Phim Việt được phân loại theo tiêu chí: Siết chặt các quy định

Theo quy định mới, Phim tại Việt Nam có yếu tố 'bạo lực, tình dục, khỏa thân', phải hiển thị cảnh báo cho khán giả. Đây được cho là động thái từ cơ quan chức năng trong việc cảnh báo, bảo vệ khán giả.

Thông tư số 5/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.

Thông tư số 5/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.

Thông tư số 5/2023/TT-BVHTTDL vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành gồm 6 điều quy định tiêu chí phân loại và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim.

Mức phân loại phim được quy định theo tiêu chí phân loại được xếp từ thấp đến cao: Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; loại T13 (13+): phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại C: Phim không được phép phổ biến.

Tiêu chí phân loại phim được chia thành 8 loại. Tiêu chí về chủ đề, nội dung; Tiêu chí về bạo lực; Tiêu chí về khỏa thân, tình dục; Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Tiêu chí về kinh dị; Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục; Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Việc đánh giá phân loại phim dựa trên nguyên tắc nhằm bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương đối với các nội dung không phù hợp, hoặc có thể có tác động tiêu cực…

Thông tư nêu rõ, căn cứ cách thể hiện, các tình huống và bối cảnh cụ thể, tính tương tác, tần suất, thời lượng, mức độ chi tiết của hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, lời thoại và mức độ tác động của bộ phim đối với người xem, trong đó tầm quan trọng của bối cảnh và mức độ tác động đến người xem là những yếu tố ưu tiên trong việc phân loại phim.

"Để phát triển văn hóa, xây dựng con người, chúng ta rất cần có một môi trường văn hóa lành mạnh, với những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật hướng đến khơi gợi những điều tích cực, tốt đẹp của cuộc sống và con người. Như vậy, chúng ta cần có những bộ phim hướng đến chân – thiện – mỹ để định hướng phát triển nhân cách cho mỗi cá nhân và toàn xã hội", PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.

Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: Hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.

Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng: Hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 3 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim; hiển thị tối đa 3 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

Thông tư cũng quy định, mức phân loại phim phải được hiển thị ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình trong suốt thời gian phổ biến phim, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2023.

Vân Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phim-viet-duoc-phan-loai-theo-tieu-chi-siet-chat-cac-quy-dinh-5715437.html