Phim Mỹ 2024: Những 'bom xịt'thua lỗ
2024 là năm đầu tiên mà ngành công nghiệp điện ảnh phục hồi sau cuộc đình công kép của Hiệp hội các nhà biên kịch (WGA) và Hiệp hội diễn viên Mỹ (SAG-AFTRA) kéo dài gần 150 ngày trong năm 2023. Điều này kéo theo sự ra mắt của nhiều tác phẩm ứ đọng trong suốt một năm mà Hollywood gần như đóng băng, trong đó có nhiều bom tấn với sự góp mặt của các minh tinh nổi tiếng rất được chờ đón.
Tuy vậy, không phải tác phẩm nào cũng thành công mà thậm chí có trường hợp còn thất bại đến mức không thể hòa vốn.
Phòng vé ảm đạm
Ước tính theo công thức đơn giản “Lợi nhuận = Chi phí sản xuất + Chi phí quảng bá - Doanh thu phòng vé” (với khoản quảng bá xấp xỉ sản xuất), ta thấy top 10 phim có lợi nhuận thấp nhất thuộc về không ít những tác phẩm rất được kỳ vọng trước khi ra mắt. Chiếm vị trí đầu là “Red One” (tựa Việt: “Mật mã đỏ”) ra mắt vào tháng 11 vừa qua nhân dịp Giáng sinh, có sự góp mặt của 2 tài tử nổi tiếng là Dwayne Johnson và Chris Evans.
Ra mắt vào dịp lễ quan trọng nhất của thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, những tưởng tác phẩm sẽ mang về con số khổng lồ cho hãng Metro-Goldwyn-Mayer, thế nhưng kết quả nhận được lại đáng thất vọng. Trong đó, chi phí sản xuất “ngốn” đến 250 triệu USD trong khi thu về chỉ hơn 185 triệu USD toàn cầu, điều đó có nghĩa bộ phim này lỗ ước tính 315 triệu USD - một con số khổng lồ.
Xếp ngay sau tác phẩm này là “Argylle” (“Argylle: Siêu điệp viên”) có sự góp mặt của dàn diễn viên còn khủng hơn bao giờ hết, gồm “superman” Henry Cavill, tên tuổi gạo cội Samuel L. Jackson, ngôi sao đảm bảo doanh thu từ loạt “Fast & Furious” - John Cena và ngôi sao nhạc pop Dua Lipa. Bộ phim cũng lỗ hơn 300 triệu USD, khi thu về chỉ hơn 96 triệu USD còn mức chi phí bỏ ra là 200 triệu USD.
Có thể thấy 2 vị trí đầu tiên nằm trong danh sách thuộc về dòng phim giải trí, đặt nặng yếu tố quảng bá để thu hút khán giả hơn là chất lượng nghệ thuật. Các phim cũng thuộc dạng này nằm trong top 10 có lợi nhuận thấp nhất gồm “Borderlands” (“Trở lại Pandora”, lỗ 197 triệu USD, ở vị trí thứ 4), “Kraven: The Hunter” (“Kraven: Thợ săn thủ lĩnh”, lỗ 161 triệu USD, ở vị trí thứ 7). Xếp thứ 8, 9 và 10 lần lượt là “Fly me to the moon” (“Vụ bê bối ánh trăng”, lỗ 158 triệu USD), “The Fall Guy” (lỗ 69 triệu USD) và “Madame Web” (lỗ 60 triệu USD).
Danh sách này cũng bao gồm những tác phẩm được thực hiện bởi các đạo diễn có nhãn quan khác biệt, được các giải thưởng hàn lâm đánh giá cao và thuộc dòng arthouse kén khán giả. Đơn cử ở vị trí thứ 3 là “Megalopolis” của đạo diễn Francis Ford Coppola - người từng cầm trịch tác phẩm điện ảnh “Bố già” vang danh một thời - khi bỏ ra hơn 120 triệu USD nhưng chỉ thu về hơn 1/10 - gần 14 triệu USD, đẩy ước tính lỗ lên đến 226 triệu USD. Ở vị trí thứ 5 và thứ 6 là 2 tên tuổi nổi tiếng khác, gồm “Joker: Folie à Deux” (Điên có đôi) và “Mad Max: Furiosa” (Furiosa: Câu chuyện từ Max Điên) của Todd Phillips và George Miller. Điều đáng bàn đây là “cú ngã ngựa” đáng tiếc từ cặp đạo diễn được đánh giá cao, từng được đề cử ở giải Oscar cũng như là phần tiếp nối các thương hiệu từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng.
Nhìn lại top 10 vừa mới điểm qua, có thể thấy một điểm chung nhất rằng đây đều là các tác phẩm được thực hiện bởi những tên tuổi đạo diễn danh tiếng hoặc từng thắng lớn ở các phim khác. Không dừng ở đó, chiếm đa số trong dàn cast mà họ lựa chọn cũng là những cái tên bảo chứng phòng vé, khi có phim hơn một nửa dàn cast là người có tên tuổi, có khả năng kéo khán giả đến rạp. Những tưởng sự kết hợp này là “hổ mọc thêm cánh”, do đó khi chúng thất bại, thì câu hỏi lớn cũng được đặt ra: Rằng đâu là lý do khiến những con số về khoản thua lỗ rất đáng báo động?
Đi tìm nguyên nhân
Đầu tiên, dựa trên công thức đã nêu phía trước, lợi nhuận sẽ thấp khi chi phí dành cho sản xuất cũng như quảng bá quá lớn, vượt xa quá mức doanh thu trung bình của tổng các thị trường hợp lại. Quan sát con số phòng vé, dễ thấy doanh thu của các phim này tương đối hợp lý với từng thể loại, không phải quá ít. Vì vậy phần lớn lý do nằm ở khâu sản xuất đã chi ra một khoản khổng lồ.
