Phim Tết 2024: Tìm lạ trong quen
Phim tết phải vui, đồng thời hướng đến những giá trị truyền thống, gia đình… đó là điều nhà làm phim nào cũng tâm niệm. Thế nhưng, làm phim tết để chạm đến cảm xúc khán giả, để mỗi người thấy bản thân mình trong đó đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải nỗ lực gấp bội.
Tiếng nói đồng điệu
3 bộ phim đã công bố kế hoạch ra rạp dịp Tết Nguyên đán 2024 gồm: Mai (đạo diễn Trấn Thành), Sáng đèn (Hoàng Tuấn Cường), Gặp lại chị bầu (Nhất Trung) là 3 câu chuyện khác nhau nhưng có một điểm chung, đó là tiếng cười và sự ấm áp của tình thân, tình người. “Tôi tin khán giả luôn cần và thích những câu chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng vẫn mang đến cảm xúc, sự sâu lắng để thưởng thức vào mỗi dịp tết”, đạo diễn Nhất Trung chia sẻ.
Mai là câu chuyện dở khóc dở cười về mối tình chị em lãng mạn nhưng cũng không ít điều tréo ngoe. Đạo diễn Trấn Thành chia sẻ: “Tôi yêu và trân trọng những người phụ nữ. Họ có rất nhiều góc khuất và câu chuyện chưa được nói ra. Tôi muốn làm một điều gì đó để mọi người xem và cảm nhận, cùng nhau đồng cảm và trân trọng người phụ nữ nhiều hơn”.
Tiếng cười ở Gặp lại chị bầu mang đậm nét về hành trình thanh xuân đáng nhớ nơi có tình bạn, tình yêu nảy nở và thăng hoa. Cảm nhận vẻ đẹp của người phụ nữ trong thời kỳ mang bầu, sinh con vô cùng thiêng liêng, ý nghĩa cũng là cảm hứng để đạo diễn Nhất Trung tiếp tục mảng đề tài này. Còn trong Sáng đèn, giữa hoàn cảnh ngặt nghèo để lèo lái, giữ cho gánh hát được tiếp tục hoạt động thì tiếng cười, sự đoàn kết, gắn bó, đồng cam cộng khổ chính là liều thuốc giúp họ vượt qua tất cả.
Một dự án điện ảnh khác cũng lên kế hoạch ra mắt tết này là Trà (Lê Hoàng) với sự tham gia của các diễn viên: Đoàn Trinh, Trương Minh Quốc Thái, Việt Hương... Theo tiết lộ ban đầu, bộ phim thuộc thể loại tâm lý - tình cảm, khai thác một vấn đề nhức nhối trong hôn nhân: ngoại tình. Không chỉ với phim điện ảnh, công thức nói trên còn đúng với cả phim truyền hình.
Trong Xuân à, cưới nha! (Nguyễn Đức Nhật Thanh) nhà sản xuất (NSX) Khoa Nguyễn tiết lộ, phim có nội dung xoay quanh tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình và những khác biệt thế hệ nhưng được thể hiện dưới lăng kính vừa hài hước, vui nhộn nhưng cũng có không ít phút giây lắng đọng. Còn ở Long phụng sum vầy, câu chuyện không chỉ khắc họa mối tình “oan gia” đầy gay cấn, cười ra nước mắt mà còn lồng ghép vào đó tình cảm quân dân ấm áp, gắn bó. Đặc biệt, như chia sẻ của đạo diễn Đặng Minh Quốc, yếu tố truyền thống cũng được đan cài khéo léo: “Nghề múa lân sư rồng sẽ là sợi chỉ đỏ kết nối tinh thần dân tộc, tinh thần thượng võ, gắn kết con người mỗi dịp tết đến, xuân về”.
Khi có nhiều phim, khán giả có nhiều lựa chọn, doanh thu rạp bùng nổ sẽ tốt hơn thay vì chỉ có một phim thắng. Chúng tôi luôn ủng hộ phim được làm nghiêm túc, chất lượng để giúp thị trường phim ảnh ngày càng tốt hơn - Đạo diễn NHẤT TRUNG
Ăn tết ở đâu (Lê Minh) lại mang đến bài học để mỗi thành viên trong gia đình nhìn nhận đúng đắn hơn về sự gắn kết và yêu thương. Một màu sắc khá lạ trên màn ảnh nhỏ năm nay là trường hợp Đi về phía lửa (Trần Thanh Huy). Chuyện phim xoay quanh cuộc đời với những bộn bề, tâm tư tình cảm về nghề, về gia đình của 4 người lính trẻ tuổi trong một đội cứu hỏa địa phương. Bên cạnh việc khắc họa những vụ cứu nạn, cứu hộ đầy gian nan, đối mặt với lằn ranh sinh tử, phim còn hé lộ cho khán giả nhiều góc khuất nội tâm và những câu chuyện giàu cảm xúc trong đời sống riêng của những người lính cứu hỏa.
