Phim truyền hình: Đổi mới để phát triển

Hình tượng người mẹ trong các phim gần đây đã có nhiều thay đổi theo hướng tự tin, chủ động giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong gia đình và xã hội

Trong những phim truyền hình gần đây, hình tượng người mẹ được các biên kịch xây dựng bằng lối sống hiện đại, bản lĩnh, tự tin, quyết liệt, khác hẳn hình tượng người mẹ thường thấy trước đây trên một số phim.

Mở rộng hướng khai thác

Nhân vật Bạch Cúc (NSND Thu Hà thủ diễn) trong phim truyền hình "Hướng dương ngược nắng" vừa là tổng giám đốc của tập đoàn Cao Dược vừa là một người mẹ hết lòng vì con. Bạch Cúc là một trong những hướng khai thác mới về hình tượng người mẹ trên màn ảnh nhỏ, tạo được chú ý trong công chúng thời gian qua.

Ở Bạch Cúc, khán giả thấy được sự sắc sảo, quyết đoán, bản lĩnh của một doanh nhân thành đạt, một phụ nữ có tiếng nói, có địa vị ở nhà chồng. Dù nhiều người sử dụng âm mưu, thủ đoạn nhằm triệt hạ, bà vẫn thẳng thắn đối mặt, đáp trả không nao núng. Trong cương vị người mẹ, bà Bạch Cúc yêu thương 2 con gái, sẵn sàng sử dụng nhiều thủ đoạn đối phó với con riêng của chồng cùng "tiểu tam" để bảo vệ con theo cách mà bà cho là đúng. Bà không cam chịu, nhẫn nhịn hay vị tha mà sẵn sàng hành động vì con. Nhiều khán giả thích thú với nhân vật Bạch Cúc, khen ngợi việc xây dựng nhân vật mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, không một màu, một chiều như lâu nay. Ban đầu, nhiều khán giả thích sự thông minh, quyết đoán của bà Bạch Cúc nhưng sau đó lại ác cảm vì cho rằng bà có phần mưu mô, nham hiểm khi dùng thủ đoạn đối phó với con riêng của chồng. Tuy nhiên, càng về sau, khán giả lại càng có cảm tình với nhân vật này.

Bà Bạch Cúc trong phim “Hướng dương ngược nắng”

Bà Bạch Cúc trong phim “Hướng dương ngược nắng”

Trước bà Bạch Cúc, khán giả từng được trải nghiệm hình tượng mới mẻ về người mẹ qua nhân vật bà Lan (NSND Kim Xuân thể hiện) trong phim "Trói buộc yêu thương". Bà Lan có chức vụ cao trong ngành giáo dục, có tài sản, có tiếng nói trong xã hội và trong gia đình. Góa chồng, bà một mình gồng gánh nuôi 3 con, trong đó có con riêng của chồng. Xuất phát từ việc yêu thương quá mức, mong chúng hạnh phúc, bà ép con sống theo kịch bản định sẵn. Bà Lan cũng không phải là một người mẹ cam chịu, chấp nhận để người khác quyết định cuộc đời mình. Bà thương con có phần độc đoán và dẫn đến hậu quả là sự phản kháng của những đứa con.

Biên kịch Thanh Hương nhìn nhận: "Ngoài những phim bối cảnh xưa với hình mẫu người phụ nữ buộc phải có các đức tính cam chịu, thầm lặng hy sinh thì các phim bối cảnh hiện đại đã dần có sự thay đổi hình tượng những người mẹ mạnh mẽ, tự tin, có tiếng nói riêng, đậm nữ quyền. Tình mẫu tử vẫn vẹn nguyên nhưng hình ảnh người mẹ không còn ở những xó bếp, nước mắt cay đắng, bế tắc do không biết hướng giải quyết. Thay vào đó, họ tự tin, chủ động và tự tìm hướng giải quyết tốt cho những vấn đề đặt ra trong chính gia đình mình".

Cần có những bứt phá

Phim truyền hình lấy bối cảnh xã hội hiện đại đang dần phản ánh đúng hiện thực cuộc sống thể hiện từ câu chuyện cho đến lời thoại, cách diễn xuất của diễn viên. Những xung đột, căng thẳng xoay vòng trong mối quan hệ tình cảm gia đình luôn là tâm điểm được các biên kịch xoáy sâu khai thác.

Theo biên kịch Đông Hoa, câu chuyện người mẹ càng gần gũi, khán giả càng dễ đồng cảm bởi họ thấy được bản thân trong những câu chuyện này. Vì thế, những khuôn mẫu cũ không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, dần được thay thế. Bởi hiện tại, phụ nữ ngày càng được xem trọng trong xã hội, họ có học vấn, sự tự tin, quyết đoán. Một số còn giữ các chức vụ quan trọng, không thua kém nam giới. "Trong gia đình, những người mẹ hiện đại vẫn đầy ắp tình thương với con, với gia đình nhưng không còn cảnh đứng im để số phận sắp đặt mà với vốn tri thức và kinh nghiệm, họ mạnh mẽ trong xử lý những mâu thuẫn của cuộc đời" - biên kịch Đông Hoa chia sẻ.

Đồng quan điểm, biên kịch Thanh Hương cho rằng việc đưa hình tượng người mẹ đúng với những tính cách, ứng xử, tương tác mang đậm tính hiện tại, bớt đi sự bi lụy vì bất lực trước cảnh ngộ trong cuộc đời là điều phù hợp. Đồng thời, đây cũng sẽ là xu hướng khai thác trong thời gian tới. Việc khán giả hưởng ứng, yêu thích các hình tượng này cho thấy biên kịch và nhà sản xuất đi đúng hướng. Những người mẹ trở thành chủ gia đình, quyền lực chi phối các thành viên cũng là chuyện không phải xa lạ với cuộc sống đời thường. Phim phản ánh hiện thực cuộc sống, thay đổi hình tượng, mở rộng khai thác nhằm mang đến sự đa sắc màu càng là điều tất yếu.

"Phim truyền hình đang giai đoạn khởi sắc sau thời kỳ ảm đạm, cần có những bứt phá để chinh phục nhiều đối tượng khán giả ngày càng tinh tế, yêu cầu nội dung đổi mới cao. Sự thành công từ những tác phẩm mang hơi thở thời đại thông qua lời thoại đậm chất đời, không hoa mỹ buộc nhà sản xuất phải suy nghĩ, yêu cầu biên kịch mở rộng hơn, khai thác khác đi, không thể rập khuôn mà phải thay đổi tích cực để phát triển" - biên kịch Thanh Hương nhấn mạnh.

Nhìn những tín hiệu tích cực sau sự thay đổi hình tượng người mẹ, nhà sản xuất lẫn biên kịch chắc chắn có thêm tự tin trong việc đổi mới sự khác biệt về nữ giới trên màn ảnh nhỏ trong thời gian tới.

Bên cạnh cách khai thác cũ cho những phim bối cảnh xưa thì hình tượng nữ giới sẽ còn biến hóa đa dạng khi thoát khỏi khuôn mẫu, giảm bớt sự nhàm chán, hòa với xu hướng thời đại” - biên kịch Đông Hoa nhìn nhận.

Bài và ảnh: MINH KHUÊ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/phim-truyen-hinh-doi-moi-de-phat-trien-20210324221735679.htm