Phim remake gặp khó tìm 'đất diễn' ở Việt Nam

Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng xem truyền hình trả phí theo yêu cầu như OTT, VOD đã tạo ra làn sóng phim ngoại du nhập vào Việt Nam. Cùng một thời điểm, người xem có thể trực tiếp theo dõi các bộ phim đang có sức hút tại nhiều quốc gia khác nhau. Trong bối cảnh nhộn nhịp của thị trường phim truyền hình, nhiều nhà làm phim cho rằng đã qua thời kỳ huy hoàng của dòng phim remake (phim làm lại từ kịch bản gốc nước ngoài), thay vào đó, khán giả ngày càng chuộng phim thuần Việt.

Được bảo chứng từ bản gốc, phim remake vẫn không đủ “hot”

Phim remake đã quen thuộc với người dân Việt Nam từ 5-10 năm trước, có thời gian dài trên sóng truyền hình, ngoài phim bộ Hàn, phim Ấn Độ, Hồng Kong dài tập, không ít phim điện ảnh, truyền hình Việt đã mua bản quyền kịch bản gốc của những bộ phim đình đám ở các nước như Hàn Quốc, Mỹ… để làm thành phiên bản Việt. Chính sự thành công của bản gốc, các đơn vị sản xuất cho rằng làm phim remake không “dễ ăn” ở thị trường Việt, đặc biệt khi khán giả ngày càng kỳ vọng cao hơn vào các sản phẩm giải trí Việt.

Phim truyền hình Hàn Quốc có tên Good Doctor (2013) sau khi được một số quốc gia khác làm lại như Mỹ, Nhật Bản, mới đây, phiên bản Việt có tên là Doctor Lof – Bác sĩ hạnh phúc, cũng remake từ kịch bản gốc này và hiện đang phát sóng trên một số kênh VOD như Netflix, Danet, kênh Youtube Film Box của BHD.

Buổi họp báo ra mắt phim Bác sĩ hạnh phúc bản Việt. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Buổi họp báo ra mắt phim Bác sĩ hạnh phúc bản Việt. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó Tổng giám đốc công ty BHD, đại diện phát hành phim cho biết lý do chọn chuyển thể bộ phim đã ra mắt khán giả từ 10 năm trước ở Hàn Quốc thay vì tạo ra kịch bản mới với chủ đề tương tự là vì những thay đổi từ dịch Covid-19 xuất hiện.

Bà cho hay dự án đầu tiên đơn vị chọn lựa sản xuất chính là bộ phim về đề tài bác sĩ như một lời cảm ơn thiết thực nhất với tất cả đội ngũ y, bác sĩ trong ngành y. Sau những tháng ngày họ phải đối diện với cái chết của bệnh nhân và có thể của chính mình. Hơn nữa, bộ phim này còn kể về một bác sĩ bị bệnh tự kỷ, nhưng bằng tài năng thiên bẩm và trái tim ấm áp đã luôn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho bệnh nhân của mình. Vì vậy nó dễ chạm tới trái tim khán giả.

Bà nhận định làm một phim về đề tài ngành y có rất nhiều chuyên môn nên không dễ để viết kịch bản, cần đầu tư rất nhiều thời gian cho nó. “Chúng tôi chọn dự án này, còn vì lý do thời điểm đúng lúc để phát sóng. Dù làm ngay sau đại dịch nhưng bây giờ chúng tôi mới hoàn thiện để công chiếu”, bà nói.

Nhiều người có chuyên môn cho rằng làm phim chuyển thể từng tạo ra làn sóng thu hút khán giả trong nước khoảng vài năm về trước. Không ít đạo diễn, nhà sản xuất lúc này chi mạnh tay vào các dự án chuyển thể, săn lùng kịch bản “hot” ở quốc gia đó để làm thành bản Việt phục vụ khán giả nội địa.

Tuy vậy, bà Bích Hiền khẳng định làm phim remake vừa có điểm mạnh, vừa có điểm yếu vì phim đã được bảo chứng trước về độ hấp dẫn nhưng đó cũng chính là điểm yếu vì khán giả đã yêu thích diễn viên của phiên bản gốc và sẽ có so sánh. Hơn nữa, chi phí sản xuất của Hàn quốc và Mỹ cao hơn mình rất nhiều, nhà sản xuất Việt chỉ cố gắng thể hiện tốt nhất trong nguồn kinh phí cho phép. Bên cạnh đó, biến động kinh tế 2023, chi phí quảng cáo, tài trợ từ các doanh nghiệp, nhãn hàng cho phim cũng bị ảnh hưởng.

