Phim kinh dị Việt liệu đã thoát khỏi 'lối mòn'?

Phim kinh dị 'Chuyện ma gần nhà' của đạo diễn Trần Hữu Tấn đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận và giới chuyên môn, với thành tích và doanh thu tốt chỉ sau vài ngày công chiếu. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng sự ghi nhận này chỉ đến từ hiệu ứng truyền thông quá đà và yếu tố ngoại cảnh, chứ chưa phản ánh được 'thực lực' của phim.

Một phân cảnh trong phim “Chuyện ma gần nhà”.

Một phân cảnh trong phim “Chuyện ma gần nhà”.

Do truyền thông hay “thực lực”?

Ra rạp vào thời gian này, “Chuyện ma gần nhà” có nhiều thuận lợi. Ví như, rạp phim mới mở cửa trở lại ở Hà Nội sau thời gian dài đóng cửa, dịp lễ Valentine, người dân mới nghỉ Tết xong nhưng vẫn còn dư âm của không khí xuân… Tựa phim dễ gây tò mò với người xem khi khai thác đề tài truyền thuyết đô thị tương đối ít thấy trong dòng phim kinh dị Việt Nam.

Nhiều lời khen ngợi không ngớt dành cho bộ phim như: kịch bản mới mẻ, không hời hợt, đan xen các yếu tố tâm linh hay tà thuật hợp lý; dàn diễn viên diễn xuất tốt; hóa trang và bối cảnh được chú trọng; hiệu ứng và kỹ xảo ấn tượng, âm thanh sống động; lối dẫn dắt tự nhiên kết hợp giữa “chuyện trong chuyện” và thực tế… Đặc biệt, “Chuyện ma gần nhà” được gọi là một “phim kinh dị đúng nghĩa” bởi không cần bổ sung các yếu tố hài hước để “câu khách” hoặc thay đổi cái kết là giấc mơ hoặc ảo tưởng của nhân vật để phù hợp với tiêu chí kiểm duyệt. Do vậy, các cảnh quay rùng rợn, táo bạo cũng không bị cắt xén quá nhiều.

Chưa kể, dư luận còn gọi đây là một trong những tác phẩm có “hiệu ứng truyền miệng tốt nhất trong hai tháng đầu năm 2022”. Những lời quảng cáo cho phim từ trước Tết đến nay đã tạo ra sự tò mò nhất định của khán giả, với những cụm từ khóa “ma thật, quỷ thật”, “phim kinh dị nặng đô nhất”, “dựa trên những truyền thuyết đô thị ám ảnh nhất của Việt Nam”, “tình tiết xoắn não đến phút cuối cùng”… Sau khi được phát sóng, phim còn nhận về nhiều mỹ từ hơn, như “mang đến tất cả những gì kinh dị, ớn lạnh, hấp dẫn, chất lượng nhất mà khán giả Việt vẫn luôn mòn mỏi mong chờ”.

Những lời giới thiệu, quảng cáo “có cánh” càng khiến người xem tò mò hơn về bộ phim. Tuy nhiên, nhiều khán giả đã tỏ ra thất vọng khi xem xong và nhận xét bộ phim đã không đáp ứng được sự kỳ vọng cao ban đầu bởi những lời quảng cáo quá đà. Có nhiều ý kiến chê bai bối cảnh chưa đẹp; một số tình tiết, chi tiết trong phim giống với một số phim kinh dị nước ngoài đến việc lạm dụng các màn hù dọa vô cớ, hình ảnh “ma không đầu”, chi tiết nằm mơ và các cảnh đổ máu thừa thãi.

Nhiều ý kiến khác lại nhận định các câu chuyện diễn biến đơn giản, chưa đủ ám ảnh hay “xoắn não” người xem như quảng cáo. Chưa kể, có thể do nhà làm phim quá tham tình tiết dẫn đến kịch bản lan man, đến mức “rối tung rối mù”, khiến người xem “mệt mỏi” để theo kịp.

Trả lời báo chí, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận xét: “Phim có cách kể chuyện vừa tham lam vừa vụng về, cách xử lý đường dây câu chuyện thiếu sự xuyên suốt, logic tâm lý nhân vật thiếu nhất quán, hoặc đôi khi bất chấp logic, khiến việc thưởng thức các bộ phim này đều rơi vào trạng thái lơ lửng nửa vời”.

“Cởi trói” cho phim kinh dị

Dù chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất nhưng thành công ít nhiều mà “Chuyện ma gần nhà” đạt được vẫn là nguồn động lực mạnh mẽ cho các nhà làm phim kinh dị dám “dấn thân” vào các mảng đề tài lạ nhằm phục vụ công chúng. Bởi lẽ, dòng phim kinh dị Việt Nam có một lượng khán giả đông đảo đang chờ mong những bộ phim kinh dị đúng chất, hấp dẫn và không đi theo “lối mòn” an toàn như trước đây.

Đáng nói, quá trình duyệt phim của Cục Điện ảnh đối với phim kinh dị đã có phần “thả lỏng” hơn trước. Chính vì thế, “Chuyện ma gần nhà” mới có thể được công chiếu với đầy đủ những cảnh quay táo bạo. Chính đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng vui mừng vì tác phẩm đã “ra rạp trọn vẹn, không bị cắt phân đoạn nào”.

Nếu ra rạp vào khoảng vài năm về trước, tại khâu kiểm duyệt, các bộ phim kinh dị thường phải chỉnh sửa, cắt nhiều phân cảnh, sửa đổi kết thúc thành giấc mơ hoặc ảo tưởng để tránh truyền bá “có ma thật”. Điều đó phần nào khiến bộ phim kinh dị mất đi tính rùng rợn và tính gắn kết giữa các tình tiết, đồng thời khiến khán giả không khỏi thất vọng vì “xem phim ma mà không có ma”. Ví dụ điển hình là phim “Rừng xác sống” của đạo diễn Lê Văn Kiệt, “Đoạt hồn” của đạo diễn Hàm Trần, “Chung cư ma” của đạo diễn Văn M Phạm.

Với những thuận lợi hiện tại về quá trình kiểm duyệt và cộng đồng khán giả đông đảo, dòng phim kinh dị thuần Việt với những chùm đề tài mới lạ vẫn đang là một “mỏ vàng” chưa được khai phá hết. Tuy nhiên, dòng phim kinh dị Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn “loay hoay” cả về số lượng và chất lượng, thường “lép vế” hơn so với những phim kinh dị nước ngoài ra rạp cùng thời điểm. Chính vì thế, thách thức của các nhà làm phim Việt chính là nâng cao các giá trị chân - thiện - mỹ cho “đứa con tinh thần” của mình, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của khán giả ngày càng khắt khe hơn về “thực lực” của một bộ phim, không chỉ bởi hiệu ứng truyền thông.

Diệu Bảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phim-kinh-di-viet-lieu-da-thoat-khoi-loi-mon-post434539.html