Phim kinh dị Việt: Một tín hiệu khởi sắc?

Chủ đề kinh dị luôn là mảnh đất màu mỡ mà nhiều đạo diễn muốn chinh phục. Thế nhưng phim kinh dị Việt Nam luôn gặp những rào cản lớn khiến nó không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với sự thất bại liên tiếp của những quả “bom xịt”, nhiều khán giả đam mê loại hình nghệ thuật thứ bảy mất niềm tin vào dòng phim này của nước nhà. Thế nhưng sự thành công của một số dự án phim kinh dị gần đây của đạo diễn Việt liệu có phải là một tín hiệu sáng cho dòng phim này ở thị trường nội địa.

Phim kinh dị không cần đầu tư kinh phí quá lớn nhưng rất dễ thu hút khán giả bởi sự kịch tính, hồi hộp, tình tiết bất ngờ khó đoán. Dòng phim này là món ăn tinh thần giúp người xem giảm bớt những căng thẳng, lo toan thường nhật ở thế giới thực tại, khuấy động tính tò mò bản năng của con người khi chứng kiến những điều sợ hãi. Khi quy định kiểm duyệt với phim về chủ đề kinh dị được cởi mở, nới lỏng cho phép các đạo diễn thỏa sức sáng tạo để làm ra những bộ phim ưng ý thì thị trường phim kinh dị trong nước cũng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Tuy nhiều lên về số lượng nhưng không đi cùng với chất lượng, khi chỉ rất ít trong số những bộ phim đó có thể tạm chấp nhận, còn lại đều bị khán giả quay lưng và xếp vào hạng “thảm họa”.

Bộ phim ăn khách “Tết ở làng Địa Ngục”.

Bộ phim ăn khách “Tết ở làng Địa Ngục”.

Có nhiều yếu tố khiến những bộ phim kinh dị của nước nhà không thể thu hút và làm hài lòng khán giả so với những phim cùng chủ đề của nước ngoài, trong đó phải kể đến kịch bản, cách kể và tạo hình. Kịch bản phim ôm đồm đan xen hành động, ngôn tình, trinh thám, thần thoại… khiến nội dung rườm rà, thiếu sức hấp dẫn. Ngoài ra không ít phim thiếu tính logic, tình tiết phim vô lý, dễ đoán khiến khán giả mất hứng. Bên cạnh đó kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, trang phục… chưa được đầu tư chỉn chu cũng khiến khán giả lắc đầu ngao ngán. Đó là một trong số những lý do mà nhiều phim kinh dị Việt dù được truyền thông rầm rộ và khán giả vẫn luôn tâm niệm “người Việt dùng hàng Việt” thế nhưng vẫn thất bại “thảm hại”.

Ngoài việc thua lỗ về doanh số, chính những quả “bom xịt” này đã khiến khán giả ngao ngán, thất vọng và mất niềm tin vào những bộ phim chủ đề kinh dị. Không khó để đọc được những bình luận trên những trang Fanpage về phim của khán giả như “Thề không bao giờ xem phim kinh dị Việt”, “Xem phim kinh dị Việt làm gì cho tốn tiền”, “Dù rất muốn ủng hộ phim Việt nhưng quả thật không thể “cảm” được những bộ phim kinh dị này”. Dù thời gian gần đây những bộ phim kinh dị đã được đầu tư kỹ lưỡng và chỉn chu hơn như: "Chuyện ma gần nhà", "Vong nhi", “Cù lao xác sống”, “Bến phà xác sống”… Thế nhưng chất lượng trồi sụt, nhiều ý kiến trái chiều dẫn đến vẫn chẳng thể lấy lại niềm tin của khán giả về những bộ phim kinh dị mang thương hiệu Việt Nam mặc cho trên thế giới dòng phim này đang làm mưa làm gió.

Dù còn nhiều những mặt hạn chế nhưng thị trường phim kinh dị trong nước cũng có một số phim nhận được sự ủng hộ của khán giả với doanh thu phòng vé cao như: “Quả tim máu”, “Lật mặt”, “Nhà có khách”, “Thất Sơn tâm linh”, “Bắc kim thang”… Và cũng có những bộ phim kinh dị Việt đạt được giải thưởng và công chiếu trên quốc tế như “Người lắng nghe: Lời thì thầm” của đạo diễn Khoa Nguyễn đã gặt hái được 3 giải thưởng tại LHP quốc tế nghệ thuật châu Á - AFAIFF 2021, giải thưởng Bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất tại LHP New York và các hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Hình ảnh xuất sắc tại LHP London.

Bộ phim “Trại hoa đỏ” của đạo diễn Victor Vũ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Di Li đã chính thức phát sóng trên gần 200 quốc gia qua nền tảng Netflix. Bộ phim gồm 8 tập, mỗi tập 60 phút, xoay quanh chuyến nghỉ dưỡng của đôi tình nhân sắp cưới. Đây là dự án phim dài tập hiếm hoi của Việt Nam khai thác đề tài trinh thám, kinh dị, mang đậm tính quốc tế và được đầu tư chỉn chu theo chất lượng phim điện ảnh. Bộ phim “Trại hoa đỏ” đã đem đến cho người xem những giây phút hồi hộp bởi những tình huống gay cấn và đẩy khán giả vào không khí âm u của vùng núi hoang sơ nhuốm màu tâm linh kỳ bí.

