Phim tài liệu: Làng tranh Đông Hồ

Làng Đông Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vốn nổi tiếng với nghề làm tranh. Dân gian vẫn truyền tụng câu ca: 'Hỡi anh đi đường cái quan/ Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu/ Mua tờ tranh điệp tươi màu/ Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều', còn nhà thơ Hoàng Cầm khi sáng tác bài thơ 'Bên kia sông Đuống' thì đã viết: 'Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp'.

Tranh Đông Hồ là tranh in từ ván khắc gỗ, tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu mẫu ván khắc gỗ với màu tương ứng. Được lấy hoàn toàn từ thiên nhiên, nên màu sơn vẽ của tranh Đông Hồ tuy đơn giản nhưng lại rất đặc biệt. Tranh còn sử dụng thứ giấy dó nền điệp vô cùng đặc biệt. Giấy mỏng nhẹ, dai, lại xốp, nổi vân dó, dễ hút màu.

Có thể thấy, rất nhiều công phu của người nghệ nhân tìm tòi sáng tạo, từ khổ ván hợp với cữ tay in, đến việc chọn gỗ và cách khắc sao cho in lên nét đẹp lại lâu bền với thời gian.

Đến nay, tranh Đông Hồ vẫn được lưu giữ, phát triển và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hôm nay, chúng tôi mời quý vị cùng tìm hiểu về kĩ thuật làm tranh của làng nghề truyền thống này, qua phim tài liệu “LÀNG TRANH ĐÔNG HỒ”, của đạo diễn Phạm Cường (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương).

Sau đây, mời quý vị cùng xem phim!

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phim-tai-lieu-lang-tranh-dong-ho-181077.htm