Phim Tết Hong Kong trôi vào dĩ vãng
Thập niên 1980-1990, điện ảnh Hong Kong phát triển rực rỡ. Ngoài phim võ thuật đã đưa nhiều ngôi sao vươn tầm quốc tế, dòng phim Tết cũng thành công vang dội.
Không chỉ Việt Nam, thị trường điện ảnh Hoa ngữ cũng có mùa phim Tết - thời điểm quan trọng nhất trong năm của giới làm phim. Và giai đoạn hoàng kim nhất của phim điện ảnh chiếu Tết là vào thập niên 1980-1990, khi những bộ phim hài đến từ thị trường Hong Kong có thể đánh bại những ngôi sao tầm cỡ quốc tế như Lý Tiểu Long, Thành Long, Châu Nhuận Phát... và các tác phẩm của họ.
Các ngôi sao quốc tế bị đè bẹp bởi phim Tết
Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt, Châu Nhuật Phát… có thể là những ngôi sao điện ảnh toàn cầu thay vì chỉ bó hẹp trong phạm vi điện ảnh Trung Quốc.
Nhưng so với những tác phẩm đã giúp họ vang danh, khán giả Hong Kong vẫn yêu thích các tác phẩm kinh điển được chiếu trong mùa phim Tết Nguyên đán hàng năm hơn, như All’s Well, End’s Well (Gia hữu hỷ sự - 1992) và My Lucky Star (Hành vận siêu nhiên - 2003) và vô số bộ phim Tết thành công khác. Dù thực tế, những phim trên không gây được tiếng vang lớn ở nước ngoài.
Một trong những phim Tết thành công nhất của điện ảnh Hong Kong là It’s a Mad, Mad, Mad World (Phúc quý bức nhân), được phát hành năm 1987 và thu tới 27 triệu HKD (3,5 triệu USD), nhưng khán giả quốc tế hiếm ai biết bộ phim này từng tồn tại (dù giờ đây bạn có thể xem lại trên Netflix).
Nếu phỏng vấn những khán giả châu Âu hoặc thậm chí là ở ngay cả châu Á rằng bộ phim Hong Kong nổi tiếng và yêu thích nhất của họ là gì, câu trả lời sẽ là danh sách dài các tác phẩm hành động, võ thuật kinh điển. Đó có thể là những bộ phim hành động mang tính đặc trưng của Ngô Vũ Sâm như A Better Tomorrow (Anh hùng bản sắc) hoặc Hard Boiled (Lạt thủ thần thám) với các diễn viên tên tuổi như Châu Nhuật Phát, Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ…
Đó cũng có thể là những tác phẩm kinh điển của Lý Tiểu Long hay sau này là Thành Long với các phim hài võ thuật vui nhộn như A Police Story (Câu chuyện cảnh sát) hoặc Kế hoạch A (Project A) – hai bộ phim đưa tên tuổi ngôi sao trên nổi tiếng toàn cầu.
Với những khán giả thích phim nghệ thuật hoặc có chiều sâu hơn, họ có thể đề xuất các bộ phim của Vương Gia Vệ hoặc An Hui. Dù luôn có sự tham gia của dàn sao tài năng và nổi tiếng như Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc… phim của hai đạo diễn trên hiếm khi thành công tại phòng vé nội địa.
Và dĩ nhiên, hiếm ai đề cập đến một bộ phim chiếu Tết Nguyên đán như Gia hữu hỷ sự (1992) – bộ phim có doanh thu cao gấp đôi Lạt thủ thần thám và sau đó ra tiếp 7 phần nữa, trở thành loạt phim Tết thành công nhất và không thể thiếu trong mỗi mùa Tết của người dân Hong Kong.
Một trong những điều trớ trêu của điện ảnh Hong Kong thập niên 1980-1990 là những ngôi sao nổi tiếng toàn cầu lại ít khi có phim thành công lớn ở nội địa. Thành Long, Châu Nhuận Phát và Lý Liên Kiệt là những ngôi sao như vậy. Tên tuổi họ vang danh quốc tế và vẫn nổi tiếng ở quê hương họ, nhưng phim của họ hiếm khi đạt vị trí số 1 tại phòng vé trong mùa phim lễ hội lớn nhất năm.
