Phim kinh dị Việt Nam: khán giả trung thành, phim còn ít
Phim kinh dị luôn có đất sống, ở thị trường phim quốc tế hay tại Việt Nam cũng vậy. Tiếc là, thể loại phim này những năm gần đây mới được các nhà làm phim chú ý đến, lượng phim ra rạp có tăng nhưng còn khiêm tốn.
Các phòng vé liên tiếp ghi nhận mức tăng về doanh thu của các bộ phim kinh dị với con số lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi phim. Thành tích này đã hé mở nhiều hy vọng về thị trường phim kinh dị trong nước. Quan điểm cho rằng sự hạn chế độ tuổi xem phim kinh dị sau kiểm duyệt có thể làm giảm lượng người đến rạp là không đáng lo ngại, theo góc nhìn của các nhà làm phim, bởi họ tin rằng thị trường phòng vé Việt luôn có “fan cứng” của thể loại phim kinh dị trong mọi thời điểm. Bài toán khó là làm thế nào có sản phẩm hay để chạm đến thị trường ngách này.
Phim kinh dị Việt: sân chơi còn trống
Tháng 4 vừa qua, phòng vé đón bảy phim kinh dị, con số ngang ngửa tỷ lệ phim ra rạp mùa Halloween hàng năm. Những tháng còn lại trong năm sẽ có trung bình 1-2 phim/tháng thể loại kinh dị, siêu nhiên trong và ngoài nước phục vụ khán giả. Theo đại diện một nhà phát hành phim, số phim nội ra rạp năm 2023 là 33 phim, trong khi phim ngoại là 289, tương ứng với tỷ lệ 9:1 – nghĩa là cứ có 10 phim thì có chín phim ngoại và chỉ một phim nội. Hiện con số phim kinh dị đã tăng nhẹ so với mọi năm.
Chia sẻ với KTSG, ông Nguyễn Phạm Hoàng Quân, Giám đốc Công ty cổ phần ProductionQ, đơn vị sản xuất phim điện ảnh Việt Nam, cho hay đã đeo đuổi dòng phim kinh dị từ khi mới bắt đầu thành lập công ty cho đến nay. Ông Hoàng Quân nhận định số lượng phim kinh dị ra rạp những năm gần đây đã nhiều hơn, lượng dự án phim kinh dị đang được thảo luận ở ProductionQ hoặc được các đối tác “chào mời” cũng gia tăng, bên cạnh chất lượng phim kinh dị cũng ngày càng được cải thiện.
“Chúng tôi vô cùng biết ơn khán giả Việt Nam vì ngày càng quan tâm hơn đến dòng phim này và vẫn luôn ủng hộ cho các tác phẩm điện ảnh Việt, dù cho vẫn có những phép thử chưa được thành công”, ông bày tỏ.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa, nhà sản xuất phim Quỷ Cẩu, đại diện 89s Group cho rằng “không phải sự thành công của một vài phim gần đây mới phản ánh sự hồi sinh của sân chơi phim kinh dị Việt Nam mà thực tế phân khúc khán giả cho dòng phim này luôn rõ ràng, thậm chí chiếm thị phần cố định”.
Bà Hằng Trịnh, CEO của Skyline Media, đơn vị phân phối bản quyền phim nước ngoài tại Việt Nam, khẳng định phim kinh dị luôn có một lượng khán giả ngách nhất định ở bất kỳ quốc gia nào và các nhà làm phim luôn có cơ hội thể hiện mình, ghi dấu cả ở thị trường phim trong nước lẫn ở nước ngoài.
Bà Hằng Trịnh là người đã đưa phim Kẻ Ăn Hồn cũng như một số phim kinh dị khác của Việt Nam “xuất khẩu” thành công ra nước ngoài. Theo bà, khán giả ở các thị trường ngoài Việt Nam có khuynh hướng dễ tiếp cận phim ma hơn thể loại khác.
“Khán giả quốc tế dễ bị thu hút và tò mò về nỗi sợ, sự ám ảnh, kiểu “ma quái” của quốc gia khác như thế nào, tương tự như cách đấm đá trong phim hành động”, bà Hằng Trịnh giải thích lý do phim kinh dị của Việt Nam được hồ hởi tiếp nhận ở nước ngoài.
Cơ hội ghi dấu ấn “vàng”
Dòng phim kinh dị tưởng như kén khán giả lại liên tục đạt đỉnh doanh thu. Cuối năm 2023, với hai phim Kẻ Ăn Hồn – bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn, nhà sản xuất Hoàng Quân và phim Quỷ Cẩu – nhà sản xuất Võ Thanh Hòa, đạo diễn Lưu Thành Luân chạm mốc tổng 200 tỉ đồng, một con số chưa từng thấy. Trong đó, phim Quỷ Cẩu trở thành phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Ngay đầu năm 2024, phòng vé lại tiếp tục cơn sốt phim kinh dị từ Hàn Quốc Quật Mộ Trùng Ma (Exhuma) lên đến 200 tỉ đồng đã phần nào cho thấy bức tranh sáng sủa của dòng phim kinh dị ở Việt Nam và thị trường ngách khán giả trung thành với dòng phim này.
Bắt đầu từ Bắc Kim Thang cho đến Tết Ở Làng Địa Ngục, Kẻ Ăn Hồn của ProductionQ đã đạt được thành tích nhất định ở thị trường trong và ngoài nước, ông Hoàng Quân đánh giá các chất liệu từ văn hóa dân gian là một nguồn cảm hứng vô cùng giá trị, được khán giả đón nhận và dĩ nhiên là cũng đồng hành thử thách.