Dàn diễn viên trẻ triển vọng đóng vai chính trong phim Doctor Lof – Bác sĩ hạnh phúc. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Dàn diễn viên trẻ triển vọng đóng vai chính trong phim Doctor Lof – Bác sĩ hạnh phúc. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Được biết, phim đang phát trên các nền tảng VOD quốc tế lẫn nội địa, đây không phải là hướng đi mới vì hiện có nhiều nhà sản xuất đã chọn phát trên các nền tảng khác nhau thay vì trên ti vi. Yêu cầu trình chiếu phim lên các ứng dụng Việt Nam cũng đã theo chuẩn quốc tế, nên việc xuất hiện trên Netflix giờ đây cũng dễ dàng hơn trước nhiều.

Ngoài ra, thói quen xem phim trả tiền cũng ngày một dần trở nên quen thuộc, đặc biệt là các bạn trẻ. Mặc dù so với dân số Việt Nam, lượng người tiêu thụ dịch vụ này chưa nhiều, doanh thu phim từ nền tảng này không đủ bứt phá trong giai đoạn này, nhưng kỳ vọng của người làm phim luôn mong muốn tạo ra những sản phẩm chất lượng để giữ chân khán giả về lâu dài.

Khán giả vẫn dành tình cảm cho phim Việt

Để chiếm thị phần lớn khán giả trong nước sử dụng ứng dụng VOD Việt, đạo diễn Trần Toàn, từng làm phim cho nền tảng truyền hình trả phí, cho rằng đơn vị đó cần sản xuất nhiều nội dung phim Việt.

Sản phẩm mang đậm văn hóa, bản sắc Việt thì mới thu hút và giữ chân lâu tệp lớn người xem trong nước, bởi lẽ đó là nét riêng của ứng dụng nội địa so với app quốc tế như Netflix, ứng dụng chiếu các thể loại phim từ đa quốc gia. “Từng có nhiều bản remake khán giả mong chờ nhưng không hay như kỳ vọng bản gốc nên khán giả cũng dần bỏ sở thích này. Bây giờ cũng có nhiều phim chọn lấy cái tứ của Hàn Quốc, học khéo theo để khai thác thành phim của mình”, ông Trần Toàn chia sẻ.

Ông cho rằng thói quen xem phim Việt của chúng ta vẫn luôn còn đó, những người mẹ nội trợ, người già về hưu luôn có nhu cầu thích xem phim dùng chính tiếng mẹ đẻ. Đó là lý do các kênh truyền hình truyền thống vẫn duy trì khung giờ chiếu phim Việt Nam, dù sự phát triển của đa nền tảng rất mạnh mẽ từ nhiều năm nay, dễ lôi người dùng từ kênh khác qua bất cứ lúc nào.

Vị đạo diễn đánh giá phim Việt đang có hiệu ứng tốt từ cả truyền hình lẫn điện ảnh. Phòng vé đại thắng 1.000 tỷ đầu năm nay từ các dự án thuần Việt là minh chứng. Các đề tài quen thuộc như gia đình vẫn có thể triển khai tiếp nhiều chủ đề để làm, quan trọng là cách làm sao để không cũ. Cụ thể ở cách thể hiện kịch bản câu chuyện, cách khai thác hình ảnh, thông điệp truyền tải, phong cách, màu phim…

Một phân cảnh của diễn viên chính trong vai bác sĩ tự kỷ của phim Doctor Lof bản Việt. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Một phân cảnh của diễn viên chính trong vai bác sĩ tự kỷ của phim Doctor Lof bản Việt. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Biên kịch Nhung Khìn, hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh nhiều năm, cũng nhận định nếu làm phim remake khó thì tại sao không đầu tư làm luôn bản gốc. “Chúng ta không có nhiều điều kiện làm phim chuyển thể tốt hơn bản gốc thì nên làm cái riêng. Bây giờ mọi người không chuộng remake. Như xưa rộ lên vì ta chưa có nhiều nguồn kịch bản mới, biên kịch viết chưa dày, thị trường sáng tạo chững lại nhưng nhu cầu người xem luôn có, để đáp ứng kịp thời thì ta mới tìm kiếm bên ngoài, cụ thể là các quốc gia phát triển trước về lĩnh vực giải trí”, chị nói.

Bây giờ thời thế thay đổi, nữ biên kịch cho rằng sự tiếp cận, giao thoa, thế hệ mới làm nghề mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thì giới làm phim nên tìm cảm hứng từ chính đất nước của mình, tạo nên những sản phẩm bản địa, có chất riêng, phục vụ chính khán giả Việt.

An Phú

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phim-remake-gap-kho-tim-dat-dien-o-viet-nam/