Phim ngoại lồng tiếng: Cơn sốt mới của rạp Việt
Ngày càng nhiều phim điện ảnh nước ngoài được lồng tiếng khi ra rạp Việt, thu hút khán giả nhiều lứa tuổi. Tham gia vào đội ngũ lồng tiếng cho phim không chỉ là những nghệ sĩ lồng tiếng giàu kinh nghiệm mà còn là dàn diễn viên Việt nổi danh - 'con át chủ bài' kéo khán giả đến rạp.
Nhắc đến cụm từ "phim lồng tiếng", người ta thường nhớ tới các bộ phim Hồng Kông của thập niên 1990 hoặc phim truyền hình. Phim điện ảnh nước ngoài được lồng tiếng đa số vẫn là phim hoạt hình nhằm phục vụ khán giả nhí vốn chưa quen với việc vừa xem phim vừa đọc phụ đề. Số phim truyện được lồng tiếng rất hiếm trên màn ảnh rộng. Nhưng đó là chuyện trước năm 2023.

Hồng Đào và Quốc Trường lồng tiếng cho phim Hồng Kông “Yêu vì tiền, điên vì tình”.
Bây giờ gió đã đổi chiều. Hàng loạt bộ phim đình đám của Thái Lan, Hàn Quốc hút khách, lập kỳ tích doanh thu khi khoác lớp áo ngôn ngữ mới cho thấy: phim lồng tiếng không chỉ hồi sinh mà còn tự tin chiếm lấy thị phần. Năm ngoái, phim Thái “404: Chạy ngay đi” (có sự tham gia lồng tiếng của Lê Dương Bảo Lâm, La Thành và Diệp Bảo Ngọc) hay “Gia tài của ngoại” liên tục đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu. Rời rạp, “404: Chạy ngay đi” thu về 105 tỷ đồng, “Gia tài của ngoại” đạt gần 90 tỷ. Riêng phim Hàn đầu tiên có phiên bản lồng tiếng Việt là “Đẹp trai thấy sai sai” vượt mốc 50 tỷ trong 3 tuần chiếu.
Năm nay, số lượng phim ngoại được lồng tiếng tăng đột biến so với mọi năm. Và như thường lệ, vị trí quán quân vẫn là điện ảnh của xứ sở chùa Vàng. “Trẻ trâu không đùa được đâu” ra rạp tháng một thì “Rider: Giao hàng cho ma” đã xuất hiện vào tháng hai. Đáng chú ý khi “Rider: Giao hàng cho ma” là phim ngoại đầu tiên NSND Hồng Vân tham gia ở vai trò diễn viên lồng tiếng. Bên cạnh NSND Hồng Vân, đội ngũ lồng tiếng còn có sự tham gia của diễn viên Võ Tấn Phát, Mạc Văn Khoa…
Ra rạp trong tháng 4 là “Gấu yêu của anh”. Bộ phim hài hước của điện ảnh Thái Lan gây chú ý khi có sự góp giọng của dàn sao Việt như: NSƯT Hoài Linh, Đại Nghĩa, Minh Dự, Mie… Phim xoay quanh hành trình của Saen - một võ sĩ boxing liên tục thua trận, hết thời. Dựa vào lời chỉ dẫn, Saen và người bạn thân Krasu đã tìm được một người thầy mới có thể giúp anh thành công. Đó là ông cậu Sanan. Tại đây, Saen cũng gặp được “gấu yêu” của đời mình, chính là Momo - cháu của ông Sanan. Hoài Linh đảm nhận lồng tiếng vai ông cậu Sanan- nhân vật có nhiều câu thoại và phân cảnh hài hước.