Điều này dễ thấy ở trường hợp của “Mật mã đỏ” với con số 250 triệu USD. Để dễ hình dung, hơn 2 thập kỷ trước, “Titanic” - bộ phim từng được xếp vào doanh thu đắt đỏ nhất lịch sử phim ảnh - có khoản đầu tư là 200 triệu USD (chưa tính lạm phát). Nếu thời đó đây là trường hợp ngoại lệ, thì gần đây, con số nói trên đang dần xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Nhưng khoản đầu tư này đi về đâu? Không quá khó thấy nó nằm ở khâu áp dụng các công nghệ CGI hoặc VFX để cho ra các hình ảnh mô phỏng kỹ thuật số bằng máy tính sao cho mượt mà và chân thật nhất. Sở dĩ khâu này chiếm tỉ trọng lớn vì đa phần khán giả yêu thích dòng giải trí hiện nay muốn được thưởng thức các tác phẩm phải thật thoát ly với cuộc đời thực, để đến với các vũ trụ siêu anh hùng, nơi thế giới song song hoặc đến các nơi có tính không tưởng.
Chẳng hạn, vì là tác phẩm nói về thế giới cổ tích giữa cuộc đời thực, nên trong “Mật mã đỏ”, ta thấy ông già Noel, đàn tuần lộc kéo xe, những nhân vật phụ như kỵ sĩ không đầu, nhân sư canh cửa, bà chúa tuyết… đều được hiện lên vô cùng mượt mà. “Borderlands: Trở lại Pandora” hay “Furiosa: Câu chuyện từ Max Điên” cũng đưa ta vào một thế giới khác là hành tinh ở ngày tận thế, nơi Trái đất hoặc trở thành bãi rác của hệ mặt trời hay bị hoang hóa trở thành sa mạc...
Ngay cả một phim arthouse như “Megapolis” cũng không giấu tham vọng dựng nên ý tưởng khổng lồ về một siêu đô thị hoành tráng. Trong top 10 cũng có không ít phim siêu anh hùng mà “Madam Web” hay “Kraven: Thợ săn thủ lĩnh” với motif người hóa thú không thể không sử dụng CGI và VFX. Theo ước tính vào năm 2018, chi phí bỏ ra cho công nghệ này trung bình là 33 triệu USD cho một tác phẩm, và với những dòng phim nói trên, con số bỏ ra sẽ còn gấp nhiều lần nữa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.
Một khoản cũng tốn không kém trong cơ cấu tổng chi phí chính là catse cho dàn diễn viên. Với những tên tuổi như Dwayne Johnson, Chris Evans (phim “Mật mã đỏ”), Chris Hemsworth, Anya Taylor-Joy (phim “Furiosa: Câu chuyện từ Max Điên”), Cate Blanchett, Jamie Lee Curtis (phim “Borderlands: Trở lại Pandora”), Lady Gaga, Joaquin Phoenix (phim “Joker: Điên có đôi”)… thì con số thấp nhất mà một sao hạng A nhận được là 20 triệu USD - một chuẩn đã được đặt ra từ cuối những năm 1990.
Nhưng với sự vươn lên của các nền tảng streaming mà sau khi tác phẩm ra rạp sẽ xuất hiện tại đây, thực tế cho thấy các ngôi sao đang “nhúng tay” ngày càng nhiều hơn vào khâu sản xuất (bằng cách đổi phần thù lao lấy phần trăm doanh thu), khiến cho chi phí càng được tăng lên. Vì vậy nếu có sẵn nguồn tiền dồi dào, nhưng chất lượng sản phẩm không tương xứng (nghĩa là doanh thu giảm), thì thất bại cũng là dễ hiểu.
Điều này đã được minh chứng qua “Mật mã đỏ” hay “Argylle: Siêu điệp viên”, khi cả hai là những tác phẩm không quá mới mẻ trong dòng phim của mình. 2 phim siêu anh hùng là “Madam Web” và “Kraven: Thợ săn thủ lĩnh” thì càng tệ hơn, với motif không thể khác đi và dần đi vào ngõ cụt “trăm phim như một”. Disney dường như cũng nhận thấy điều này, khi đã rút hầu hết phim siêu anh hùng được lên lịch để tránh thua lỗ trong các năm tới.
Tuy vậy cũng có những phim như “Furiosa: Câu chuyện từ Max Điên” hay “Joker: Điên có đôi” không quá kém chất lượng, nhưng bởi sự tương đồng bối cảnh (với siêu phẩm “Xứ Cát”) hoặc cái bóng quá lớn (của “Joker” phần đầu) mà 2 phần phim này chưa được như kỳ vọng… Điều này cho thấy chi phí sản xuất “thoải mái” tuy là lợi thế cho nhà làm phim, nhưng nếu xử lý không khéo thì đây có thể là một cái “bẫy” của “khủng hoảng thừa”.
Với xu thế vận động ngày nay của ngành công nghiệp điện ảnh, hiện trạng nói trên dường như là tất yếu và không thể thay thế chỉ trong ngày một ngày hai. Nhưng qua các dữ liệu thu về, có thể thấy khán giả đang ngày càng khó tính hơn trong việc tiếp nhận sản phẩm điện ảnh dù là nghệ thuật hay giải trí, khi các bộ phim độc lập có chi phí không cao nhưng chất lượng vừa qua như “Everything Everywhere All at Once”, “Minari”... vẫn tạo được cơn sốt lớn ngay khi ra mắt bởi chất lượng vượt trội.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phim-my-2024-nhung-bom-xitthua-lo-i756825/