Phim kinh dị Việt cũng cần 'chất Việt'
Dòng phim kinh dị Việt Nam ngày càng nở rộ nhưng không có nhiều tác phẩm được khán giả đón nhận và đạt doanh thu cao. Vì sao?
Dù gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế nhưng phim "Người lắng nghe: Lời thì thầm" (đạo diễn Khoa Nguyễn) không thành công trong việc chinh phục khán giả Việt. Nguyên nhân được cho là vì phim này đã khai thác lĩnh vực tâm lý học, tâm lý con người theo kiểu các phim kinh dị nước ngoài.
Xa lạ hoặc theo lối mòn
"Người lắng nghe: Lời thì thầm" lấy cảm hứng từ bộ phim kinh dị, tâm lý của Hồng Kông (Trung Quốc) là "Dị độ không gian" (tựa gốc: "Inner Senses"). Nội dung phim kể về quá trình trị liệu tâm lý của bác sĩ Tường Minh (Quang Sự đóng) dành cho nữ nhà văn trẻ An Nhiên (Oanh Kiều đóng) - người bị trầm cảm dẫn đến rối loạn lo âu.
An Nhiên cho rằng bản thân đang bị một cô gái ám ảnh. Điều kỳ lạ là cô gái mà An Nhiên hay nhắc đến lại là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô "Lời thì thầm". Phim có điểm cộng là truyền tải được thông điệp nhân văn rằng ai cũng cần được lắng nghe, thấu hiểu; song điểm trừ là chưa giải quyết trọn vẹn những vấn đề được đặt ra. Một số tình tiết còn gượng ép, thiếu mạch lạc, chưa đủ thuyết phục người xem. Yếu tố kinh dị trong phim nhạt nhòa, yếu tố tâm lý học cũng chưa được khai thác sâu.
Khởi chiếu tại các rạp từ ngày 4-3 nhưng theo thống kê từ Box Office Việt Nam (chuyên trang thống kê doanh thu phòng vé độc lập) thì "Người lắng nghe: Lời thì thầm" có doanh thu thấp hơn kỳ vọng, chỉ mới hơn 3 tỉ đồng. Trước đó, phim "Song song" và "Ống kính sát nhân" (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng) cũng rơi vào cảnh tương tự. Phim "Thang máy" (đạo diễn Peter Mourougaya) được xem là khá hơn cũng không thành công về doanh thu.
Nhiều phim kinh dị Việt pha trộn yếu tố giật gân, tâm lý, trinh thám khác cũng không thành công. Nguyên nhân được đưa ra là câu chuyện được kể xa lạ với khán giả hoặc theo lối mòn, giống hệt những phim kinh dị nước ngoài. Phim nước ngoài thường được đầu tư mạnh, khai thác đến nơi đến chốn nên phim Việt khó có thể so sánh khi cùng đề cập, cùng theo đuổi một phong cách kể chuyện.
"Dòng phim kinh dị và hài hước Việt Nam cần khai thác các chất liệu dân gian, văn hóa bản địa, những câu chuyện truyền miệng thì sẽ phù hợp hơn. Bởi lẽ, có nắm được câu chuyện và tình tiết thì khán giả mới có thể bật cười hoặc sợ hãi theo bản năng" - đạo diễn kiêm nhà biên kịch Kay Nguyễn nhận định.
Theo đạo diễn Kay Nguyễn, không ngạc nhiên khi những phim kinh dị dựa vào các chất liệu dân gian, truyền thuyết đô thị tạo được hiệu ứng truyền thông và có doanh thu cao. Điều này được chứng minh qua doanh thu của những phim như "Bắc kim thang" (đạo diễn Nguyễn Hữu Tấn) với 40 tỉ đồng, "Nhà không bán" (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) 40 tỉ đồng, "Chuyện ma gần nhà" hơn 64 tỉ đồng...
Tạo thương hiệu riêng
Dòng phim kinh dị Việt Nam ngày càng nở rộ. Nhiều đạo diễn đã chọn phim kinh dị làm tác phẩm đầu tay khi chạm ngõ điện ảnh. Nguyên nhân là vì dòng phim này kinh phí không cao, bối cảnh thường tập trung ở một khu nhà hoặc một vùng đất nào đó, diễn viên cũng không cần thiết phải tên tuổi hoặc gạo cội. Vì thế, kịch bản, diễn xuất, hóa trang, kỹ xảo trở thành những yếu tố quan trọng với dòng phim kinh dị nói riêng và phim Việt nói chung.
Trước đây, phim kinh dị Việt gặp nhiều rào cản trong khâu kiểm duyệt nên các tác phẩm bị gò ép, phần lớn chọn hướng khai thác với cái kết mộng ảo, hoang tưởng. Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm duyệt đã thông thoáng hơn, tạo cơ hội cho các nhà làm phim kinh dị có đất sáng tạo câu chuyện của riêng mình.
"Phim kinh dị của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc đã tạo dựng được thương hiệu riêng. Thái Lan là rõ nhất với phim kinh dị pha hài hước hoặc phim kinh dị đậm chất ám ảnh của nền văn hóa bản địa. Khán giả xem là nhận ra ngay đâu là phim kinh dị Thái Lan, đâu là phim kinh dị Hàn Quốc. Phim kinh dị Việt Nam chưa làm được điều này, đa số vẫn còn theo "phiên bản" nước ngoài, chưa nổi bật yếu tố bản địa, chất liệu dân gian" - nhà biên kịch Thanh Hương phân tích.
Đồng quan điểm, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng phim kinh dị của Việt Nam hiện nay dù đã tiến bộ, chất lượng hơn trước nhưng vẫn chưa thể bằng các nước trong khu vực. Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, văn hóa là nguồn chất liệu dồi dào để tạo ra những phim kinh dị đậm chất bản địa, góp phần hình thành "thương hiệu riêng" cho phim kinh dị Việt Nam.
"Nhiều câu chuyện xưa cũ truyền miệng từ người này sang người khác, tạo nên nỗi sợ hãi có thật và hứa hẹn hấp dẫn khán giả bởi sự quen thuộc, gần gũi. Đây là cả kho tàng giàu tiềm năng đang cần được khai thác" - nhà biên kịch kiêm đạo diễn Kay Nguyễn nhấn mạnh.
Quả thật, để khai thác hiệu quả kho tàng chất liệu dân gian, truyền thuyết đô thị vào phim kinh dị Việt Nam, đòi hỏi nhà làm phim cần phải có một kịch bản chất lượng, kể câu chuyện hợp lý, mạch lạc. Đây lại là một thử thách không dễ dàng!
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/phim-kinh-di-viet-cung-can-chat-viet-20220317200125894.htm