Vinh dự đó thường đến với những bộ phim hài chiếu Tết. Và dù thành công rực rỡ ở Hong Kong, các tác phẩm trên ít được biết đến ở phạm vi quốc tế. Nhưng đây không phải điều quá mức đáng ngạc nhiên nếu khán giả có hứng thú nghiên cứu kỹ về thị hiếu của khán giả Hong Kong trong hai thập niên cuối thế kỷ 20.
Bí quyết làm nên thành công của các tác phẩm phim Tết kinh điển
Định nghĩa là “phim Tết Nguyên đán” có thể còn khá mơ hồ. Phim hài lãng mạn The Eight Happiness (Bát tinh báo hỷ), phim nhại kiếm hiệp The Eagle Shooting Heroes (Đông thành Tây tựu) và phim cờ bạc God of Gamblers (Thần bài) đều được chiếu trong dịp Tết, nhưng cả ba có đủ tiêu chuẩn để gọi là “phim Tết” không?
Điều này cũng tương tự ở Hollywood, khi người ta coi các bộ phim bom tấn như Jaws (Hàm cá mập), Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) và The Dark Knight (Hiệp sĩ bóng đêm) là phim mùa hè vậy.
Nữ tiến sĩ Fiona Law của trường ĐH Hong Kong - người từng có bằng tiến sĩ với đề tài “phim Tết Nguyên đán” - cho rằng khó để gọi tất cả bộ phim này là phim Tết. Đơn giản, đây chỉ là cách các hãng phim tiếp thị và xây dựng thương hiệu, cũng như dán nhãn phim để thu hút khán giả trong mùa lễ hội hàng năm.
Những bộ phim Tết đúng chất nhất của điện ảnh Hong Kong thường tập trung khai thác những câu chuyện vui vẻ hài hước, và tất nhiên đề tài của chúng là sự giàu có, vận may, tình duyên hạnh phúc.
Xu hướng này bắt nguồn từ chính nguồn gốc thể loại mang tính đặc trưng của điện ảnh Hoa ngữ. Phim Tết Nguyên đán đầu tiên được ghi nhận là Bloom and Prosper của Tang Xiaodan, được làm từ năm 1937. Bản phim này đã bị thất lạc, nhưng một vài chi tiết còn sót lại cho biết cốt truyện phim tập trung vào chuyện trúng số và được quảng bá mạnh mẽ như một “bộ phim Tết của Trung Quốc”.
Sự giàu có và vận may – hai chủ đề này thường song hành trong các bộ phim chiếu Tết và được điện ảnh Hong Kong khai thác để câu khách. Bộ phim Phúc quý bức nhân (1987) là ví dụ điển hình. Phim tập trung vào một gia đình gặp nhiều may mắn và tìm vận may nhờ trúng số.
Bát tinh báo hỷ của đạo diễn Đỗ Kỳ Phong với dàn sao Châu Nhuận Phát, Trương Học Hữu, Trịnh Du Linh, Chung Sở Hồng đã đạt doanh thu 37 triệu HKD vào năm 1988. Phim tập trung vào câu chuyện tình duyên và may mắn với cái kết, tất nhiên phải là “happy ending”.
Hành vận siêu nhiên gần như chỉ tập trung vào chuyện may rủi trong tình duyên và cuộc sống. Đây là một trong những bộ phim hiện đại vui nhộn nhất của điện ảnh Hong Kong trước khi lụi tàn.
Phim kể về người phụ nữ (Dương Thiên Hoa đóng) gặp những điều xui xẻo liên miên. Cô gặp thầy phong thủy nổi tiếng (Lương Triều Vỹ) để tìm ra nguyên nhân “vận đen” và tìm cách giải lời nguyền. Tác phẩm thành công lớn bởi khán giả không nghĩ một tên tuổi như Lương Triều Vỹ, thường bị “dán mác” chỉ đóng những phim lãng mạn sầu muộn của Vương Gia Vệ, lại đóng phim hài duyên đến thế.
Đối với khán giả quốc tế, việc nhấn mạnh vào tiền bạc, vận may hay tình duyên khiến các bộ phim Tết của Hong Kong có vẻ nông cạn. Nhưng tiến sĩ Fiona Law cho rằng chủ đề “thịnh vượng” này xuất xứ từ tâm lý mang tính địa phương của khán giả bản địa.
“Tết Nguyên đán là thời điểm để người Hong Kong hoạch định tương lai. Và người Hong Kong thực sự mê tiền. Trong một đặc khu kinh tế phát triển mạnh mẽ như Hong Kong, không có tiền, bạn sẽ không tồn tại được”, cô nói.
