Phim trường phục dựng bối cảnh xưa cũ: Nỗ lực lớn của nhà làm phim Việt
Cùng với nội dung và dàn diễn viên chuyên nghiệp, việc tìm đúng bối cảnh để phục dựng tạo nên phim trường chân thực, sát với thời gian, không gian mà phim miêu tả, là nỗ lực lớn của các nhà làm phim, góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.
Để chọn được bối cảnh đúng như miêu tả trong kịch bản, đặc biệt là các giai đoạn như chiến tranh, thời kỳ cổ phong... là sự cố gắng không ngừng của các nhà làm phim Việt. Bên cạnh phục trang và dàn diễn viên diễn giỏi thì bối cảnh cũng chiếm 50% sự tin tưởng, cảm hứng của khán giả đối với dòng phim xưa cũ. Những phim càng về sau càng đòi hỏi sự tìm tòi nhiều hơn, nếu không muốn lặp đi lặp lại bối cảnh của các phim khác. Bởi thế, khâu tìm bối cảnh xưa cũ để dựng phim trường tốn gần như vài tháng đến cả năm là chuyện thường.

Ê kíp phim “Ðịa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã tái dựng Ðịa đạo Củ Chi trên phim trường để phục vụ quay phim.
Nghệ sĩ Ưu tú - Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền, người được khán giả ví von là “Ông vua phim xưa” của miền Nam vài năm qua, cho biết, bản thân anh sau khi nắm trong tay một kịch bản tốt nhưng vẫn phải bỏ ra thời gian dài bôn ba khắp mọi nơi cùng ê kíp khảo sát và chọn bối cảnh. Với phim xã hội hiện đại thì rất dễ, bởi cái gì cũng sẵn có, nhưng phim bối cảnh xưa đòi hỏi tìm tòi những ngóc ngách “không đụng hàng”, để có được sự mới mẻ và thú vị cho khán giả. Tìm được bối cảnh phù hợp là một chuyện, đoàn phim còn phải phục dựng cho đúng với niên đại câu chuyện được mô tả trong kịch bản.
Ðạo diễn Phương Ðiền kể: "Ðể có “Tiếng sét trong mưa” thành công và được khán giả yêu thích, tôi đã khảo sát hơn 100 căn nhà cổ ở các tỉnh như: Ðồng Tháp, An Giang, Ðồng Nai... Còn khi làm “Lưới trời”, tôi cũng đi khắp miền Tây để tìm bối cảnh sát với kịch bản, sau đó tôi còn tốn thêm 500 triệu đồng để phục dựng một số con phố sao cho giống với giai đoạn mà phim miêu tả nhất. Ðể có phim trường với bối cảnh đúng là việc rất kỳ công”.

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền đã chi nửa tỷ đồng để tái dựng bối cảnh trong “Lưới trời”.
Còn ở phim "Linh miêu: Quỷ nhập tràng", việc tìm bối cảnh và phục dựng sao cho ra chất của gia tộc thời điểm những năm 1960 là cả hành trình của đoàn phim. Ê kíp của Ðạo diễn Lưu Thành Luân mất 3 tháng đi khắp mọi nơi ở Huế để lùng sục các căn nhà kiểu Pháp, nhưng vô vọng, vì nhà cổ ở đây hầu như không có không gian bên ngoài hoặc được bảo tồn, nên không thể quay... Nam đạo diễn chia sẻ: “Chúng tôi cần căn nhà mang kiến trúc Pháp, nhưng vẫn phải có bức bình phong lớn ở trước nhà như nhà rường Huế. Chưa kể, xung quanh nhà phải có vườn rộng để trông tách biệt hẳn với những ngôi nhà khác. May mắn là cuối cùng chúng tôi cũng tìm được ngôi nhà cổ, nằm giữa bãi đất bỏ hoang nhiều năm. Tuy nhiên, mọi thứ ở đây lại hư hỏng nặng. Vậy là cả đoàn phim phải hì hục phục dựng ngôi nhà với mảnh đất hoang này trở thành cơ ngơi của gia tộc vô cùng hoành tráng trên phim mà bạn được xem”.
Một trong những khó khăn lớn nhất khi tạo nên phim trường và phục dựng theo bối cảnh xưa cũ là cân bằng giữa tính thẩm mỹ điện ảnh và độ chính xác trong văn hóa. Ðôi khi có những điều muốn làm cho tốt nhưng không thể thuyết phục chủ sở hữu cho thuê để quay phim, hoặc bối cảnh đã bị thay đổi nhiều theo thời gian, việc phục dựng phải đảm bảo giá trị nguyên bản.
Chuyện phim trường cho bối cảnh những thập niên xưa đã khó, với dòng phim đề tài chiến tranh càng là bài toán khó. Bởi ngày nay, các bối cảnh xưa đều trở thành di tích lịch sử. Một số khu vực nếu muốn quay có cảnh cháy nổ phải xin giấy phép khá phức tạp.

