Phim về thí sinh Tân Binh Toàn Năng mắc hội chứng Tourette đoạt giải Nhất
Bộ phim tài liệu 'Đóa hoa Tourette' không chỉ truyền tải những câu chuyện nghị lực từ nhân vật chính Đinh Viết Tường - thí sinh Tân Binh Tài Năng - mà còn là minh chứng cho sự dũng cảm của đoàn phim trẻ Z-CREW.
Mới đây, Liên hoan phim sinh viên Nhân Văn (LHPSVNV) năm 2025 đã diễn ra với bộ phim đoạt giải Nhất hạng mục Phim tài liệu thuộc về “Đóa hoa Tourette”. Nội dung phim kể về câu chuyện vượt nghịch cảnh của một chàng trai trẻ mắc phải hội chứng Tourette - Đinh Viết Tường, thí sinh show Tân Binh Tài Năng.
Cơ duyên không ngờ
Anh Đinh Viết Tường (23 tuổi, TP.HCM), mắc hội chứng Tourette - một bệnh lý rối loạn thần kinh gây ra các cơn co giật đột ngột, lặp lại và khó kiểm soát. Cơn co giật có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào như mặt, tay, chân kèm theo các âm thanh bất thường và trường hợp của anh là không thể kiểm soát những tiếng nấc của bản thân.

Đoàn làm phim Z-CREW cùng anh Đinh Viết Tường tại đêm trao giải. Ảnh: BTC
Đoàn phim biết đến anh Tường qua TikTok và ấn tượng mạnh với hình ảnh hát trước gương trong phòng trọ. Lúc đầu, các bạn chỉ biết anh mắc hội chứng Tourette nhưng chưa có ý định làm một bộ phim tài liệu về nhân vật này. Đến khi buộc phải thay đổi gấp đề tài, cả nhóm mới quyết tâm và “đánh liều” gửi lời mời cho anh.
Sau khi nhận được lời mời, anh Tường không đồng ý ngay mà yêu cầu đoàn phim gửi kịch bản để xem xét. Thời điểm đó, nhiều nhóm sinh viên cũng ngỏ lời hợp tác, nên anh muốn chọn lọc kịch bản thực sự “chạm” đến bản thân. Sau đó, nhóm sinh viên Nhân văn đã lập tức họp khẩn để hoàn thành kịch bản và nhận được sự đồng ý.
Tưởng chừng như sau lời đồng ý, hành trình của "Đóa hoa Tourette" sẽ bắt đầu "lăn bánh", các bạn trẻ lúc này lại "căng não" để làm sao phim được đột phá, thoát ly khỏi những khía cạnh an toàn. Để tìm ra lời giải, các bạn đã hẹn anh Tường ra quán cà phê để trao đổi.
Đáng nói, khi bước vào quán cà phê, thái độ của mọi người xung quanh đối với anh đã để lại trong lòng đoàn phim một ấn tượng không thể nào quên: Trẻ em chạy ra nấp sau lưng mẹ, nhân viên văn phòng đang mua nước né tránh. Hoàn cảnh ấy khiến Tường thêm hoảng sợ và căng thẳng, hội chứng vì thế trở nặng, những tiếng nấc dần tăng lên một cách mất kiểm soát.
Để "đóa hoa" được "nở rộ" chân thực trên màn ảnh
Một nghịch lý thú vị xảy ra trong quá trình ghi hình là anh Tường càng thoải mái trước ống kính, các biểu hiện của hội chứng Tourette lại càng giảm đi. Đây là một trở ngại lớn, bởi ê-kíp cần ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất của anh. Để có thể "bắt" được những cảnh đó, Z-CREW đã biến cuộc trò chuyện bình thường thành một "đấu trường tâm lý" đầy áp lực. Trong một không gian kín suốt 3 giờ đồng hồ, 7 thành viên của đoàn phim đã đặt ra gần 40 câu hỏi không chỉ để lấy thông tin, mà còn để đưa anh trở về với trạng thái chân thật nhất của mình, đó là cái "mood" mà cả đoàn mong chờ suốt bấy lâu.

Những khoảnh khắc của đoàn phim cùng với anh Tường. Ảnh: BTC
Bộ phim còn khéo léo sử dụng hình ảnh chiếc gương ở quê như một biểu tượng đầy dụng ý. Đoàn làm phim đã trở về Quảng Trị - nơi anh từng sinh sống để ghi hình chiếc gương năm xưa. Chiếc gương ấy là nhân chứng cho những nỗ lực âm thầm của anh từ thời cấp ba. Giờ đây, khi đối diện với chiếc gương hiện tại, sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại trở nên rõ nét và đầy ám ảnh.

Anh Tường xúc động khi xem thước phim về chính mình. Ảnh: BTC
Tại LHPSVNV năm 2025, đạo diễn Đào Bá Sơn đánh giá cao cấu trúc tuyến tính và tính báo chí của phim. Người xem đã được dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc: Từ những nỗ lực đời thường, những lát cắt quá khứ, đỉnh cao khi anh bước ra sân khấu lớn và ngoạn mục chuyển mình.
Các giá trị cốt lõi của phim được định hình bởi những chi tiết bất ngờ: Từ những câu hỏi nằm ngoài kế hoạch từ người tài xế taxi hay lời tâm sự của cô giáo cũ, tất cả vô hình trung bộc lộ cách xã hội nhìn nhận anh Đinh Viết Tường.
Liên hoan Phim Sinh viên Nhân Văn năm 2025 là sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê điện ảnh - truyền hình do Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) phối hợp cùng CLB Phóng Viên Trẻ (trực thuộc Đoàn khoa) tổ chức.