Phim 'Ngày xưa có một chuyện tình' khó vượt mốc trăm tỷ
Bộ phim 'Ngày xưa có một chuyện tình' đang thu hút sự chú ý của giới phê bình giữa 'cuộc chiến' phim tình cảm lãng mạn Việt và phim bom tấn ngoại.
Kỳ vọng là phim ăn khách nhất
Theo bảng xếp hạng doanh thu phòng vé tuần qua, bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” đang xếp vị trí thứ 2 với doanh thu gần 27 tỷ đồng - đứng sau bom tấn “Venom: Kèo cuối” đang có doanh thu xấp xỉ 70 tỷ đồng.
“Ngày xưa có một chuyện tình” được kỳ vọng là bộ phim trăm tỷ, nhưng lại có một khởi đầu tương đối kém sắc sau 3 ngày chiếu sớm (25 – 27/10) chỉ đạt mức doanh thu 6 tỷ đồng. Chính thức ra rạp từ 1/11, và tính đến thời điểm sáng 5/11, theo thống kê trên trang Box Office Vietnam, bộ phim đang có mức doanh thu khiêm tốn gần 27 tỷ đồng.
“Ngày xưa có một chuyện tình” là phim điện ảnh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, từng rất ăn khách trong thời điểm ra mắt năm 2016. Do đó, dự án gây được sự chú ý ngay từ khi công bố, hứa hẹn tạo nên thành công tương tự như với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), hay “Mắt biếc (2019).
Đáng tiếc, tác phẩm không tạo được hiệu ứng bùng nổ khi ra mắt, dù được giới phê bình đánh giá rất cao – là một trong hai bộ phim Việt đáng chờ đợi của tháng 11, cùng với “Cu li không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân.
“Ngày xưa có một chuyện tình” của Trịnh Đình Lê Minh là bộ phim lãng mạn vừa có vẻ đẹp thuần khiết của tình đầu vừa có sự day dứt của mối tình tay ba nhiều vụn vỡ. Theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, xét về độ “lụy tình” thì “Ngày xưa có một chuyện tình” chỉ thua phim “Mắt biếc” một chút.
Chất liệu đầy đặn từ cuốn truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, bối cảnh thanh bình của vùng đồng quê Phú Yên cùng dàn diễn viên, đặc biệt là 3 diễn viên chính hứa hẹn mang lại một bộ phim nhiều hoài niệm. Phim đưa người xem trở về thập niên 1980 - 1990, theo chân bộ ba nhân vật Miền (Ngọc Xuân), Vinh (Avin Lu), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành.
Lúc nhỏ, Miền là cô bé tội nghiệp bị bạn bè xa lánh vì có người anh bạo lực và người bố nát rượu. Vinh thầm thương Miền, dù không dám thổ lộ nhưng luôn bênh vực mỗi khi cô bị bắt nạt. Phúc là bạn thân nhất của Vinh, muốn vun vén cho tình yêu của bạn nhưng rồi lại bí mật quan tâm Miền.
Từ đây, bộ phim mở ra ba góc nhìn khác nhau về tình yêu và tình bạn của ba nhân vật. Mỗi người đều có quyền lựa chọn cho riêng bản thân mình, nhưng chính lựa chọn ấy sẽ dẫn đến những bước ngoặt lớn trong đời và tạo ảnh hưởng đến “sợi dây tình bạn” tưởng bền chặt mà cũng vô cùng mỏng manh.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định: ““Ngày xưa có một chuyện tình” chắc chắn vượt mốc 100 tỷ đồng. Và biết đâu, nếu đạo diễn kể chuyện tốt và “chạm” được vào khán giả, nó có thể vượt qua “Mắt biếc” để trở thành phim chuyển thể từ truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh ăn khách nhất”.
