Phim kinh dị Việt 'lên ngôi': Bền vững hay trào lưu nhất thời?
Sau một mùa hè ảm đạm, nửa sau năm 2024 phòng vé Việt sôi động trở lại với những thành công bất ngờ của dòng phim kinh dị. Trong năm 2024, nhiều bộ phim kinh dị vươn lên dẫn đầu danh sách phòng vé và rời rạp với doanh thu trăm tỷ. Cơn sốt phim kinh dị Việt chỉ là trào lưu nhất thời hay là một xu hướng bền vững?
Những màn “khuấy động” đời sống điện ảnh
Theo số liệu từ Box Office Việt Nam, tính đến hết ngày 1/12, doanh thu phòng vé Việt đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Góp phần đáng kể trong số đó phải kể đến dòng phim kinh dị với tổng doanh thu hơn 450 tỷ đồng.
Khởi chiếu vào cuối năm 2023 nhưng doanh thu chủ yếu vào năm 2024 (hơn 100 tỷ đồng), thành công của “Quỷ cẩu” đã tạo ra “cú hích” đầy hứng khởi cho dòng phim kinh dị Việt. Giữa tháng 8/2024, “Ma da” của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng đã có màn “chào sân” ấn tượng. Chỉ sau vài giờ khởi chiếu, phim thu về 12,6 tỷ đồng và rời rạp với doanh thu 127,2 tỷ đồng. Bộ phim “Cám” dù không thể chạm đến cột mốc trăm tỷ như kỳ vọng nhưng cũng đạt con số “suýt soát” là 96,3 tỷ đồng. “Làm giàu với ma” sau 2 tháng ra rạp cũng chạm mốc 128 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, phim “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” vẫn giữ top 1 phòng vé Việt với gần 4.000 suất chiếu mỗi ngày. Tuy tốc độ bán vé của phim có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng doanh thu tính đến sáng 10/12 đã đạt hơn 80,7 tỷ đồng.
Ngoài đạt doanh thu cao, các phim kinh dị Việt còn “khuấy động” đời sống điện ảnh bằng nhiều cách. “Ma da” gia nhập câu lạc bộ trăm tỷ chỉ sau 10 ngày trình làng. Đây cũng là phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất trong 1 ngày (15,3 tỷ đồng) và đạt con số 1 triệu vé trong 1 tuần… Phim còn gây ấn tượng khi lọt top 7 phim nước ngoài có doanh thu cao nhất trong 2 ngày khởi chiếu tại Hàn Quốc… Trong khi đó, “Làm giàu với ma” được chọn chiếu chính thức cho hạng mục Global Features tại Liên hoan phim quốc tế Jakarta 2024. “Cám” sau khi ra rạp tại Việt Nam từ ngày 20/9, còn được công chiếu tại các thị trường nước ngoài như Australia, New Zealand, Singapore, Canada, Mỹ và Campuchia.
Theo trang moveek.com, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 có 2 dự án kinh dị được công bố ra mắt gồm: “Đèn Âm hồn” và “Âm dương lộ”. Trong đó, “Đèn Âm hồn” được đạo diễn Hoàng Nam ấp ủ trong 3 năm, dự kiến khởi chiếu 7/2/2025 (mùng 10 Tết). Còn theo chia sẻ từ nhà sản xuất, “Âm dương lộ” (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) sẽ là một bước đột phá mới cho dòng phim kinh dị Việt Nam khi khai thác thể loại kinh dị hành trình - một thể loại còn khá mới lạ và hầu như chưa được khai thác tại thị trường điện ảnh trong nước. Phim dự kiến ra mắt ngày 14/2/2025.
Nhà sản xuất mạnh tay đầu tư
Lý giải sự lên ngôi của phim kinh dị Việt, các nhà phân tích cho rằng, sau thành công của “Quỷ cẩu” các nhà sản xuất đã mạnh tay hơn cho việc đầu tư kỹ xảo, trang phục, bối cảnh… Nhà sản xuất phim kinh dị “Cám”, ông Hoàng Quân cho biết, phim được làm với kinh phí hơn 1 triệu USD. Tốn kém, công phu nhất là việc tạo hình cho vai Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng). Mỗi ngày quay, nhân vật này phải dùng một mặt nạ mới, trị giá khoảng 2.000 USD. Trong suốt quá trình quay phim diễn viên sử dụng 19 chiếc mặt nạ, chưa kể phần hóa trang mỗi lần mất 1 đến 2 giờ đồng hồ.
