Phim Nhà nước góp mặt, liệu có ưu thế nào tại LHP Việt Nam lần thứ 21?

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề 'Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập' đã được khai mạc tại Bà Rịa –Vũng Tàu. Năm nay, ở hạng mục điện ảnh, đáng chú ý có sự quay trở lại của 4 bộ phim được gọi là 'phim Nhà nước'. Sau mấy năm liên tiếp các hãng phim quốc doanh không có phim tham dự LHP, thì liệu sự trở lại lần này, 4 bộ phim nhà nước có được ưu thế nào hay không?

LHP Việt Nam lần thứ 21 đã chọn lựa được 104 bộ phim tiêu biểu các loại hình: Phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, khoa học và phim hoạt hình ở các hạng mục phim dự thi; phim chiếu trong chương trình toàn cảnh. Trong đó, giải thưởng mục phim truyện điện ảnh vẫn thu hút nhất với nhiều tên phim và các đạo diễn tên tuổi góp mặt.

Theo nhận định của Ban tổ chức, LHP Việt Nam lần thứ 21 có 16 bộ phim truyện điện ảnh được tuyển chọn vào hạng mục “Phim truyện dự thi”, phản ánh rõ nét sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây.

Năm nay, LHP lần thứ 21 có sự quay trở lại của các phim do Nhà nước sản xuất. (Ảnh từ phim: “Thạch Thảo” và “Hợp đồng bán mình”)

Năm nay, LHP lần thứ 21 có sự quay trở lại của các phim do Nhà nước sản xuất. (Ảnh từ phim: “Thạch Thảo” và “Hợp đồng bán mình”)

Trong đó, phải khẳng định rằng: LHP năm có sự đa dạng về các thành phần làm phim – điều mà một vài năm trước thiếu vắng. Sự góp mặt của các bộ phim do Nhà nước đặt hàng, phim do Điện ảnh Quân đội sản xuất bên cạnh phim của các hãng sản xuất tư nhân đã làm cho BGK có nhiều cân nhắc, nhiều cái tên để chọn mặt gửi vàng hơn.

16 bộ phim dự thi LHP Việt Nam lần thứ 21 cũng rất đa dạng các thể loại, từ phim hài, tình cảm gia đình, tâm lý xã hội, phim kinh dị, giả tưởng đến phim hành động và cả phim remake (làm mới). Bên cạnh đó là sự phong phú về đề tài phim: Không đơn thuần chỉ là những câu chuyện tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình mà có cả sự trở lại của đề tài hậu chiến.

Dù ít ỏi và lép vế hơn hẳn về số lượng so với các phim của tư nhân sản xuất, 4 phim truyện có sự đầu tư của Nhà nước cũng đem đến nhiều tín hiệu về sự khởi sắc của điện ảnh Việt. Bốn phim cụ thể đó là: "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Thạch Thảo" (70% vốn Nhà nước, 30% kinh phí xã hội hóa); "Nơi ta không thuộc về" (Điện ảnh Quân đội) và "Hợp đồng bán mình" (Hãng phim Giải Phóng).

“Truyền thuyết về Quán Tiên” - được thực hiện bởi đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ. Phim được chuyển từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều. Những thước phim xoay quanh chuyện về ba cô gái sống trong một hang động kỳ lạ giữa rừng già với một nhiệm vụ đặc biệt, bên ngoài là bom đạn cùng một con vượn bí ẩn, và câu chuyện của họ đã trở thành truyền thuyết. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ, bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” được thực hiện với mong muốn dựng lại bức tranh chân thực về những tháng ngày chiến tranh gian khổ của những cô gái trẻ trên tuyến đường Trường Sơn trọng điểm.

“Thạch Thảo” lại là câu chuyện về tình cảm học trò. Đạo diễn Mai Thế Hiệp đã thể hiện thành công nhiều xu hướng hiện đại của giới trẻ thông qua dàn nhân vật đáng yêu, gần gũi và hợp thời.

