Phim 'Người vợ cuối cùng' chưa thật thuyết phục

'Người vợ cuối cùng' lấy cảm hứng từ tiểu thuyết 'Hồ oán hận' của nhà văn Hồng Thái, kể về Linh - người vợ ba của quan tri huyện Đức Trọng.

Bộ phim 'Người vợ cuối cùng' có doanh thu ấn tượng tại phòng vé. Ảnh chụp màn hình trailer.

Bộ phim 'Người vợ cuối cùng' có doanh thu ấn tượng tại phòng vé. Ảnh chụp màn hình trailer.

Đẹp về trang phục, trau chuốt về khuôn hình nhưng bộ phim “Người vợ cuối cùng” còn yếu về kịch bản nên chưa thực sự làm nổi bật được thông điệp muốn gửi gắm.

Khát vọng lớn lao

Đang là phim dẫn đầu doanh thu phòng vé, khi chưa đầy một tuần ra rạp (cả suất chiếu sớm) đã đạt hơn 40 tỉ đồng (theo boxofficevietnam), “Người vợ cuối cùng” được kỳ vọng là một trong những phim điện ảnh của năm có thể tính đến con số trăm tỉ đồng cho tổng thu.

Dù là suất chiếu giữa giờ tan tầm chiều ngày đầu tuần, song rạp hơn 100 chỗ của Beta Cinema Thanh Xuân (Hà Nội) vẫn kín. Theo bạn Trang - nhân viên quầy, tuần đầu ra rạp, mỗi ngày, bộ phim này có đến hàng chục suất chiếu và đều đông khách, trong đó đa số là các bạn trẻ.

“Em đến xem vì thích phim của đạo diễn Victor Vũ”, bạn Mai (Thanh Xuân Trung) nói. “Em quan tâm đến chuyện xưa cùng trang phục được quảng bá của phim rất hấp dẫn…”, bạn Tuấn (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.

“Người vợ cuối cùng” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ oán hận” của nhà văn Hồng Thái, kể về Linh - người vợ ba của quan tri huyện Đức Trọng. Vì ép buộc lấy về để đẻ con trai nối dõi tông đường, Linh bị đối xử không khác gì người ăn, kẻ ở.

Cô đã nhẫn nại cam chịu trong suốt mấy năm trời, song một ngày nọ bỗng dưng gặp lại mối tình đầu - Nhân, Linh cùng người yêu tìm kiếm cho mình một con đường hạnh phúc trong không ít hoan lạc cùng nước mắt khổ đau… Qua đó, tác phẩm có tham vọng gửi đến người xem thông điệp khá ý nghĩa, lớn lao: Khát vọng tự do và vươn đến tình yêu hạnh phúc của người phụ nữ thời phong kiến, dù có thể phải đánh đổi cả mạng sống của mình…

Dưới sự dàn dựng của đạo diễn Victor Vũ, khuôn hình “Người vợ cuối cùng” khá lung linh, nhất là cảnh vùng núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, hư ảo; một xóm nhỏ mang cái tên rất lạ - làng Cua Ngọt - giữa thung lũng bình yên, thơ mộng cùng câu đồng dao: “Non xanh, nước biếc, đâu trời/ Cua còn chất ngọt cúng đời người ta”. Hay ngôi nhà cổ kính cùng cái sân gạch phủ màu thời gian của quan tri huyện…

Cùng với đó là việc tái hiện lối sống, sinh hoạt của người xưa (khoảng thế kỷ 18) được đầu tư khá kỹ càng, cầu kỳ phần nào mang đến cho khán giả những trải nghiệm gần gũi, chân thực.

Đó là phong tục rước dâu ở miền núi với phân cảnh bà thầy do nhà quan thỉnh vừa hát văn vừa nhảy múa để xua đuổi hết cái nghèo truyền kiếp ra khỏi đứa con gái nghèo khổ, không một hơi thở độc hại nào vào ám nhà quan, từ đó thay đổi số phận của một con người: “Ngày đi a áo lụa xênh xang Vu quy sẵn có kiệu vàng đón đưa/hắt xì… Cái chốn mốc meo/hắt xì...”.

Chợ phiên nơi xóm núi, buổi biểu diễn múa rối hay một dịp tiệc tùng ở nhà quan… cũng sinh động, rộn ràng.

