Phim Việt chinh phục khán giả nước ngoài: Bao giờ thành hiện thực?

Tại hội thảo hợp tác điện ảnh giữa Ấn Độ và Việt Nam, các doanh nhân trong lĩnh vực phim ảnh đến từ Ấn Độ đã đề cập đến khả năng phim Việt sẽ chinh phục được thị trường Ấn Độ. Họ đưa ra dẫn chứng phim Thái Lan đã được đón nhận thì phim Việt hoàn toàn có hy vọng.

Nhà sản xuất Việt đang nỗ lực

Tại hội thảo, có một số doanh nhân trong lĩnh vực điện ảnh đến từ Ấn Độ được giới thiệu là rất giàu kinh nghiệm như ông Umesh Kr Bansal - chủ của Zeestudio; nhà sản xuất uy tín Captain Rahul Bali, nhà sản xuất trẻ Avika Gor và nhiều nhân vật khác. Mục đích chính của phía Ấn Độ là sản xuất 5, 6 phim lấy bối cảnh Việt Nam để thu hút khách Ấn đến Việt Nam du lịch. Trong đó, Love in Việt Nam của nhà biên kịch, đạo diễn Rahhat Shah Kazmi là dự án được thực hiện trước tiên và sau đó sẽ là các dự án khác.

Các doanh nhân Ấn cũng gợi mở cho phía Việt Nam thực hiện dự án chinh phục thị trường 1,4 tỉ dân của Ấn Độ.

Tuy nhiên, các nhà làm phim Việt cũng đã chia sẻ nhiều trăn trở, thách thức, rằng Ấn Độ có nền điện ảnh lớn thứ hai thế giới, hàng năm sản xuất ra 2.000 bộ phim, thì liệu có ngách nào để phim Việt lọt vào? Ấn Độ là quốc gia với nhiều sắc dân với ngôn ngữ và phong tục tập quán khác nhau thì làm sao đo được gu thưởng thức.

Phía Ấn Độ cho rằng, quả thực có quá nhiều thách thức để phim Việt Nam chinh phục khán giả Ấn. Bởi vì, đa số người dân Ấn chưa tiếp cận được phim Việt. Việc dò tìm điểm chạm đến cảm xúc khán giả Ấn hãy còn là một ẩn số. Thế nhưng, theo đạo diễn Rahhat Shah Kazmi, người Ấn khi xem phim Hàn hay phim Mỹ thì vẫn khóc cười theo khán giả thế giới nói chung chứ không có gì khác biệt. Thế nên, dù có bất đồng văn hóa nhưng câu chuyện phim cảm động thì khán giả Ấn vẫn yêu thích.

Phim Ong-Bak của Thái Lan thành công tại thị trường Ấn vì kỹ năng hành động xuất sắc của diễn viên chính và phụ. Câu chuyện diễn ra trên phông nền văn hóa Thái Lan đặc thù. Giới trẻ Ấn thích hành động võ thuật nên đây là yếu tố họ bị mê hoặc bởi Ong-Bak. Phim Việt Nam cũng có thể hấp dẫn khán giả Ấn thông qua việc cascadeu Việt tham gia rất nhiều phim Ấn Độ. Nếu đi theo hướng này, khả năng thành công cũng hứa hẹn.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa đặt câu hỏi với nhà sản xuất Ấn Độ cách thức chinh phục thị trường này tại hội thảo về điện ảnh giữa 2 nước

Đạo diễn Võ Thanh Hòa đặt câu hỏi với nhà sản xuất Ấn Độ cách thức chinh phục thị trường này tại hội thảo về điện ảnh giữa 2 nước

Dù chưa đưa ra được một công thức thành công cụ thể, nhưng hội thảo cũng đã khơi gợi lên ý tưởng cho các nhà làm phim Việt về kế hoạch, mục tiêu đưa phim vào thị trường Ấn. Thực ra, gần đây, nhà làm phim Việt cũng đã nghĩ đến điều này. Cụ thể, phim Ma Da đã phát hành cùng lúc tại Việt Nam, Úc, New Zealand, Hàn Quốc với mục đích không chỉ nhắm vào kiều bào mà còn muốn chinh phục khán giả nước ngoài.

Trước đó, sau thời gian chiếu rạp ở trong nước, nhà sản xuất Lý Hải đưa phim Lật mặt 7 đến nhiều quốc gia gồm Mỹ, Canada, Đức, Anh, Pháp, Úc, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Slovakia, Ba Lan, Singapore...; Trấn Thành đem phim Mai chiếu ở vài nước. Cả hai phim đều có phụ đề Anh ngữ, tức có nhắm đến khán giả ngoại quốc, tuy nhiên, nếu so với khán giả trong nước thì có lẽ không khả quan bằng. Điều này cũng dễ hiểu vì nền điện ảnh Việt Nam còn non yếu, số lượng phim Việt chiếu ở nước ngoài còn mỏng so với nền điện ảnh ở các quốc gia phát triển hơn.