Không kém cạnh người bạn thân là NSND Hồng Vân, Hồng Đào cũng thử sức ở lĩnh vực lồng tiếng với phim Hồng Kông “Yêu vì tiền, điên vì tình” (ra rạp tháng 3). Nhân vật Dư Tiếu Cầm của chị trở nên gần gũi, sống động khi song hành ăn ý với nam chính Lý Vĩ Tổ (diễn viên Quốc Trường lồng tiếng). Thành công với “404: Chạy ngay đi”, Lê Dương Bảo Lâm, La Thành tiếp tục lồng tiếng cho phim Hàn Quốc “Sát thủ vô cùng cực hài”. Siêu phẩm của điện ảnh xứ kim chi còn có sự tham gia của diễn viên Lê Khánh với chất giọng tưng tửng đặc trưng.
Phim lồng tiếng từng bị chê là lỗi thời vì đa phần không khớp khẩu hình miệng, một người đảm nhận lồng cho nhiều vai nên ít tạo được chiều sâu cho mỗi nhân vật. Phía nhà phát hành cũng không mặn mà với dòng phim này bởi khâu lồng tiếng vừa tốn kinh phí mà khán giả lại không mấy ưa chuộng vì chất lượng trồi sụt. Khán giả, nhất là khán giả trẻ, cho rằng việc lồng tiếng làm mất đi sự chân thực và cảm xúc trong lời thoại của diễn viên bản gốc, từ đó khiến trải nghiệm điện ảnh không trọn vẹn. Vậy tại sao bây giờ phim lồng tiếng lại có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục đến thế?
Thưởng thức loạt phim lồng tiếng như “Rider: Giao hàng cho ma”, “Yêu vì tiền, điên vì tình”, “Gia tài của ngoại”… mới thấy phim lồng tiếng đang lột xác. Không đơn thuần là chuyển ngữ, dịch lời thoại sang tiếng Việt, các nhà phát hành đang “may đo” lại kịch bản lời thoại để khớp với văn hóa, thói quen ngôn ngữ và cả thẩm mỹ của khán giả Việt Nam. Các studio như Đạt Phi Media hay Khang Media đầu tư hẳn ekip biên kịch, đạo diễn lồng tiếng, người tư vấn ngôn ngữ vùng miền - mọi chi tiết đều được chăm chút như một bộ phim độc lập.
Chèn các từ “mỏ hỗn”, “ô dề”, “ra vẻ” …, bản lồng tiếng “Đẹp trai thấy sai sai” khiến nhiều khán giả bật cười sảng khoái, quên luôn đang xem phim Hàn. Loạt từ khóa theo trend (xu hướng) như “anh trai say hi”, “Hái Thứ Hiêu” (tức Hiếu Thứ Hai) được NSƯT Hoài Linh đưa vào miệng ông cậu Sanan vô cùng hài hước, hợp thời. Hay “Gia tài của ngoại” khiến người ta cảm giác đang xem một bộ phim gia đình Việt bởi chất giọng miền Tây mộc mạc chứ không phải là phim Thái Lan.

Nghệ sĩ Hoài Linh, Đại Nghĩa, Minh Dự... lồng tiếng cho phim Thái “Gấu yêu của anh”.
Chuyện không khớp khẩu hình miệng đã trở thành quá khứ đáng quên. Từng từ, từng chữ của nhân vật gốc đều được đội ngũ lồng tiếng nghiên cứu sao cho khi dịch sang tiếng Việt phải nói khớp khẩu hình. Danh hài Hoài Linh từng suy nghĩ, đắn đo khi nhận lời lồng tiếng cho phim “Gấu yêu của anh”. Bởi đây là phim Thái nên nếu chỉ nói theo tiếng Việt đơn thuần thì khẩu hình miệng lạc quẻ. Ông buộc phải tập lồng tiếng theo giọng điệu kiểu Thái.
Lần đầu tham gia lồng tiếng, NSND Hồng Vân cũng thừa nhận: "Lồng tiếng cho phim nước ngoài tưởng là dễ nhưng thật ra không dễ chút nào". Bà lồng tiếng cho vai mẹ Pie. Nhân vật này có nhiều chuyển biến tâm lý nặng nề. Để thể hiện độ phức tạp đó chỉ qua tiếng nói, Hồng Vân phải tập lại hơi thở, ngữ điệu - một dạng “diễn xuất mù” không có bạn diễn, không có trường đoạn để đỡ lưng.