Phim hay nhưng không gặp thời
Trên các diễn đàn, “Ngày xưa có một chuyện tình” nhận được không ít lời khen cũng như lời chê bởi ít điểm nhấn bất ngờ, dù đã lược bỏ nhiều chi tiết so với nguyên tác nhưng vẫn đem lại cảm giác lê thê với thời lượng lên tới 135 phút. Đặc biệt, dù chỉ có hai cảnh nóng không quá bạo, không gây sốc nhưng vẫn dán nhãn T16 khi ra rạp khiến khán giả có chút hụt hẫng.
Về điều này, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ rằng, trong phim có đến hai ba tình huống có thể tạo drama. Nhân vật chắc hẳn lao vào nhau, cắn xé, thốt lên những lời khủng khiếp nhất, tát, đấm vào mặt nhau, quỵ ngã, máu phun ra khỏi miệng... Những tình huống như vậy vừa là cơ hội, cũng là cái bẫy. Nếu Vinh hay Miền hành xử như vậy, họ đã không phải Vinh hay Miền trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.
“Tôi cũng muốn nói thêm về cảnh sex ở trong phim. Thời này chắc không mấy ai đi xem phim vì cảnh sex. Người ta đi xem phim có lẽ để kết nối về mặt tâm lý với nhân vật... Họ ra sao trước khi quyết định đến với nhau, với tất cả sự kìm nén, chờ đợi, tin tưởng, đau khổ rồi hy vọng. Những gì diễn ra trước cảnh sex quan trọng hơn nhiều so với lúc nó diễn ra, nhất là trong một bộ phim tâm lý”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhấn mạnh.
Vốn là bộ phim được kỳ vọng có doanh thu trăm tỷ, nhưng “Ngày xưa có một chuyện tình” lại gần như không gặp thời. Tính đến thời điểm ngày 5/11, với gần 27 tỷ đồng doanh thu, còn là một khoảng cách rất xa so với 70 tỷ đồng của bom tấn “Venom: Kèo cuối”.
Không chỉ có vậy, Box Office Vietnam còn đưa ra nhận định cho bộ phim rằng “rất khó cho phim có cơ hội đứng đầu bảng một lần, vì sắp tới bom tấn của tài tử The Rock kết hợp Chris Evans trong “Red One” sẽ đổ bộ màn ảnh Việt”. Ngoài ra, tuy chỉ xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng cuối tuần nhưng “Cô dâu hào môn” của Vũ Ngọc Đãng sau 18 ngày công chiếu đã thu trên 69 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngoài việc phải cạnh tranh với “Venom: Kèo cuối” hay “Cô dâu hào môn” và việc sẽ mất cơ hội đứng đầu trên bảng xếp hạng khi “Red One” đổ bộ, bộ phim của Trịnh Đình Lê Minh còn phải đối mặt với loạt phim được đánh giá cao, như: “Tee Yod 2: Quỷ ăn tạng 2” (phim Thái Lan, khởi chiếu 18/10, hiện thu trên 95 tỷ đồng), “Robot hoang dã” (phim Mỹ, khởi chiếu 11/10, trên 25 tỷ đồng)…
Việc phim ngoại áp đảo phim nội địa để có doanh thu khủng và đứng đầu bảng xếp hạng đã là chuyện thường nhật. Tuy nhiên, nhiều khán giả yêu mến điện ảnh Việt cũng mong muốn “Ngày xưa có một chuyện tình” sẽ cán đích trăm tỷ, bởi gần 27 tỷ đồng doanh thu trong hơn 4 ngày công chiếu cũng là con số tương đối khả quan.
Theo Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL), đơn vị đã tuyển chọn được 117 phim dài và phim ngắn để đưa vào các hạng mục của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, diễn ra từ ngày 7 - 11/11. Trong đó, có 52 bộ phim Việt Nam tham gia ở các hạng mục Phim dài dự thi, Phim ngắn dự thi và Phim Việt Nam đương đại. “Ngày xưa có một chuyện tình” là đại diện duy nhất của Việt Nam dự thi ở hạng mục Phim dài.