Hay mới đây nhất bộ phim “Tết ở làng Địa Ngục” được đạo diễn Trần Hữu Tấn chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên từng gây sốt trong năm 2022 của nhà văn Thảo Trang. Bộ phim gồm 12 tập phát sóng trên kênh truyền hình K+, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả ủng hộ và lọt vào danh sách phim được yêu thích tại Việt Nam trên Netflix và K+.

“Tết ở làng Địa Ngục” là bộ phim truyền hình kinh dị cổ trang đầu tiên ở nước ta, phim chinh phục được khán giả nhờ chất liệu kinh dị được lấy cảm hứng từ văn hóa tâm linh đã quen thuộc với người Việt. Bên cạnh chất liệu, phim còn gây ấn tượng mạnh với người xem bởi bối cảnh phim trường được chọn lựa kỹ càng, ngôi làng cổ Sảo Há (Hà Giang) mang một vẻ đẹp hoang sơ ma mị làm đậm thêm chất liệu dân gian trong phim, cùng trang phục, hóa trang được đầu tư công phu cũng như diễn xuất của dàn diễn viên được chọn lọc kỹ lưỡng từ hai miền Bắc - Nam như Quang Tuấn, Nguyên Thảo, Võ Tấn Phát, Lan Phương, NSND Ngọc Thư, NSƯT Phú Đôn, NSƯT Văn Báu…

Bộ phim “Trại hoa đỏ” được chiếu ở nhiều quốc gia trên nền tảng Netflix.

Bộ phim “Trại hoa đỏ” được chiếu ở nhiều quốc gia trên nền tảng Netflix.

“Tết ở làng địa ngục” xoay quanh những cái chết kỳ dị, man rợ xuất hiện ngày càng nhiều ở làng Địa Ngục, nơi nương náu của con cháu băng cướp khét tiếng một thời trong quá khứ. Mỗi ngày trôi qua, hàng loạt điềm báo, án mạng bi thảm không ngừng xảy đến với những người dân làng vô tội đều gắn liền với yếu tố tâm linh. Dân làng từ hoang mang sợ hãi, chuyển sang nghi kỵ lẫn nhau. Với nội dung kịch tính, khó đoán khiến người xem dễ dàng bị cuốn theo từng vụ án mạng trong ngôi làng và đứng ngồi không yên để thưởng thức từng tập của bộ phim.

Đạo diễn bộ phim Trần Hữu Tấn sinh năm 1983, khởi nghiệp với vai trò đạo diễn các TVC. Phim điện ảnh đầu tay của anh - "Bắc Kim Thang" (2019) - được chọn vào nhánh A Window on Asian Cinema (dành cho phim nổi bật của các đạo diễn châu Á) tại Liên hoan Busan (Hàn Quốc). Tác phẩm đạt doanh thu 40 tỷ đồng khi phát hành trong nước. Phim thứ hai "Rừng thế mạng" (2021) khai thác đề tài sinh tồn, kể về một phượt thủ bị lạc ở Tà Năng Phan Dũng. Phim thứ ba “Chuyện ma gần nhà” đạt 58 tỷ đồng, là một trong những dự án Việt doanh thu cao trong năm 2022.

Nhận xét về phim đề tài kinh dị Việt trong thời gian qua, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt cho rằng “Dòng phim kinh dị ở Việt Nam trước giờ không phải là mới, tuy nhiên khoảng vài năm gần đây, may mắn lớn nhất đến từ phía các hội đồng duyệt khi họ có sự cởi mở hơn về những vấn đề, chi tiết trong bộ phim từ đó các nhà làm phim thoải mái và tự tin hơn đầu tư các dự án phim kinh dị.

Thị hiếu của khán giả Việt cũng đã được nâng tầm lên rất nhiều so với ngày xưa, vì khán giả được xem rất nhiều phim kinh dị, nhất là phim của Thái Lan, Hàn Quốc… do đó chất lượng của những bộ phim “hời hợt”, hù dọa, không có chiều sâu về mặt tâm linh không còn mang lại sự hài lòng. Nên tôi nghĩ là những bộ phim kinh dị trong năm 2023 cũng như trong thời gian sắp tới sẽ phải có mức độ đầu tư tốt hơn cũng như không nằm ở mức hù dọa mà nó còn nằm ở những tầng nghĩa khác về gia đình, về yêu thương, con người.

Và tôi nghĩ hai dự án gần nhất tôi từng xem là series truyền hình “Tết ở làng Địa Ngục” và phim chiếu rạp “Người mặt trời” của đạo diễn Timothy Linh Bùi, thì rõ ràng các nhà làm phim đã đầu tư về mặt bối cảnh và kỹ xảo rất tốt, cái đó là một trong những điểm vượt trội so với những phim của những năm trước. Tôi cho rằng những năm trước các nhà làm phim mức độ đầu tư cho phục trang, bối cảnh và đặc biệt khâu kỹ xảo chỉ dừng ở mức chấp nhận được. Còn với những phim kinh dị gần đây rõ ràng với những hiệu ứng của phim khán giả ít nhiều hài lòng vì cái sự tâm huyết và kỹ lưỡng của các nhà làm phim liên quan đến dự án phim kinh dị”.

Thành công của những bộ phim kinh dị trong thời gian gần đây, cùng với những phản hồi tích cực, sự hào hứng của khán giả về những bộ phim cùng chủ đề sắp ra mắt là những tín hiệu sáng của dòng phim kinh dị Việt. Đây là cơ sở để chúng ta đặt niềm tin vào sự phát triển hơn nữa của đề tài này trong tương lai gần.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phim-kinh-di-viet-mot-tin-hieu-khoi-sac--i717225/