Trong thời kỳ bùng nổ tài chính và kinh tế ở hai thập niên cuối thế kỷ 20, người dân Hong Kong kiếm tiền khá tốt nếu họ làm việc thực sự chăm chỉ và họ còn tin vào vận may "trời ban". Đó là lý do khiến các nhà làm phim xoáy sâu vào chủ đề tiền tài để thu hút khán giả.
Bên cạnh chủ đề giàu có, vận may, một chủ đề khác cũng “ăn nên làm ra” là những bộ phim về tình duyên hay định mệnh. Các bộ phim trên phải lôi kéo càng nhiều sao hạng A tham gia càng tốt. Và đây cũng là dịp các ngôi sao hạng A chiều chuộng khán giả, với những bộ phim có vẻ khác xa với con đường sự nghiệp của họ.
Bát tinh báo hỷ và Gia hữu hỷ sự là hai bộ phim kinh điển khai thác chủ đề tình duyên định mệnh, và dĩ nhiên cũng thành công vang dội.
Nếu Bát tinh báo hỷ chỉ có một phim, thì Gia hữu hỷ sự kéo dài tới 8 phần (tập mới nhất ra mắt mùa Tết 2020). Trong tập phim đầu tiên và cũng được đánh giá hay nhất ra mắt vào năm 1992, bộ phim này thu hút dàn sao lớn bao gồm Châu Tinh Trì, Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc và Ngô Quân Như cùng nhiều gương mặt kỳ cựu khác. Phim chỉ tập trung câu chuyện vào một gia đình với ba anh em và những câu chuyện tình duyên lận đận của họ khi mùa xuân đến.
Với những bộ phim như trên, điểm cần chú ý đầu tiên nếu muốn thành công, là kết thúc phải có hậu. Bất kể rắc rối nào, bất kể hành xử tồi tệ nào của nhân vật trước đó cũng đều phải được hóa giải và đem đến một cái kết tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Đừng mong đợi sẽ xem được một cái kết có sự hy sinh dũng cảm hay những cuộc chia tay đẫm nước mắt, bởi phim sẽ cầm chắc sự thất bại.
Các chủ đề về tiền bạc, tình yêu và gia đình, dàn diễn viên toàn sao, kịch bản đủ sức hấp dẫn và một cái kết có hậu – đó là những yếu tố cần thiết để tạo nên một bộ phim Tết Nguyên đán của Hong Kong.
Giới phê bình gọi đó là một phim Tết tinh túy. Nếu thiếu một trong những yếu tố trên, cũng giống như một bộ phim về James Bond mà không có những “đồ chơi” công nghệ sành điệu hay các nhân vật phản diện mưu ma chước quỷ và đặc biệt là “Bond Girl” quyến rũ.
Mặc dù thống trị phòng vé trong nhiều năm, thị hiếu của khán giả Hong Kong với những bộ phim có cùng công thức cũng dần phai nhạt. Các bộ phim Tết với công thức cũ vẫn được thực hiện trong những năm gần đây, nhưng không còn thống trị phòng vé như các thập niên trước.
Và trớ trêu thay, có vẻ thể loại đặc biệt này lại trở thành nạn nhân của chính mình khi khán giả đã nhàm chán với những phim công thức kiểu “mua vui cũng được một vài trống canh”.
Bên cạnh sự xuống dốc của điện ảnh Hong Kong, điện ảnh Đại Lục với những bộ phim Tết đa dạng và đầu tư kinh phí lớn cũng dần lên ngôi, càng khiến những bộ phim Tết mới của Hong Kong ít được khán giả chú ý.
Thay vào đó, họ vẫn nhắc về những bộ phim Tết như Gia hữu hỷ sự, đặc biệt là bản gốc ra mắt năm 1992, bởi đây là tác phẩm kinh điển, quá phổ biến và quan trọng về mặt văn hóa. Bộ phim đã trở thành chuẩn mực và gợi nhớ tới một nền điện ảnh Hong Kong hưng thịnh của thập niên 1990.
Và khán giả cũng không còn nhu cầu xem những bộ phim mới với công thức tương tự nhưng chất lượng đi xuống nhiều lần.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phim-tet-hong-kong-troi-vao-di-vang-post1182682.html