Phim Việt ồ ạt lên Netflix: Rộng mở cuộc chơi phim trực tuyến
Hàng loạt phim Việt từng chiếu rạp trước đây đã và đang lên dịch vụ video trực tuyến toàn cầu Netflix, mới nhất là 'Cưới ngay kẻo lỡ', 'Quý cô thừa kế', 'Ngủ với hồn ma' (ngày 12-6) và kế tiếp là 'Bẫy rồng', 'Saigon Yo/Sài Gòn bước nhảy' (ngày 19-6)…
Trước đó nhiều phim Việt khác đã xuất hiện trên nền tảng Netflix từ tháng 5 như: “Kung fu Phở”, “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, “Gái già lắm chiêu”. Hay đầu tháng 6 là các phim “Dòng máu anh hùng”, “14 ngày phép”, “Fan cuồng”, Nhắm mắt thấy mùa hè”, “Cho em gần anh thêm chút nữa”. Nhiều phim Việt ngay lập tức nhảy vào Top 10 phim được nhiều lượt xem nhất theo thống kê hàng ngày bởi Netflix Việt Nam. Theo ghi nhận ngày 12-6, trong top phim được người Việt xem nhiều trên Netflix có 2 bộ phim Việt là “Long Ruồi” (The Big Boss) và “Dòng máu anh hùng”.
Trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô Cuối tuần, bà Trịnh Lê Minh Hằng - Tổng Giám đốc Skyline Media, đơn vị hợp tác cùng Netflix đưa phim Việt lên nền tảng này, lý giải về nỗ lực làm cầu nối đưa nhiều phim điện ảnh Việt lên Netflix cũng như việc phim Việt lại tiếp tục được khán giả đón nhận dù đã ra rạp từ những năm trước.
Chị Trịnh Lê Minh Hằng chia sẻ: “Khi nhìn thấy nhiều phim Việt được có mặt trên nền tảng này, tôi thực sự phấn khởi vì có thêm sự lựa chọn cho các nhà làm phim cũng như cho khán giả. Theo tôi, lý do một phần là vì chiến lược địa phương hóa của Netflix. Khi có mặt tại Việt Nam, họ muốn có nhiều nội dung địa phương cho người bản địa xem, từ đó mức độ gần gũi giữa người dùng và hạ tầng sẽ tốt hơn, người dùng sẽ dần khám phá các nội dung khác.
Với mục tiêu đó thì Netflix mở rộng chào đón nhiều thể loại phim, kể cả phim mới hay cũ. Còn việc khán giả đón nhận đến mức nào thì tôi cũng không biết chính xác. Thông tin này có lẽ phải để Netflix tiết lộ. Tuy nhiên, nếu nhìn top 10 trên Netflix thì cũng thấy bóng dáng một số phim Việt, như vậy phần nào nhìn nhận rằng phim Việt được khán giả chào đón ở hạ tầng này”.
- Phóng viên: Những phim dù ra đời khá lâu như “Dòng máu anh hùng” (2007) khi phát lại trên Netflix đầu tháng 6-2020 vẫn được lượt xem nhiều. Đây có phải là tín hiệu vui?
- Bà Trịnh Lê Minh Hằng - Tổng Giám đốc Skyline Media: Chỉ sau 5 ngày lên trực tuyến chính thức ở Netflix thì “Dòng máu anh hùng” leo lên hạng 4 trong Top 10 phim được người Việt nhiều xem nhất (ngày 10-6) còn bộ phim độc lập “Nhắm mắt thấy mùa hè” (2018) cũng nằm ở vị trí thứ 8. Đây là một cách cho chúng ta có thể phần nào nhìn thấy phim Việt đang được người xem đón nhận như thế nào. Chúng tôi cũng ghi nhận rằng các phim Việt khác cũng đang được Netflix quảng bá mạnh ở đầu mục (top banner) hoặc ở mục “Popular on Netflix” (Phổ biến trên Netflix).