5 năm kể từ bộ phim truyện về đề tài chiến tranh “Đường xuyên rừng” được công chiếu rộng rãi, hãng phim Giải Phóng - nay là Cty CP phim Giải Phóng mới bắt tay vào thực hiện một dự án phim khác cũng do Nhà nước đặt hàng sản xuất có tên gọi “Hợp đồng bán mình”. Đây cũng là bộ phim đầu tiên có kinh phí sản xuất được trích từ ngân sách Nhà nước tính từ thời điểm sau khi hãng này thực hiện cổ phần hóa. Không như cái tên có phần “rất thị trường”, “Hợp đồng bán mình” thực ra lại đề cập đến đề tài thời sự nóng hổi trong đời sống xã hội. Theo đó, những thước phim do nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn chắp bút lột tả những góc khuất trong cuộc sống. Ở đó có chuyện đại gia bỏ cả trăm tỷ đồng để cứu sống cha của một cô gái trẻ đang đối diện với nợ nần và cái chết. Đổi lại, cô gái này sẽ phải ký vào một bản hợp đồng đặc biệt – làm vợ của vị đại gia này và không được ly hôn trong vòng 10 năm.

Còn “Nơi ta không thuộc về” của Điện ảnh Quân đội lại khai thác đề tài hậu chiến nhưng có cách tiếp cận mới. “Nơi ta không thuộc về” được đánh giá là phim tuyên truyền nhưng không đem lại cảm giác gượng ép, giáo điều cũ kỹ. Bộ phim đánh dấu sự hợp tác trở lại của đạo diễn Đặng Thái Huyền và nhà quay phim Trịnh Quang Tùng sau hai phim cùng đề tài hậu chiến. Có lẽ vì thế, họ có sự đồng điệu để cùng nhau mang tới tác phẩm từ góc nhìn mới mẻ, văn minh của những người làm nghề trẻ và tâm huyết.

Sự góp mặt của 4 phim Nhà nước rõ ràng không là quá nhiều trong tổng số 16 phim tham dự, đặc biệt là, các hãng phim tư nhân cũng chọn lọc những tác phẩm thực sự chất lượng, có sức hút cả ở nội dung lẫn thị trường doanh thu. Trong 5 phim có doanh thu cao nhất của phim Việt Nam đến thời điểm này có đến 3 phim dự LHP năm nay là “Hai Phượng” (doanh thu 200 tỷ đồng), “Cua lợi vợ bầu” (doanh thu 191,8 tỷ đồng), “Lật mặt: Nhà có khách” (doanh thu 117,5 tỷ đồng).

Một câu hỏi đặt ra là liệu có ưu ái nào cho các phim Nhà nước sản xuất hay không? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Không nên phân biệt phim tư nhân hay phim Nhà nước và cũng không có bất cứ sự ưu ái nào dành cho các phim có sự đầu tư của Nhà nước tại các kỳ LHP. Chất lượng nghệ thuật của các phim luôn là tiêu chí đánh giá được đặt lên hàng đầu...

Thực tế là ở thời điểm này, bỏ tư duy phân biệt phim chính là đúng đắn, tạo điều kiện cho các phim có chất lượng được cạnh tranh công bằng. Thêm nữa sự phát triển của điện ảnh trong nước những năm qua đã cho thấy: Phim chất lượng chính là phim có sức hút với khán giả, nhận được phản hồi tốt. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” từng là phim Nhà nước đặt hàng, nhưng doanh thu 80 tỷ, và tạo nên những hiệu ứng rất mạnh mẽ với khán giả, chiến thắng của phim tại các kỳ LHP trước chỉ tạo ra phản ứng là phim xứng đáng, chứ không tạo ra sự phân biệt phim Nhà nước hay tư nhân. Dẫu nói gì, thì sự đa dạng của các thành phần phim, sự quay trở lại của phim Nhà nước rõ ràng là khởi sắc với điện ảnh trong nước.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-nha-nuoc-gop-mat-lieu-co-uu-the-nao-tai-lhp-viet-nam-lan-thu-21-171264.html