Nỗ lực và nghiêm túc
“Làm phim tết yếu tố áp lực nhất chính là thời gian, phải chạy đua sản xuất để kịp tiến độ phát sóng. Phim tết mà không phát sóng được trong các ngày tết đâu còn ý nghĩa gì. Vì áp lực thời gian nên mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ kịch bản, công tác lựa chọn diễn viên, chuẩn bị sản xuất, quay, hậu kỳ… đều luôn trong tình trạng khẩn trương”, NSX Khoa Nguyễn chia sẻ.
Đó cũng là lý do mà từ tháng 5, ê kíp phim Long phụng sum vầy đã khởi động và đặt kế hoạch phim phải hoàn thành trong tháng 12 để kịp chào bán cho các đài truyền hình. Áp lực thời gian càng đè nặng hơn đối với các đơn vị sản xuất phim điện ảnh. Thời gian này, ê kíp phim Sáng đèn đang chạy đua cho khâu hậu kỳ sau quá trình ghi hình ở nhiều tỉnh thành: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang… NSX Tường Vi (phim Mai) nêu một trong những khó khăn lớn nhất khi sản xuất phim tết là khả năng đảm bảo thời gian tiền kỳ, sản xuất, hậu kỳ cho phim.
Chị phân tích: “Đôi khi NSX đặt ra kế hoạch làm phim để chiếu tết vì đây là dịp dễ có doanh thu cao nhưng kịch bản chưa sẵn sàng, chưa đủ thời gian cho khâu tiền kỳ, sản xuất hoặc hậu kỳ… đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phim. Mà nhiều phim kém chất lượng ra rạp thì khán giả dễ mất niềm tin vào phim Việt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường chứ không riêng một phim nào”.
Chính vì thế, các phim điện ảnh thường được chuẩn bị từ khá lâu, như Mai được Trấn Thành ấp ủ trước cả Nhà bà Nữ. Từ 3 năm trước, anh đã bắt tay vào chuẩn bị kịch bản, đầu tư mạnh vào kỹ thuật, máy móc, khai thác và phục dựng những bối cảnh đặc biệt trong quá trình sản xuất. Còn với Gặp lại chị bầu, đạo diễn Nhất Trung đã rút kinh nghiệm từ các dự án trước nên cũng đã chuẩn bị dài hơi hơn, chỉn chu hơn. Áp lực hơn cả chính là làm thế nào để nâng chất phim.
Theo đạo diễn Đặng Minh Quốc, việc tìm đề tài cho phim truyền hình ngày càng khó vì năm nào cũng làm. Chưa kể, với thời lượng ngắn yêu cầu phim càng phải súc tích hơn. Riêng về các mảng miếng hài, mỗi năm lại có xu hướng khác nhau. NSX Khoa Nguyễn cũng cho rằng vì luôn hướng tới việc mang đến tiếng cười, niềm vui, những thông điệp tích cực cho người xem nên nội dung kịch bản cũng là yếu tố được lựa chọn, xử lý cẩn thận để đáp ứng được các tiêu chí này.
Đối với phim điện ảnh, nói như NSX Tường Vi, chỉ có chất lượng phim mới thu hút khán giả đến rạp. Mà điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ kịch bản, đề tài, tay nghề đạo diễn đến số tiền đầu tư vào mỗi dự án. Mùa phim tết là “thời điểm vàng”, nhất là với phim điện ảnh vì đây là dịp lễ lớn nhất trong năm. Nhận định về cuộc đua phim tết năm nay, NSX Tường Vi cho biết, tính đến thời điểm hiện tại số lượng 3 phim là không nhiều cũng không ít. Mỗi phim có thế mạnh riêng từ tên tuổi đạo diễn, ê kíp, đơn vị phát hành đến thể loại phim. Điều này giúp cho khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn. “Nói là cuộc đua chứ thực ra các NSX đều mong muốn tất cả các phim thắng cả về doanh thu lẫn cảm tình từ khán giả, bởi ai cũng rất mong thị trường phim lớn lên, nở ra”, NSX Tường Vi bày tỏ.
Trong tốp 10 phim có doanh thu cao nhất thị trường điện ảnh Việt năm qua, có 2 phim của mùa phim Tết 2023 là Nhà bà Nữ (459 tỷ đồng) và Chị chị em em 2 (117 tỷ đồng). Đặc biệt, có 6 phim Việt từng chiếu tết vượt mốc doanh thu trăm tỷ đồng là căn cứ cho thấy mùa phim tết vẫn là thời điểm đầy hấp dẫn, nhất là khi khán giả Việt luôn ủng hộ phim Việt.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phim-tet-2024-tim-la-trong-quen-post721590.html