Còn diễn viên Quốc Trường thì chia sẻ: "Đây là một trải nghiệm thú vị, mới lạ giúp tôi nhận ra việc diễn bằng tiếng nhiều khi còn khó hơn diễn bằng hình. Là người miền Tây, tôi nói chuyện thường nhanh nên đạo diễn lồng tiếng Khánh Ái khuyên tôi cứ bình tĩnh, nói chậm lại, tập trung phát âm chuẩn".
Ngoài “Việt hóa” bằng lời thoại, nhiều nhà phát hành còn mạnh dạn đưa bài hát tiếng Việt gốc vào phim để tăng chất bản địa. Điển hình như ca khúc “Xuân thì” do nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh sáng tác trở thành nhạc phim của “404: Chạy ngay đi”. Nói như đạo diễn Vũ Thành Vinh - người đứng sau nhiều dự án lồng tiếng: “Chúng tôi không chỉ dịch mà Việt hóa, chắt lọc tỉ mỉ. Mục tiêu là khiến người xem cảm thấy gần gũi, duyên dáng như đang xem một bộ phim Việt thực thụ”.
Bên cạnh ngôn ngữ, yếu tố "ngôi sao lồng tiếng" cũng đang trở thành chiến lược hiệu quả. Nhờ họ, phim ngoại không chỉ khoác tấm áo mới mà còn nâng cao chất lượng đáng kể. Có những đoạn nhân vật gốc thoại khá đơ, nhưng bản lồng tiếng lại thể hiện xuất sắc khiến nhân vật có hồn. Ở mặt truyền thông, tên tuổi ngôi sao đem đến lượng fan khổng lồ, tạo đà lan tỏa nhanh chóng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ngôi sao cũng là bảo chứng thành công. Nếu giọng nói quá đặc trưng, quá chênh lệch với ngoại hình nhân vật như trường hợp của Mạc Văn Khoa trong “Rider: Giao hàng cho ma” lại tạo cảm giác lạc quẻ. Bài toán lồng tiếng vì thế không chỉ là về tên tuổi, mà còn là chuyện khớp giọng, khớp thần và cả khớp… duyên. Song khi các đơn vị làm phim “bản địa hóa” có tâm, có chiến lược dài hơi và biết lắng nghe khán giả, những nhược điểm này dần hạn chế.
Chất lượng của phiên bản lồng tiếng đang mở ra tệp khán giả đông đảo. Nếu giới trẻ thấy thích thú với kiểu phim ngoại “hài một cách Việt” thì khán giả lớn tuổi không còn bỏ lỡ các thước phim do không kịp đọc phụ đề hay mắt kém. Sự lên tay của phiên bản lồng tiếng khiến những tín đồ trung thành của bản phụ đề cũng bắt đầu có dấu hiệu "mềm lòng". Với họ, điều cốt lõi không phải lồng tiếng hay không, mà là phim có duyên hay không. Khi cái duyên ấy đủ lớn, họ không còn quá bận tâm đến giọng gốc nữa.
Dù lồng tiếng đòi hỏi chi phí, thời gian và công sức lớn hơn phụ đề, nhưng hiệu quả mang lại là rất rõ: doanh thu tốt hơn, lượng người xem đa dạng hơn, thậm chí giúp tác phẩm có đời sống dài hơi trong cộng đồng. Chính vì vậy, các đơn vị phát hành như Khang Media, CJ CGV đang lên kế hoạch bổ sung thêm dự án lồng tiếng - từ phim hài, tình cảm cho đến kinh dị, giật gân. Và khi khán giả đã chấp nhận “nghe tiếng Việt trong phim ngoại” thì rõ ràng đây không còn là một trào lưu ngắn hạn, mà trở thành xu hướng tất yếu, mở ra chương mới cho việc "bản địa hóa" điện ảnh quốc tế tại Việt Nam.