Bối cảnh thập niên 40 trong phim “Lưới trời”.
Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê kíp phim “Ðịa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã lựa chọn giải bài toán rất khó, đó là tái hiện một trong những cuộc chiến cam go nhất của dân tộc, dưới lòng địa đạo. Ðịa đạo Củ Chi được xem là biểu tượng của chiến tranh Nhân dân. Cả đoàn phim đã mất nhiều công sức, thời gian để tái hiện đoạn lịch sử đầy bi hùng đó, đối mặt với vô vàn khó khăn trong sản xuất, yêu cầu làm việc khắc nghiệt. Họ đã tạo ra địa đạo mô phỏng mà ai cũng bất ngờ.
Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Trong địa đạo mô phỏng không có không gian để đặt ánh sáng, rất khó xoay trở cho các thiết bị. Ngoài việc xây dựng phim trường trong nhà, mô phỏng địa đạo trong lòng đất được thử đi thử lại với rất nhiều chất liệu và cách thức. Tất cả đều phải thực hiện bằng tay để có cái nhìn thực tế nhất. Thêm nữa, không gian hẹp không thể dựng ray cho máy quay được. Tôi đã giữ nguyên ánh sáng trong phim chỉ thuần là ánh đèn dầu và đèn pin của các chiến sĩ thay vì sử dụng thêm các thiết bị chiếu sáng khác. Quá trình quay phim này tốn thời gian gấp 6 lần so với những phim điện ảnh khác, vì không gian hạn chế, khiến mọi công đoạn đều bị kéo dài hơn rất nhiều”.
Không thể quay phim trong Ðịa đạo Củ Chi thật, nghĩa là đoàn phim phải mô phỏng lại địa đạo trong phim trường và phải tái hiện thật nhất, chi tiết nhất. Ðiều may mắn và cũng là ánh sáng soi lối cho đoàn phim chính là sự giúp đỡ, tư vấn của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tô Văn Ðực, du kích từng sống và chiến đấu dưới Ðịa đạo Củ Chi.

Bên cạnh set quay địa đạo trong phim trường, đoàn làm phim còn thực hiện những cảnh quay bên ngoài tại cánh rừng ven sông Sài Gòn ở Củ Chi, mang lại cho ê kíp những cảm xúc bồi hồi khó tả.
Sau nhiều lần thử nghiệm, mỗi phần địa đạo trên bối cảnh được tạo từ các chất liệu khác nhau, nhưng lớp cuối cùng vẫn là đất. Sau đó bề mặt sẽ được làm màu, tạo hiệu ứng hoặc thêm rễ cây... để tạo cảm giác chân thực và đa dạng nhất, đánh lừa hoàn toàn thị giác của người xem. Bên cạnh set quay địa đạo trong phim trường, đoàn làm phim còn thực hiện cảnh quay bên ngoài, tại cánh rừng ven sông Sài Gòn ở Củ Chi, mang lại cho ê kíp cảm xúc bồi hồi khó tả. Ðoàn phim đã có điều kiện tái hiện chân thật nhất căn cứ địa đổ nát dưới làn bom của quân đội Mỹ.
Những thước phim truyền hình hay điện ảnh với bối cảnh xưa, đặc biệt là giai đoạn chiến tranh ác liệt mà khán giả xem và lắng đọng cảm xúc, là kết quả từ những giọt mồ hôi của hàng trăm con người đã lao động làm ra. Bối cảnh và phục dựng không chỉ là sự kiên nhẫn mà còn là nỗ lực mang đến giá trị nguyên bản xưa cũ, tái hiện giai đoạn lịch sử đã qua. Việc chọn lọc bối cảnh, ngoài dựa trên yếu tố thẩm mỹ, còn phải tôn trọng giá trị văn hóa và niềm tin của khán giả. Từ đó mới thấy sự nỗ lực của các nhà làm phim đáng trân quý biết bao./.