôi ngạc nhiên là một bộ phim hoạt hình 3D khá như vậy nhưng có thành tích phòng vé quá khiêm nhường". Anh đánh giá “Trạng Quỳnh nhí” khai thác chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam rất tốt, đồ họa 3D mượt mà, sắc nét, kể chuyện lôi cuốn và hấp dẫn. Tạo hình Trạng Quỳnh nhí và chú trâu vàng rất đáng yêu, trong khi nhân vật phản diện Cửu Vĩ Hồ trông đẹp mắt. Đây vẫn là một phim hoạt hình đáng xem và rất phù hợp với "khối nghỉ hè". Anh đặt câu hỏi: "Không hiểu do marketing kém hay sao mà thành tích phòng vé khiêm tốn thế?".

“Wolfoo và cuộc đua Tam Giới” ra rạp vào thời điểm có nhiều phim bom tấn.

“Wolfoo và cuộc đua Tam Giới” ra rạp vào thời điểm có nhiều phim bom tấn.

Anh cũng kêu gọi khán giả đi xem phim vì "nó xứng đáng được xem và được lan tỏa rộng rãi hơn". Còn đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cho rằng, anh mải tập trung vào nội dung phim, dành tâm huyết cho những điều anh muốn làm mà chưa thực sự quan tâm đến mảng truyền thông, một yếu tố quan trọng quyết định sự thành/bại về doanh thu của một bộ phim ra rạp hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là vì sao phim hoạt hình Việt vẫn yếu thế hơn khi cạnh tranh với phim Nhật, Mỹ ở rạp. Vì chúng ta chưa tạo được thương hiệu riêng. Những tác phẩm như Doraemon, Conan... đều đã sở hữu lượng fan hâm mộ đông đảo từ truyện tới phim suốt nhiều năm qua. Trong khi, các dự án hoạt hình của Việt Nam vẫn còn đang từng bước chinh phục khán giả, gặp nhiều khó khăn để khẳng định vị thế của mình ngoài rạp.

Ngoài ra, hiệu ứng truyền thông, quảng cáo phim vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến doanh thu. Có lẽ, phim hoạt hình ra rạp với doanh thu trăm tỷ vẫn còn là một giấc mơ, thách thức với các nhà làm phim. Nhưng chúng ta không vì thế mà bi quan, bởi hoạt hình Việt đang có một thế hệ làm phim trẻ, tài năng và tâm huyết. Chúng ta phải tạo ra những tác phẩm tốt, định hình một thị trường phim hoạt hình Việt, từ đó dần dần sẽ giúp cho khán giả sẽ có cái nhìn cởi mở, tích cực hơn với các phim hoạt hình Việt và thu hút họ đến rạp.

Việt Linh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/phim-hoat-hinh-viet-cung-bai-toan-phong-ve-i775432/