Phim Oscar 2021: Truy vấn tương lai mỗi người

Giải Oscar cho nam/nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm nay về tay hai gương mặt gạo cội là Anthony Hopkins và Frances McDormand trong hai phim vô tình đều nói về chặng cuối của đời người ở hai điểm nhìn gần như đối lập.

Anthony Hopkins và Olivia Colman vào vai cha và con gái trong The Father. Ảnh: Imdb

Anthony Hopkins và Olivia Colman vào vai cha và con gái trong The Father. Ảnh: Imdb

Có thể nói Frances McDormand đã góp phần đem lại giải Oscar cho vai nữ chính lần thứ 3 trong sự nghiệp của mình. Vì chính bà đã mua bản quyền kịch bản và “chào hàng” nó với nữ đạo diễn gốc Trung Quốc Chlóe Zhao.

RONG CHƠI ÐẾN HẾT ÐỜI

Phim Nomadland (Xứ sở du cư) dựa theo theo cuốn sách phi hư cấu Xứ của dân du cư: Sống sót tại nước Mỹ trong thế kỷ XXI (2017) của nhà báo Jessica Bruder. Kịch bản không theo kết cấu thông thường, gồm toàn là những sự kiện không mấy bất thường tuần tự diễn ra trong bối cảnh hơi dị thường: lối sống du cư của nhân vật. Nhờ đó người xem được khám phá cả một cộng đồng của những người có cùng lựa chọn.

Chỉ với ba phim đoạt Oscar năm nay đã vạch ra những tuyến đường khác nhau để người ta có thể lựa chọn hoặc tìm cách thích ứng khi về già.

Vừa sống, vừa kiếm tiền dọc đường, vừa du lịch đây đó trên chiếc xe bốn bánh hoặc hơn, to/nhỏ, tồi tàn hay tiện nghi tùy điều kiện mỗi người. Nó không hẳn lãng mạn như nhiều người tưởng. Nó có thể là kết quả của những gánh nặng ký ức, gánh nặng tài chính hay đơn giản giống như bị giời đày. Dường như nó gây nghiện, nhiều người chọn du cư đến hết đời. Vì đã xác định dành chút thời gian ít ỏi còn lại của cuộc đời để tiếp tục mở rộng tầm mắt, để mỗi ngày được thấy những thứ mới lạ, đơn giản họ là kiểu người không muốn phí thời gian vào những gì quen thuộc…

McDormand vào vai Fern ở tuổi 60 quyết định gắn bó với chiếc xe tuềnh toàng tự chế sau khi chồng chết, nơi ở cũ bị phá bỏ. Nhiều người tỏ ra thương xót cho hoàn cảnh của Fern nhưng thực sự bà khá mạnh mẽ, và đơn giản muốn nuôi dưỡng tình cảm với người chồng quá cố. Vì là người duy nhất trên đời còn mang ký ức về ông. Mà theo bà, một người vẫn sống nếu ký ức về họ chưa bị xóa (bởi những ký ức mới có sức nặng tương đương). Ngoài ra như tất cả những công dân khác của xứ du cư: tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên hoang dã là trải nghiệm quý báu không gì có thể đánh đổi.

Bộ phim cho khán giả một ấn tượng chân thực về những gì Fern thấy, những người Fern gặp dù chỉ thoáng qua trên đường rong ruổi. Phim không dựng lại những đoạn hồi tưởng. Chỉ có hiện tại và đi tới. Đúng như ý định của nhân vật: giữ những ký ức cho riêng mình cùng lúc trân trọng mọi khoảnh khắc hiện tại mà không bám víu vào chúng.

Thành công của Minari - may hơn khôn?! Ảnh: A24

Thành công của Minari - may hơn khôn?! Ảnh: A24

Chẳng phải trong một phút giây nào đó, trong ta cũng le lói xuất hiện con người thích rong ruổi. Và đó chính là cơ sở để ta thấy sự hấp dẫn nơi hành trình của Fern: Mỗi ngày thức dậy ở một nơi khác, không biết điều gì sẽ xảy ra… Lối sống này phổ biến ở Mỹ đến mức có cả một cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau giảm thiểu những rủi ro trên đường. Bạn hoàn toàn không cô đơn (nếu muốn) dọc đường du cư.

Câu chuyện tất nhiên cũng phải có một chút kịch tính vừa đủ nhưng cuối cùng thì đâu lại vào đấy. Kịch tính hay không thì Fern cũng đã chọn lựa rồi. Và bộ phim chỉ ghi lại một chặng như thể bất kỳ trong hành trình buồn vui vừa hạnh phúc vừa đơn độc còn dài của Fern.