Phim Ong-Pak của Thái Lan chinh phục nhiều khán giả Ấn

Phim Ong-Pak của Thái Lan chinh phục nhiều khán giả Ấn

Ngoài ra, phim Việt chưa thể đến giới khán giả các nước thông qua phát hành “chính ngạch” - kiểu phát hành trực tiếp trong hệ thống rạp chiếu, dẫu vậy, vẫn có phim Việt tiếp cận với khán giả thế giới qua các kỳ liên hoan phim (LHP) như Song Lang của đạo diễn Leon Lê. Bộ phim tuy không đạt kỳ vọng tại thị trường Việt Nam, nhưng ê kíp đã đưa phim dự rất nhiều LHP quốc tế khác nhau, qua nhiều năm và đạt được các giải thưởng. Mỗi kỳ liên hoan như thế, đều có tổ chức bán vé nên doanh thu gộp lại cũng rất đáng kể. Điều quan trọng là bộ phim có số lượng kha khá khán giả ngoại quốc đến xem và có nhận xét tích cực. Đêm tối rực rỡ của đạo diễn Aaron Toronto hay Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên cũng tham dự LHP ở nước ngoài, đoạt giải rồi sau đó mới chính thức công chiếu tại Việt Nam.

Cả hai phim đều được giới chuyên môn và khán giả ngoại quốc đánh giá tốt về nội dung, cũng như cách kể chuyện.

Đơn đặt hàng chất lượng cao từ siêu ứng dụng

Đạo diễn Nhậm Minh Hiền, Giám đốc công ty phim Supper Media, cho biết: “Để phim Việt vào được thị trường Ấn Độ hay các nước, nếu đánh giá ngay lúc này thì rất khó. Bởi vì, chúng ta thiếu cơ hội và điều kiện phát hành quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta có những lợi thế sau đây: bối cảnh gồm ngoại cảnh đẹp không thua bất kỳ nước nào trên thế giới; nội cảnh cũng vô cùng đa dạng; diễn viên đẹp và diễn xuất tốt; thiết bị máy móc hiện đại tiếp cận được thế giới; đạo diễn vững tay nghề. Điều còn lại là biên kịch. Nếu muốn chinh phục thị trường nước nào họ cần sang tận nơi để tìm hiểu thật kỹ văn hóa, phong tục và sở thích để viết nên câu chuyện chạm vào cảm xúc. Tôi nghĩ, nếu một nhà sản xuất Ấn Độ hay bất kỳ quốc gia nào đến Việt Nam và đặt hàng chúng tôi một cách cụ thể, chúng tôi sẽ đáp ứng được điều họ mong muốn. Còn nếu để chúng tôi tự "bơi", chắc chắc sẽ rất lâu vì các bước thực hiện bộ phim rất nhiêu khê và chờ thẩm định, kiểm duyệt...”.

Nhìn vào thị trường điện ảnh Việt, dù số lượng phim ra rạp thất bại nhiều, nhưng cũng không ít phim chiếu rạp thành công với doanh thu trăm tỷ cũng cho thấy thị trường phim Việt đầy tiềm năng. Ngoài ra, sự xuất hiện và ngày càng được ưa chuộng của các kênh truyền hình Nexflix, K +, và các app siêu ứng dụng toàn cầu như Veon, Galaxy Play góp sức thúc đẩy sự phát triển của phim ảnh Việt. Các đơn vị này đã đặt hàng các nhà sản xuất Việt theo tiêu chuẩn rất cao về cốt truyện từ biên kịch, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng chất lượng hình ảnh, đạo diễn, diễn viên.

Rõ ràng những phim Việt được phát sóng trên các kênh này có chất lượng khác hẳn với các kênh truyền hình không trả tiền. Netflix cũng chọn vài phim Việt để chiếu trên phạm vi toàn cầu, do vậy, phim Việt cũng có cơ hội tiếp cận với khán giả quốc tế từ Á sang Âu. Các siêu ứng dụng Veon hay Galaxy Play cũng được phát hành trên phạm vi thế giới. Những tiêu chuẩn họ đặt ra đã thúc đẩy các nhà làm phim ngày càng nâng cao chất lượng tác phẩm của mình.

Sau Ma da, Việt Hương vẫn tiếp tục nung nấu ý định làm phim cho khán giả quốc tế ở các dự án tiếp theo

Sau Ma da, Việt Hương vẫn tiếp tục nung nấu ý định làm phim cho khán giả quốc tế ở các dự án tiếp theo

Ngay bây giờ, chỉ là giai đoạn khởi đầu nên ít người thấy rõ khả năng phát triển của phim Việt trên thị trường thế giới sẽ đến đâu. Nhưng dựa trên sức sống hiện tại, diễn viên kiêm nhà sản xuất Thu Trang cho biết: “Vài năm trở lại đây, tôi cảm nhận rõ sức cạnh tranh của các hãng phim Việt. Tất cả đang cố gắng để cho ra tác phẩm tốt hơn và tôi cho đây là cuộc cạnh tranh hữu ích. Riêng công ty chúng tôi, sau một tác phẩm được đánh giá tốt, chúng tôi lao vào tìm kịch bản hay hơn để không làm khán giả thất vọng và để không dậm chân tại chỗ. Bạn hỏi tôi có muốn đưa phim Việt vào thị trường Ấn Độ hay thế giới không? Đương nhiên tôi trả lời là "có" rồi. Ngay trong hội thảo hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Ấn Độ, tôi đã có trao đổi với các nhà sản xuất Ấn. Tôi sẽ suy nghĩ về phương cách hợp tác nếu nhận được sự đề nghị hợp lý từ phía họ. Hiện tại, như bao năm qua, chúng tôi vẫn liên tục làm việc và suy nghĩ làm cho ra sản phẩm tốt nhất có thể”.

Nguyễn Huy

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phim-viet-chinh-phuc-khan-gia-nuoc-ngoai-bao-gio-thanh-hien-thuc-223279.html