- Ở góc độ cá nhân, chị nghĩ gì về việc phim truyền hình Hàn Quốc vẫn thường thống trị top 10 Netflix Việt Nam? Những tựa phim như “Tầng lớp Itaewon”, “Hạ cánh nơi anh”, “Lời hồi đáp 1988”, “Thế giới hôn nhân” liên tục xếp hàng đầu trong danh sách những bộ phim được nhiều người Việt xem trên Netflix. Mới nhất là “Quân vương bất diệt” (hạng 2 trong Top 10 tổng hợp được người Việt nhiều xem nhất) phản ánh điều gì?
- Tôi nghĩ câu trả lời đơn giản nhất là khán giả Việt yêu thích phim truyền hình Hàn Quốc. Điều này cũng được nhìn thấy ở nhiều hạ tầng VOD khác của Việt Nam thông qua các bộ phim truyền hình khác nữa. Vì vậy, với tôi điều đó không có gì là ngạc nhiên. Chất lượng phim bộ truyền hình Hàn Quốc đã đạt đến mức rất cao, được cả thế giới đón nhận chứ không chỉ Việt Nam.
- Qua việc theo dõi thường xuyên Top Netflix, dưới góc độ là người hoạt động trong lĩnh vực thị trường phim ảnh, chị nhận định gì về gu chọn phim xem trực tuyến của khán giả Việt? Gu này có khác với gu xem phim chiếu rạp?
- Nếu chỉ nhìn nền tảng trực tuyến giải trí Netlix để kết luận về gu chọn phim trực tuyến của khán giả Việt thì sẽ không đủ chính xác vì hiện tại số lượng thuê bao tại Việt Nam của Netflix là thấp hơn các hạ tầng trực tuyến khác. Hơn nữa, khán giả Việt trên Netflix với tôi là chỉ tập trung ở các thành phố lớn và họ thường là nhóm khách hàng khó tính hơn trong việc chọn nội dung. Nếu so sánh gu xem phim chiếu rạp với gu xem phim trực tuyến, tôi nghĩ sự khác biệt lớn nhất chính là phim bộ truyền hình.
Trong khi khán giả rạp chỉ dành 90 phút cho việc đi xem phim và coi việc này như một phần của mục đích đi chơi, hẹn hò bên ngoài, thì khán giả xem phim trực tuyến lại yêu thích việc “cày phim” trong nhiều giờ liền (binge-watch) hoặc là thói quen xem mỗi ngày khi có thời gian rảnh ở nhà. Với thói quen và mục đích khác nhau như vậy, nội dung được lựa chọn chắc chắn cũng sẽ khác nhau.
- Thị trường phim trực tuyến Việt Nam với các đơn vị dịch vụ như Netflix đang ngày càng cạnh tranh nhiều hơn để thu hút người xem. Chị nhận định và dự báo gì về cuộc cạnh tranh này trong hiện tại lẫn tương lai?
- Tôi dự đoán rằng cuộc cạnh tranh này sẽ ngày càng thú vị và khốc liệt hơn khi sẽ có nhiều hạ tầng mới trong và ngoài nước cùng tham gia. Và tôi cũng dự đoán rằng, số lượng phim được sản xuất như hiện nay sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu này. Đây là yếu tố tích cực để thúc đẩy các nhà làm phim tạo ra các sản phẩm mới nhiều hơn và mang lại nhiều câu chuyện hay hơn sáng tạo hơn.
- Cám ơn bà về cuộc trao đổi này.
“Hiện tại, giữa các đơn vị dịch vụ xem phim trực tuyến, dần dần khán giả sẽ hình thành rõ phân khúc và gu chọn nội dung của mình vì trong tương lai, xu hướng độc quyền nội dung sẽ gia tăng, trong khi khán giả sẽ không đủ tiền để “nuôi”, duy trì 2 hay 3 hạ tầng cùng một lúc. Lúc đó khán giả sẽ quyết định lựa chọn hạ tầng nào phù hợp với mình nhất để theo dõi. Việc chọn hướng đi nào về nội dung cho hạ tầng trực tuyến của mình là điều quan trọng để cạnh tranh trong thời gian tới”.
Bà Trịnh Lê Minh Hằng - Tổng Giám đốc Skyline Media