Rồi thì các bộ trang phục, tấm khăn quấn đầu hay chiếc nón ba tầm, nón lá, đôi guốc mộc, đôi dép tết bằng dây… cũng được đầu tư khá cẩn trọng, thấp thoáng những nét văn hóa xưa...

Nhất là, một số tình tiết mang tính biểu tượng được đặc tả như cái dây thòng lọng treo thẳng chân bà vợ ba sau mỗi lần thực hiện phận sự chuyện chăn gối cho quan tri huyện, những mong đậu thai quý tử.

Hình ảnh này khá ám ảnh vì nó mang tính biểu đạt cao về thân phận người phụ nữ hèn mọn bị gả bán làm lẽ cho quan nhưng cuối cùng cũng chỉ là nô lệ tình dục và đẻ thuê… Chính những luật lệ, định kiến trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến đã kết thành thòng lọng rồi treo lơ lửng trên đầu biết bao phận đàn bà. Vậy sẽ có ai dám và có thể thoát khỏi cái thòng lọng ấy?

Cùng với đó là sự khéo léo đối lập về bối cảnh giữa nhà quan và xóm nhỏ nơi thung sâu được thể hiện rất đậm nét: Giàu có và lam lũ, cay nghiệt và bình yên, ngột ngạt và mênh mông, bi kịch và hạnh phúc…

Xen vào đó là chút hài hước, hành động, kinh dị đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Chẳng thế mà thi thoảng phòng chiếu lại rộ tiếng cười khi nghe câu thoại giễu cợt, hành động ngỗ nghịch…

Bối cảnh và phục trang của bộ phim 'Người vợ cuối cùng' được đầu tư chỉn chu. Ảnh chụp màn hình trailer.

Bối cảnh và phục trang của bộ phim 'Người vợ cuối cùng' được đầu tư chỉn chu. Ảnh chụp màn hình trailer.

Đuối về kịch bản

Tiếc rằng, những thành công về mặt hình ảnh, dựng bối cảnh, trang phục… song với một kịch bản yếu khi còn nhiều tình tiết thiếu logic, gượng ép cùng lối diễn xuất cương cứng thì khó có thể gánh thay.

Trước tiên, câu chuyện được kể ở đây đã quá quen thuộc, từ motip thân phận vợ lẽ con hầu không tình yêu, bị chà đạp cho đến cuộc ngoại tình trái ngang.

Rồi những đau khổ của dân đen khi bị đám quan tham ức hiếp, vùi dập như tên quan tri huyện xử án thấy con gái dân lành xinh đẹp nảy lòng hám sắc, cố tình vẽ thêm tội, kiếm cớ đe dọa để cướp trắng con gái dân thường, thỏa dục vọng… Đặc biệt là nỗi đắng cay khi lễ giáo phong kiến hà khắc được thực hành bởi chính phụ nữ với phụ nữ… cũng từng được khai thác rất kỹ trong không ít bộ phim.

Có thể vẫn bối cảnh, sự việc ấy nhưng để không bị nhạt nhòa đến mức nhàm và dễ dàng bị so sánh với tác phẩm nào đó thì mỗi bộ phim cần có góc nhìn mới, tránh đi vào lối mòn. Điều này “Người vợ cuối cùng” chưa làm được nên đem đến cho khán giả cảm giác tẻ nhạt và không khó để đoán diễn tiến câu chuyện.

Đấy là còn chưa kể đến tính thiếu thuyết phục ở tình tiết: Khi phát hiện người yêu cũ sau nhiều năm biệt tích bỗng xuất hiện, người vợ ba của quan tri huyện liền liên tục về thăm cha mẹ như… đi chợ, để rồi từ đó nối lại tình thắm thiết với người xưa.

Thực khó tin khi đã là phận làm lẽ để chuộc tội cho cha và bị đối xử không khác gì kẻ ở thì làm sao bà ba có thể thoải mái đi lại giữa nhà chồng và nhà bố mẹ không chỉ liên tục mà còn ở lại qua đêm như thế? Mà đây lại là tình tiết quan trọng đẩy xung đột, mâu thuẫn của bộ phim lên cao, giúp nhân vật bộc lộ nội tâm cũng như đi đến sự phản kháng quyết liệt. Vì thế, dễ dàng nhận thấy bộ phim phát triển thiếu tinh tế, khá gượng gạo, ép uổng.

