Phim ngôn tình đâu chỉ là chuyện giải trí
Chỉ cần chạm tay trên điện thoại là mở ra loạt review phim ngôn tình với mô típ tổng tài bá đạo thu hút hàng triệu lượt xem, bình luận.
Những tổng tài bá đạo này có thể làm vương làm tướng, yêu đương, sai khiến, hành hạ các cô gái. Các thiếu nữ xinh đẹp trong những phim đó có thể là vợ hoặc nhân viên hay người tình bí ẩn.
Họ bị quyền lực và phong độ đẹp trai sang trọng của tổng tài khống chế, tuân phục gần như tuyệt đối. Họ được tổng tài cưng chiều, chi cho những khoản tiền lớn, song ngay sau đó có thể bị xúc phạm, làm nhục, chà đạp không thương tiếc. Song họ vẫn cam tâm tình nguyện với một tình yêu sâu sắc.
Những review phim như thế này sở hữu nhiều lượt xem, nhiều lượt bình luận “Hay”, “Hay quá”, “Hóng tập tiếp theo đi”. Tổng tài bá đạo nhưng người xem không thể ghét, bởi vẻ đẹp trai và hào phóng, tàn nhẫn mà cũng lụy tình.
Các người tình của tổng tài hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp, uất ức vì bị đối xử tàn nhẫn, song lại dễ dàng tha thứ chỉ bởi một hành động hào phóng, một nụ hôn ngọt ngào. Và cứ thế, cứ thế, đến lượt người xem dường như cũng bị chinh phục, bị đốn tim bởi dàn diễn viên trai xinh gái đẹp cùng những tình tiết quen thuộc, dễ dãi, thậm chí độc hại.
Độc hại, bởi khi những phim ngôn tình này ngấm vào một bộ phận khán giả, không ít người sẽ mặc định tổng tài là như thế, được quyền như thế. Và nhân phẩm của người phụ nữ bị chà đạp, xúc phạm nghiêm trọng thì lại được coi như là lẽ đương nhiên.
Độc hại, bởi nó nuôi dưỡng, ủng hộ tâm lý hưởng thụ ở một bộ phận lớp trẻ, khi hướng tới hình mẫu tổng tài, đại gia – những người tình lý tưởng, có thể chiều chuộng và thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất của họ.
Mới đây, phát ngôn của một á hậu đã nhận “gạch đá” của cộng đồng mạng, khi ủng hộ xu hướng các cô gái trẻ làm sugar baby. Cô cho rằng khi yêu những người trẻ còn đang loay hoay xây dựng chỗ đứng cho mình, “ốc không mang nổi mình ốc” thì các cô gái sẽ không thể có chỗ dựa về vật chất.
Khi một phát ngôn đầy tự tin của người trong giới giải trí có khả năng ngụy biện và dẫn dắt dư luận, thì tác động của nó tới đời sống là không nhỏ. Rất may, phát ngôn, góc nhìn lệch lạc đó đã bị cộng đồng mạng lên tiếng cảnh báo kịp thời.
Tuy nhiên, thực tế trong xã hội hiện nay có không ít thiếu nữ xinh đẹp tình nguyện làm sugar baby, được bao nuôi hàng tháng, thỏa mãn nhu cầu vật chất. Trong số đó, có bao nhiêu cô đắm đuối với phim ngôn tình, đặt niềm tin vào tình yêu của tổng tài bá đạo?
Phim ảnh, nghệ thuật luôn có tác động tới xã hội. Một sản phẩm thuần giải trí như những phim ngôn tình nhưng không được thực hiện với tiêu chí nhân văn, tôn trọng con người, tôn trọng những giá trị xã hội, thì hậu quả của nó, nhãn tiền nhận thấy rõ lắm thay!
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phim-ngon-tinh-dau-chi-la-chuyen-giai-tri-post654037.html