Phim truyền hình Việt Nam mong chờ những 'cú hích' để có thể tạo sức ảnh hưởng như phim Hàn và Hoa ngữ
Câu chuyện muôn thuở của phim truyền hình Việt Nam những năm qua là làm sao để tạo được sức hút cho khán giả nói chung, các lứa người xem trẻ tuổi nói riêng.
Nhìn lại năm 2023, mảng phim truyền hình Việt đã khởi sắc, mang đến nhiều dự án có sức sống, được khán giả đón nhận như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Gia đình mình vui bất thình lình, Đừng làm mẹ cáu, Chúng ta của 8 năm sau, Biệt dược đen, Hoa hồng cho sớm mai, Làng trong phố, Kế hoạch hoàn hảo, Không ngại cưới chỉ cần một lý do...
Đề tài của những bộ phim truyền hình năm qua vẫn có sự đa dạng trong cách tiếp cận, từ gia đình, tình thân đến tình yêu, tình bạn. Không chỉ trên truyền hình, ở các nền tảng trực tuyến cũng có không ít tác phim tốt như: Nhà mình lạ lắm, Mặt trời mùa Đông, Hoa vương, Yêu trước ngày cưới, Tết ở làng Địa Ngục, Đi về phía lửa...
Khác với việc phát sóng trên truyền hình, phim dài tập chiếu trên các nền tảng trực tuyến 'có đất' khai thác những đề tài dữ dội, gai góc hơn và tất nhiên cũng gây tranh cãi hơn. Nhưng qua đó, khán giả có thêm nhiều sự lựa chọn hơn, thay vì phụ thuộc vào các kênh truyền hình vốn có.
Năm qua cũng chứng kiến sự bùng nổ của phim truyền hình và mang nhiều yếu tố trẻ trung, tươi mới hơn để thu hút thêm lượng khán giả mới. Nhưng nếu theo dõi thì dễ nhận ra nhiều chi tiết được khai thác 'nhiều đến nhàm chán', như chuyện "tiểu tam", chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện đấu đá tranh giành người yêu. Chưa kể, không ít phim là được viết lại dựa trên kịch bản phim nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Kịch bản luôn là vấn đề muôn thuở của phim ảnh Việt Nam. Nhìn sang Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan, phim truyền hình của họ khai thác triệt để mọi ngóc ngách văn hóa, kể những câu chuyện gần gũi với đời sống. Qua đó, họ truyền tải được văn hóa của đất nước, góp phần quảng bá du lịch của họ. Vậy có phải Việt Nam thiếu chất liệu để làm phim?
Với bề dày lịch sử phát triển cùng với văn hóa vùng miền đa dạng, Việt Nam có đủ các yếu tố để lên phim ảnh. Chưa kể, phong cảnh đất nước cũng thừa sức để tạo nên nhiều thước phim hoành tráng không kém họ. Ngoài ra, Việt Nam cũng không thiếu diễn viên trẻ, đẹp. Nhưng tất cả điều đó vẫn chưa đủ.
Hàn Quốc đã đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp giải trí của họ lên tầm cao, bởi vì đây là cách để quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người của họ đến với thế giới. Sự hỗ trợ của chính phủ cũng góp phần lớn để thúc đẩy phim ảnh của Hàn Quốc vươn tầm châu Á. Sự thành công của một bộ phim không chỉ mang tên tuổi của dàn diễn viên trở nên nổi tiếng, mà còn là 'thỏi nam châm' thu hút du khách đến Hàn Quốc 'tiêu tiền'.
Tác giả quyển sách Giải mã Hàn Quốc sành điệu - Euny Hong có viết rằng, phim tình cảm dài tập, phim nhựa, trò chơi điện tử và đồ ăn vặt Hàn Quốc giờ đã thống lĩnh văn hóa châu Á. Thực tế, Hàn Quốc đã quyết định thị hiếu của châu Á từ hơn một thập kỷ nay.
Nhà sản xuất điều hành của SM Entertainment (một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc) - Lee Soo Man đã từng phát biểu: "Tôi luôn luôn nói rằng: 'Đầu tiên là văn hóa, sau đó mới đến kinh tế'. Khi nền văn hóa được tạo ra, nền kinh tế sẽ tiếp bước, và điều này giúp tạo ra thương hiệu của một quốc gia hùng mạnh, nói cách khác là thương hiệu của người Hàn Quốc".
Qua đó, thấy rằng, để tạo nên 'đế chế' phim ảnh có sức ảnh hưởng như hiện tại, Hàn Quốc đã chuẩn bị từ rất lâu. Họ khai thác triệt để thế mạnh của mình. Đến hiện tại, phim truyền hình Trung Quốc có phần 'lép vế' và xuống tay hơn Hàn Quốc nhưng nhờ thị phần rộng lớn nên phim ảnh của họ vẫn chiếm ưu thế tại châu lục. Còn phim truyền hình xứ củ sâm vẫn không ngừng tìm tòi và khai thác nhiều đề tài bám sát thực tế cuộc sống.
Phim truyền hình Việt Nam tuy có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả và những dự án tốt vẫn được đón nhận nhưng chưa thể tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt như mong đợi. Tất nhiên, các dự án truyền hình Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thị hiếu hơn, lứa diễn viên cũng trẻ trung, tài năng hơn nhưng lỗ hổng kịch bản thì vẫn còn đó.
Việc phải 'vay mượn' từ các kịch bản phim ngoại đang là vấn đề gây tranh luận. Khán giả rất kiên nhẫn chờ đợi 'cú hích' từ phim truyền hình Việt và luôn ủng hộ các nhà làm phim trong nước nhưng chờ đến bao lâu thì chưa biết. Chưa kể, phim truyền hình trong nước còn phải 'đối đầu' với nhiều lựa chọn giải trí khác như web drama, phim ngắn tập trên các trang trực tuyến, các chương trình giải trí...
Điểm trừ nữa của phim truyền hình Việt Nam gần đây là gây tranh cãi, tình tiết lê thê, gây 'ức chế' cho người xem bởi sự thiếu lô-gích trong kịch bản. Khán giả cũng cần nhiều hơn ở lứa diễn viên truyền hình mới, thay vì quanh đi quẩn lại chỉ bao nhiêu tên tuổi như hiện tại.
Dẫu vậy, với lượng phim truyền hình Việt ra mắt năm rồi đã tạo thêm nhiều ấn tượng tích cực cho khán giả. Không thể so sánh phim trong nước với các 'cường quốc giải trí' như Trung Quốc hay Hàn Quốc, vì họ đã có khoảng thời gian dài để chuẩn bị và 'cất cánh'. Còn Việt Nam đang trên đà đi lên và khán giả vẫn luôn ưu tiên cho phim truyền hình Việt Nam, nếu chất lượng thật sự xứng đáng.