Phim theo phong cách nhật ký tài liệu và phóng sự với một số nhân vật chính là người du cư thật đóng vai chính mình. Ngoại hình và diễn xuất của họ đem lại cảm giác vô cùng thật. Nhưng những cử động cơ mặt tinh tế trong từng khoảnh khắc tất nhiên chỉ McDormand mới thể hiện được. Đầu phim bà luôn mang vẻ mặt của một con người vừa trải qua mất mát, cố giấu sự mong manh. Tuy nhiên càng về sau càng cho thấy sự kiên định. Có khi một phần vì bà diễn quá đạt những đoạn hồi tưởng một mình, nên khỏi cần phải dựng lại những ký ức riêng tư kia nữa (!).

“TẤN TRÒ” TRONG VIỆN DƯỠNG LÃO

Mượn bệnh người già, biên kịch kiêm đạo diễn người Pháp Florian Zeller đem lại một cách kể hoàn toàn mới. Bình thường người bệnh sẽ được đặt ở vị trí nạn nhân, cần được thương cảm bao dung và săn sóc, dù cho có gây ra bao rắc rối khó xử cho người thân. Nhưng trong The Father (Người cha), nhân vật suy giảm trí nhớ và hoang tưởng trở thành chủ thể. Khán giả như được đột nhập vào trí não của Anthony (tên nhân vật và diễn viên trùng nhau) để thấy ông đánh vật với hiện thực do chính mình “sáng tạo” và biến đổi không ngừng ra sao.

Đem lại những cảm xúc thương cảm, “sến sẩm” không phải là mục đích (chính) của bộ phim được chuyển thể từ vở kịch của chính đạo diễn. Nó đơn giản cho khán giả một trải nghiệm về một câu chuyện mới. Các nhân vật thay hình đổi dạng, tráo vai cho nhau đầy ngẫu hứng theo một nguyên tắc mà chính “tác giả” (là ông già hoang tưởng) cũng không kiểm soát được. “Tác giả” đến lượt mình cũng quỵ ngã vì cuối cùng cũng chẳng biết mình là ai trong tấn kịch do chính mình tạo nên. Ở phút cuối khi thốt lên “tôi đã đánh mất những cuộc đời” (do đồng âm nên cô y tá lại tưởng là “những chiếc lá”) lại là một khoảnh khắc tỉnh táo của Anthony. Ông đau khổ vì mọi phương án mà mình tạo tác đều sụp đổ. Người ta có quyền tiếc thương cũng như cảm thấy an toàn khi sống trong những hoang tưởng của bản thân có phải?!

Mặc dù câu chuyện nếu theo cách nhìn của người tỉnh táo là chẳng có gì nhưng do thay đổi điểm nhìn mà The Father khiến khán giả say sưa theo dõi và liên tục bị Anthony đưa từ bất ngờ này sang ngạc nhiên khác. Vai Anthony đòi hỏi sự biến ảo trong diễn xuất mà chỉ những diễn viên thượng thừa như Hopkins mới có thể đáp ứng. Tuy nhiên ngược lại đây cũng là loại vai đem lại nhiều đất cho diễn viên khai thác. Chính bản thân Hopkins cũng bị tác động mạnh khi đóng một cảnh mà trong đó ông đã khóc thật (không dùng kỹ thuật), khiến ông phải nghỉ mấy ngày trước khi vào quay cảnh mới. Nếu xem phim bạn sẽ nhận ngay ra cảnh này và sẽ không tránh khỏi hoang mang: nó là thật hay chỉ là ảo ảnh trong trí não đang suy tàn của nhân vật?!

Không biết có phải xu hướng của Oscar năm nay là tôn vinh những nhân vật và câu chuyện về tuổi xế chiều không mà vai bà già Hàn Quốc lạc bước tới đồng quê Mỹ trong Minari (tên riêng chỉ một loại rau cần phổ biến ở Hàn Quốc) cũng đem lại cho Youn Yuh-jung tượng vàng danh giá.

Cố gắng xoáy vào “giấc mơ Mỹ” của người Hàn vào những năm 1980, song Minari thực sự vẫn không thể sánh với những đại diện xuất sắc của điện ảnh Hàn Quốc những năm gần đây. Dù sao Minari cũng góp thêm một lựa chọn sống nữa của người cao tuổi không mới trong xã hội châu Á nhưng vẫn lạ với phương Tây: Người già dành những năm tháng cuối đời tiếp tục lo lắng cho con cháu. Nếu đẩy bi kịch của người bà lên trung tâm chắc chắn phim sẽ gây ấn tượng hơn.

Chỉ với ba phim đoạt Oscar năm nay đã vạch ra những tuyến đường khác nhau để người ta có thể lựa chọn hoặc tìm cách thích ứng khi về già.

Nguyễn Mạnh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phim-oscar-2021-truy-van-tuong-lai-moi-nguoi-post1332065.tpo