Không chỉ có “Cám” được đầu tư khủng, đạo diễn, nhà sản xuất Võ Thanh Hòa chia sẻ rằng, “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” là phim mà ông bỏ ra số tiền đầu tư lớn nhất từ trước tới giờ, lên tới trên 30 tỷ đồng. Khi ra rạp, phim được đánh giá chỉn chu về bối cảnh, tạo hình, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về trang phục, đảm bảo phù hợp với thân phận, địa vị và tính cách của các nhân vật… Ngoài ra, thay vì quay ở phim trường để giảm chi phí, ê kíp quyết định ghi hình hoàn toàn tại Huế để đảm bảo độ chân thực cho cảnh phim. Theo nhà sản xuất, riêng việc dàn dựng bối cảnh kiến trúc, văn hóa Huế xưa đã tốn cả tỷ đồng. Chuyên gia điện ảnh Nguyễn Phong Việt đánh giá, việc các nhà sản xuất chịu đầu tư cho thấy họ tâm huyết và mong muốn mang đến những bộ phim chất lượng. “Từ “Ma da”, “Cám” đến “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” chứng minh rằng phim kinh dị Việt đã được đầu tư ra tấm ra món”, ông Việt nói.
Đặc biệt, phim kinh dị Việt dường như đã bước ra khỏi lối mòn cũ, khi các nhà làm phim đang có xu hướng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong tác phẩm của mình. So với dòng phim chọn khai thác các hình tượng ma cà rồng, quái vật hay zombie của vài năm trước, phim kinh dị năm 2024 chuyển sang khai thác chất liệu dân gian thuần Việt.
Không chỉ có “Cám” được phóng tác từ truyện cổ tích nổi tiếng “Tấm Cám” mà kịch bản “Quỷ cẩu” cũng được lấy cảm hứng từ truyền thuyết linh dị “chó đội nón mê” thời xưa. “Ma da” khai thác truyền thuyết dân gian “ma da kéo giò” nổi tiếng ở vùng sông nước, còn trong “Linh miêu” là chuyện quỷ nhập tràng liên quan đến sự xuất hiện của mèo ma được lưu truyền từ xưa trong dân gian. Với kịch bản mang thông điệp rõ ràng, cách kể chuyện mạch lạc, dễ dàng nhận thấy những câu chuyện huyền bí từ các vùng quê đã khơi gợi ký ức quen thuộc cũng như kích thích sự tò mò đối với nhiều thế hệ người xem. Đồng thời, việc sử dụng các yếu tố dân gian cũng giúp khán giả có cơ hội khám phá về văn hóa, phong tục tập quán của nhiều địa phương; từ đó, phim kinh dị Việt bắt đầu thoát khỏi “cái bóng” của phim nước ngoài, để hình thành dấu ấn và bản sắc riêng.
Giấc mơ một dòng phim kinh dị thuần Việt?
Phim kinh dị đang ăn khách, chiếm sóng tại các rạp, thu hút khán giả trẻ, tuy nhiên đây chỉ là trào lưu nhất thời hay là một xu hướng bền vững? Theo các chuyên gia, xu hướng của phim kinh dị đang dần địa phương hóa, kết hợp giữa những câu chuyện bản địa với nhu cầu và xu hướng của thế giới. Tại châu Á, nhờ việc khai thác văn hóa bản địa và yếu tố tâm linh, dòng phim này đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Các tác phẩm như “The Medium” (tựa việt: Âm hồn nhập xác - Thái Lan, 2021), Incantation (Chú nguyền - Đài Loan, 2022) hay Exhuma (Quật mộ trùng ma - Hàn Quốc, 2023) đã vượt ra khỏi những khuôn mẫu quen thuộc của phim kinh dị Hollywood để tạo dấu ấn riêng.
Theo ông Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập và vận hành Box Office Vietnam, những năm gần đây được coi là kỷ nguyên vàng của dòng kinh dị châu Á. Đối với Việt Nam, thị trường phim kinh dị lên ngôi bởi những câu chuyện đậm màu sắc dân gian cùng tinh thần dân tộc và khao khát đào sâu căn tính dân tộc ngày càng lớn của giới trẻ. “Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, với các vũ trụ điện ảnh kinh dị đang được các nhà làm phim Việt lên kế hoạch triển khai”, ông Dương đánh giá.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng, việc khai thác yếu tố văn hóa bản địa, yếu tố tâm linh, những câu chuyện kể dân gian được xem như một hướng đi mới, đầy tiềm năng. Ông Việt nhận định, làn sóng phim kinh dị Việt không phải trào lưu mà là một hướng đi đúng đắn. Thậm chí, đây còn là một trong những con đường để tạo bản sắc và cho thế giới biết điện ảnh Việt Nam có gì.
“Phim kinh dị thời gian qua là câu chuyện bản sắc của Việt Nam, chúng ta không đi mượn câu chuyện của người khác. Nhìn sang Thái Lan, dấu ấn điện ảnh của họ vẫn là phim kinh dị và đạt doanh thu rất tốt. Chúng ta có kho tàng câu chuyện, truyền thuyết dân gian, chỉ cần đủ giỏi, đủ tâm huyết để làm việc này”, ông Việt chia sẻ.