Phim 'Hương vị trà' nhưng trà lại là cảnh hiếm trong phim
Phim 'Hương vị trà' khi cả người già, người trẻ trong nhà đều ngồi dưới hiên nhà, ngắm cảnh ở khu vườn trước mặt, uống trà và nói những câu chuyện phiếm. Khung cảnh rất đỗi bình thường ấy đem đến thật nhiều dư vị của ấm áp, cũng giống như vị ngọt ngào đọng lại mãi sau khi uống trà.
"Hương vị trà" (tựa gốc: "The Taste of Tea") được sản xuất năm 2004, là bộ phim thứ ba của nhà văn kiêm đạo diễn Nhật Bản Katsuhito Ishii. Lấy bối cảnh ở quận Tochigi, một miền quê nằm phía Bắc thành phố Tokyo, "Hương vị trà" là câu chuyện bình dị xoay quanh cuộc sống của nhà Haruno. Họ là một gia đình kiểu truyền thống của Nhật Bản, với sự gắn kết của ba thế hệ: Một cặp vợ chồng và hai đứa con sống chung cùng ông nội.
Người chồng, Nobuo, là một nhà thôi miên trị liệu thường xuyên đánh cờ vây với cậu con trai Hajime đang ở lứa tuổi dậy thì. Người vợ, Yoshiko, luôn cố gắng thu xếp thời gian để có thể vừa là một bà nội trợ tốt, vừa hoàn thành các dự án phim hoạt hình ngay tại nhà. Cô thường tham khảo những gợi ý của Akira, ông bố chồng lập dị bị ám ảnh bởi người vợ quá cố. Người con gái nhỏ Sachiko với trí tưởng tượng phong phú, luôn có cảm giác như em nhìn thấy hình ảnh một tâm hồn to lớn khác sống bên trong mình. Từ Tokyo, người cậu, Ayano, là một nhà sản xuất âm nhạc ghé thăm nhà Haruno, ở lại chơi ít ngày, kể vài câu chuyện kỳ cục mà anh gặp phải thời ấu thơ cho những đứa cháu.
Suốt hơn hai tiếng đồng hồ, bộ phim diễn ra với nhịp điệu chậm rãi cùng những câu chuyện giản dị, thấm đẫm trong bầu không khí nên thơ của thiên nhiên. Ở bộ phim, người xem có thể nhấn nhá thưởng thức những khoảnh khắc yên bình, tưởng chừng như thật hiếm hoi giữa nhịp sống hiện đại này. Tôi vẫn xem đó là điểm đặc trưng hấp dẫn mà những bộ phim Nhật Bản mang lại.
Cũng chính bởi điểm đặc trưng ấy, ta thấy mặc dù bộ phim mang tên "Hương vị trà" nhưng trà lại rất ít xuất hiện. Càng không có một buổi trà đạo nghiêm trang nào diễn ra. Ta chỉ thấy trà sau những bữa cơm gia đình, hoặc vào những buổi chiều cùng chơi cờ... Văn hóa uống trà ở Nhật Bản dù được nâng lên thành một loại "đạo" nhưng nó không phải thứ cao siêu. "Trà đạo" ấy hòa lẫn vào nhịp sống bình dị của con người, nơi mỗi ngày, mỗi ngày đều lặng lẽ trôi đi.
Tôi rất thích những trường đoạn sum vầy trong phim "Hương vị trà". Những khi cả người già, người trẻ trong nhà đều ngồi dưới hiên nhà, ngắm cảnh ở khu vườn trước mặt, uống trà và nói những câu chuyện phiếm. Khung cảnh rất đỗi bình thường ấy đem đến thật nhiều dư vị của ấm áp, cũng giống như vị ngọt ngào đọng lại mãi sau khi uống trà.
Những con người trong gia đình Haruno cũng giống như bao nhiêu người trong cuộc đời này. Họ có đam mê, có lo sợ, có niềm vui, có nỗi buồn, có tình yêu. Họ là những mảnh ghép rất đỗi thân thuộc của cuộc đời. Nhưng điều mà "Hương vị trà" làm tôi cảm động chính là việc sau cùng, mỗi người nhận ra họ đều thuộc về, đều là những mảnh ghép của một gia đình nhỏ.
Dù mỗi người lúc nào cũng theo đuổi một ý nghĩ riêng, một công việc riêng vậy nhưng họ luôn có cách rất đặc biệt để quan tâm đến nhau. Gia đình thấu hiểu nhau khi họ cùng ngồi uống trà trên hiên nhà trong lặng im của thiên nhiên và cây cỏ vùng quê.
Bộ phim êm dịu dành cho những ngày mỏi mệt này, để lại cho ta bao nhiêu lưu luyến bởi nét đẹp rất chân thật, thuần phác đến từ nội dung và cách diễn xuất của những diễn viên trong phim. Có lẽ sau cùng, nhấp lên ngụm trà, lại đột nhiên nhận ra "Hương vị trà" mà bộ phim mang đến chính là giá trị của gia đình với mỗi con người, ấy là sự sẻ chia, an ủi, là nơi bình yên nhất để bước chân ta trở về sau bao bão giông.