Sự quen thuộc trong tâm thức của khán giả Việt với các chất liệu dân gian là một lợi thế ban đầu khi tiếp xúc với dự án, nhưng sự kỳ vọng của khán giả cũng là một thách thức mà nhà làm phim phải hết sức cẩn trọng. Trên hết, hướng đi này còn đòi hỏi ở nhà làm phim góc nhìn trân trọng tối đa với các chất liệu dân gian đã trở thành biểu tượng hoặc di sản.
Ở phim Kẻ Ăn Hồn, bối cảnh ghi hình chính ở ngôi làng cổ tại Hà Giang hoang sơ, hẻo lánh đem đến cho phim một bầu không khí ma mị, huyền ảo, cùng những màu sắc đậm văn hóa dân gian Việt Nam như chi tiết về đám cưới chuột, bầy rối nước, thủy đình, bài vè…
Hay ở Quỷ Cẩu, tác phẩm xoay quanh chủ đề nhân quả, lấy cảm hứng từ truyền thuyết linh dị “chó đội nón mê” tồn tại trong tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Theo quan niệm dân gian xưa, người dân tin rằng những gia đình sống làm điều ác, gieo nghiệp quả thì thường đón nhận ác báo. Và “chó đội nón mê” đi cóc cách trên nóc nhà chính là một điềm báo rằng những tai ương đang đến gần. Với sự huyền bí và có phần đáng sợ này, nhà làm phim đã chọn “chó đội nón mê” trở thành chất liệu xương sống để kể về câu chuyện của một gia đình trên màn ảnh rộng.
Dự kiến quí 4-2024, phim kinh dị Linh Miêu khai thác những chuyện truyền miệng quanh hiện tượng quỷ nhập tràng, sẽ ra rạp viết tiếp hành trình chinh phục thể loại này của 89s Group. Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, nếu hai phim kinh dị nội – ngoại cùng ra rạp một lúc, lợi thế của phim Việt chính là kể được câu chuyện văn hóa, hiện tượng tâm linh huyền bí bằng ngôn ngữ dân tộc để người xem dễ tiếp cận, thay vì phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tình tiết, thông tin phim đưa ra để hiểu toàn bộ nội dung của một bộ phim kinh dị nước ngoài. “Hình ảnh cây đa, bàn thờ… tất cả những gì thuộc về văn hóa truyền thống dân gian Việt Nam, từ xa xưa đến nay chính là kho tàng chất liệu riêng mà nhà làm phim sở hữu và có thể khai thác, để tạo được dấu ấn của mình trên thị trường phim nội – ngoại sôi động”, ông Hòa nhấn mạnh.
Tận dụng chất liệu văn hóa, tín ngưỡng dân gian
Nhiều người cho rằng làm phim kinh dị sẽ rẻ, an toàn hơn những dòng phim khác. Ông Hòa cho rằng thể loại này giúp đoàn phim đỡ tìm kiếm đa dạng bối cảnh quay, nhưng phải quay đêm nhiều hơn, ảnh hưởng đến tiến độ, năng suất hoàn thành phim. Bên cạnh đó, diễn viên tham gia ít hơn nhưng phải sử dụng kỹ xảo đặc biệt. Khâu kỹ xảo trong làm phim kinh dị cũng là vấn đề đạo diễn gặp khó vì chuyện chi phí đầu tư. Song những thành công liên tiếp cho thể loại phim này cũng là một bảo chứng trên thị trường để các nhà sản xuất thuận lợi kêu gọi đầu tư.
“Chất lượng phim kinh dị nước ta đã có sự cải thiện, tuy vậy vẫn chưa có nhiều dấu ấn đặc sắc so với phim nước ngoài. Làm kỹ xảo, hiệu ứng cũng là điều phải tập trung chi tiết, tỉ mỉ hơn trong tương lai. Tuy vậy tôi có niềm tin về chất liệu, yếu tố dân gian hoàn toàn có thể dùng để làm thương hiệu truyền thông cho phim kinh dị. Song song phải cần thời gian để nâng tầm nỗi sợ, sự cảm động, ám ảnh, hù dọa, hồi hộp qua từng cảnh phim…”, đại diện Skyline Media, bà Hằng Trịnh giải thích.
Trước những biến động của nền kinh tế, nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ cách phân phối tài chính cho phim vẫn là “liệu cơm gắp mắm”. Từ đó, nhà làm phim chọn cách cân đối trên chi phí cho phép, chọn lọc cảnh nào nên làm kỹ xảo hay hóa trang đặc biệt, ưu tiên tính hiệu quả cho tổng thể toàn dự án và lựa chọn đối tác làm kỹ xảo phù hợp. Sắp tới, dự án phim kinh dị Con Cám đang hoàn thiện sẽ là một góc nhìn kinh dị về câu chuyện cổ tích quen thuộc của mọi người dân Việt Nam. Ông Hoàng Quân cho rằng trong cái khó của sự biến động, những nhà làm phim sẽ cố gắng tìm kiếm được những đối tác và cộng sự có chung một tầm nhìn phát triển điện ảnh Việt, những tâm hồn đồng điệu trên hành trình dài.
Sau cùng, chính là niềm tin của những nhà làm phim vào tương lai của thị trường điện ảnh Việt Nam và “gu” phim của khán giả sẽ là tín hiệu tốt để dòng phim này tiếp cận công chúng.