Tuyến chi tiết quan triều đình về điều tra vụ án mạng thầy đề trong “Người vợ cuối cùng” lẽ ra phải là phân đoạn đem lại những phút giây gay cấn, hấp dẫn, thót tim cho nửa cuối phim để đi đến cái kết thú vị. Vậy nhưng, nó cũng nhạt nhẽo theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa như trò chơi của trẻ con chứ không có gì là sắc sảo, thấu đáo.

Sự hời hợt này không khỏi khiến không ít khán giả ngủ gật trong 1/3 thời gian trước khi bộ phim khép lại với cái kết không khỏi mông lung: Dám đấu tranh để thoát khỏi thòng lọng là vợ ba của quan tri huyện nhưng Linh ra đi mãi mãi để lại con gái bé bỏng ngồi bên cha vọng lời ru: “Một mảnh trăng treo suốt canh thâu/ Em ơi, trăng đã ngả ngang đầu/Thương nhớ ở ai, sương rơi đêm sắp tàn, trăng mờ/Người đi xa có nhớ là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời sao chẳng thấy em…”.

Bộ phim 'Người vợ cuối cùng' còn cũ về câu chuyện. Ảnh chụp màn hình trailer.

Bộ phim 'Người vợ cuối cùng' còn cũ về câu chuyện. Ảnh chụp màn hình trailer.

Dây thòng lọng được đặc tả đầy ám ảnh trong bộ phim 'Người vợ cuối cùng'. Ảnh chụp màn hình trailer.

Dây thòng lọng được đặc tả đầy ám ảnh trong bộ phim 'Người vợ cuối cùng'. Ảnh chụp màn hình trailer.

Ngoài ra, “Người vợ cuối cùng” quy tụ dàn diễn viên cả ở miền Nam và miền Bắc như: Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Anh Dũng, Quốc Huy… và được đạo diễn chia sẻ rằng anh đã định hình ngay từ quá trình viết kịch bản rồi mời họ tham gia.

Tuy nhiên, diễn xuất của một số diễn viên còn nặng tính kịch trong cả cử chỉ, hành động và lời thoại.

Điển hình như NSƯT Quang Thắng đảm nhiệm vai quan tri huyện Đức Trọng không thực sự “ăn xăm” vai diễn để khắc họa rõ nét tính cách tên quan vừa tham lam, độc ác giết người không ghê tay vừa gia trưởng song… bất lực mà chỉ thấy những cường điệu của một diễn viên hài – vốn đã gắn bấy lâu với nghệ sĩ này.

Hay NSƯT Kim Oanh mang cái đanh đá nanh nọc của sân khấu kịch vào phim nên phần nào thiếu đi sự gần gũi, chân thực…

“Em đã mong chờ điều bứt phá hơn nữa của đạo diễn Victor Vũ trong “Người vợ cuối cùng” song thật tiếc là không có. Nếu làm phép so sánh với những tác phẩm trước, bộ phim này có nhiều điểm trừ. Trong đó điểm trừ lớn nhất là dù thời lượng vượt 2 tiếng, song “Người vợ cuối cùng” không có điểm nhấn cũng như thiếu sự hấp dẫn, thuyết phục…”, bạn Mai cảm nhận sau khi thưởng thức bộ phim.

Có thể thấy, sau những “Chuyện tình xa xứ”, “Cô dâu đại chiến”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Scandal: Bí mật thảm đỏ”… sự trở lại của Victor Vũ bằng “Người vợ cuối cùng” này không có bước tiến, nếu không nói là bị tụt lùi.

Cùng với đó, việc dùng nghệ thuật, nhất là điện ảnh, để góp phần cất tiếng nói phê phán định kiến xã hội về thân phận người cùng đinh trong xã hội, đồng thời ủng hộ khát vọng tự do, dám đấu tranh, phản kháng tự cứu lấy mình của phụ nữ là điều rất đáng khích lệ.

Nhưng thật uổng khi nhà sản xuất đã mạnh dạn đầu tư, chăm chút về hình ảnh, dựng bối cảnh, thiết kế phục trang bằng khoản kinh phí không nhỏ mà lại quên rằng cũng cần dày công đầu tư cho kịch bản có chiều sâu hơn nữa cùng cách kể chuyện thực sự mới mẻ, sinh động…

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phim-nguoi-vo-cuoi-cung-chua-that-thuyet-phuc-post660458.html