Phim tài liệu: Chảy mãi những con sóng ân tình

Những ký ức về Tây Nguyên sau 40 năm đã chẳng thể ngủ yên trong lòng những người dân Campuchia , thôi thúc họ trở về chốn xưa. Nơi đó họ thêm một lần được sinh ra, nơi đó đã có hàng nghìn đứa trẻ ra đời, được nuôi dưỡng được sống trong sự bao bọc chở che của những người bạn Việt Nam. Nơi đó cho họ hy vọng và tương lai.

Không chỉ có chiến trường Đông Bắc, mà quân tình nguyện Việt Nam đã có mặt ở nhiều chiến trường trên đất Camuchia từ năm 1978 cho đến ngày giải phóng và ở lại 10 năm sau chiến tranh cùng nhân dân giải quyết một cách cơ bản hiểm họa Pôn Pốt, hồi sinh đất nước chùa tháp, ngăn chặn chiến tranh và chế độ diệt chủng quay trở lại. Sự hy sinh của Việt Nam không chỉ là nhường cơm sẻ áo, không chỉ là xương máu mà còn hy sinh những năm tháng phát triển đất nước. Bởi hơn 10 năm quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và nhiều năm sau đó, Việt Nam bị cô lập và cấm vận do thế giới vẫn bị bịt mắt bởi những thông tin không đúng sự thật.

Bình thản để đi qua những năm tháng khó khăn ấy, với đường lối đối ngoại minh bạch, tôn trọng quyền tự chủ của bạn, thời gian càng lùi xa, thực tiễn càng minh chứng cho tính chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến này. Lịch sử và quá khứ ấy cũng là tài sản vô giá minh chứng cho tình đoàn kết của hai dân tộc.

Từ núi rừng Jabooc đến làng Vân Sai, từ cửa khẩu Hoa Lư nơi Thủ tướng Hunsen bắt đầu con đường cứu nước, những cánh rừng cao su bạt ngàn trù phú nối tiếp nhau trải dài trên nhiều tỉnh thành ở đất nước Campuchia. Năm 2007, thực hiện chủ trương hợp tác trồng 100.000 ha cao su giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia, Tập đoàn Cao su đã thành lập 16 công ty con với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,8 tỷ USD. 15 năm phát triển dự án ở Campuchia là một hành trình vô vàn gian nan, vất vả . Những người tiên phong của tập đoàn Cao su đã trèo đèo, lội suối, băng rừng để khai hoang, cắm mốc và viết lên một khúc ca thấm đẫm tình đất, tình người.

Trong hành trình công tác trên đất nước bạn để thực hiện bộ phim này, chúng tôi cứ luôn gặp được những câu chuyện ân tình như thế, những di sản để lại của thế hệ trước là niềm tự hào để thế hệ sau bước tiếp . Những ân tình mà người dân hai đất nước dành cho nhau có thể ẩn sâu ở đâu đó dưới những bình yên của cuộc sống, bên cạnh dòng sông Mê Koong hiền h òa và trong trái tim những người con của hai dân tộc. Dòng sông Mekong có thể có mùa đầy mùa vơi nhưng chẳng bao giờ có thể cạn, dòng sông ấy bắt đầu từ những chi lưu nhỏ của dòng sông Sa Thầy xã Ja Booc năm xưa, của dòng sông Sesan qua bản Ka Chồn dưới, nơi tưới tắm tâm hồn cho những người dân Campuchia sâu nặng nghĩa tình với Việt Nam , h ay là từ Biển Hồ nơi hàng trăm, hàng ngàn người dân gốc Việt đang tìm cách để mưu sinh và phát triển. Tất cả các dòng sông ấy đều hòa chung vào dòng sông Mekong hùng vĩ, bồi đắp và tưới mát cho những cánh đồng bát ngát dọc đôi bờ, mang cá tôm nuôi dưỡng người dân của hai dân tộc. Dòng sông ấy sẽ chảy mãi như mạch nguồn ân tình giữa hai dân tộc, thao thiết chảy mãi từ thế hệ này qua thế hệ khác và chảy mãi đến muôn đời.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phim-tai-lieu-chay-mai-nhung-con-song-an-tinh