Phim Việt thiếu 'kịch bản vàng', bứt phá thế nào?

Thiếu kịch bản hay, mới lạ, hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mang dấu ấn bản sắc về nội dung tư tưởng, mang dấu ấn bản sắc dân tộc vẫn đang là một trong những 'nút thắt' của truyền hình và điện ảnh Việt. Nhưng, dường như, đến thời điểm hiện tại, cả nhà quản lý lẫn nhà làm phim vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này.

Nguy cơ từ kịch bản Việt hóa

"Sống chung với mẹ chồng" là một trong những bộ phim Việt hóa thành công năm 2017.

"Sống chung với mẹ chồng" là một trong những bộ phim Việt hóa thành công năm 2017.

Sau thành công của hàng loạt phim truyền hình được Việt hóa kịch bản từ các tác phẩm ăn khách của nước ngoài như “Thương ngày nắng về”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”… phim Việt đứng trước nguy cơ thiếu “kịch bản vàng” trầm trọng. Và dòng phim Việt hóa trở thành cứu cánh cho điện ảnh Việt (bao gồm màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng).

Theo nhận xét từ các nhà sản xuất, những bộ phim được Việt hóa vốn dĩ đã có một kịch bản hay, chất lượng, giống như một khung xương sống vững chắc, đảm bảo cho thành công bước đầu của phim. Thêm vào đó, đội ngũ diễn viên trẻ, đẹp, tài năng cũng là một điểm cộng nữa, khiến cho các bộ phim càng nhận được thiện cảm của người xem.

Cùng với đó, kịch bản phim gốc luôn dễ dàng mang lại sự tự tin cho ê-kíp "Việt hóa". Sự tương đồng về văn hóa của các sản phẩm gốc (phần lớn đến từ các nước láng giềng châu Á) cũng khiến người nhận trách nhiệm Việt hóa dễ bề chế biến để có được món ăn tinh thần hợp khẩu vị số đông.

Đạo diễn Ngô Thanh Hải - đạo diễn sáng giá của làng điện ảnh Việt cho rằng: “Những phim Việt hóa là phim khai thác kịch bản gốc của nước ngoài nhưng đã biên tập và sửa chữa lại để mang cốt cách - tâm hồn Việt. Nhưng phim này rất đáng chấm bởi nó chỉ khai thác kịch bản gốc thôi còn lại đã được làm mới, có sự sáng tạo của đạo diễn lẫn nghệ sĩ. Ưu điểm của những phim Việt hóa là giúp chúng ta làm mới nền điện ảnh Việt. Và đặc biệt giúp khán giả có thêm những món ăn, khẩu vị phong phú.

Cùng với những hiệu ứng đạt được, việc nở rộ phim Việt hóa để lại nguy cơ lớn cho điện ảnh nước nhà.

Cùng với những hiệu ứng đạt được, việc nở rộ phim Việt hóa để lại nguy cơ lớn cho điện ảnh nước nhà.

Thế nhưng việc nở rộ phim truyền hình Việt hóa cho thấy các nhà sản xuất đang mất niềm tin vào lực lượng sáng tác kịch bản trong nước. Các kịch bản phim nhà có thể gặp nhiều vấn đề từ nội dung dài dòng, lê thê đến cái kết “đầu voi đuôi chuột…

Nhìn ở khía cạnh khác, thù lao và vị thế của biên kịch Việt còn kém so với các nước khác. Công tác tổ chức kịch bản, thẩm định và biên tập kịch bản là khâu yếu nhất của điện ảnh hiện nay”.

Cách nào tìm nhân tố?

"Biên kịch vàng" vẫn luôn là một mong mỏi, mơ ước của giới biên kịch Việt nói riêng và cả ngành phim nói chung. Biên kịch Đặng Thiếu Ngân từng chia sẻ, điểm khác biệt của những biên kịch ở các nước có điện ảnh phát triển không phải là trình độ, khả năng mà là tâm thế và điều kiện khi sáng tác.

“Người viết biết cân đối cảm xúc thế nào, biết cắt gọt ra sao khi trong đầu mình là muôn vàn tình tiết hay, nhưng lại phải cân đong đo đếm xem liệu viết thế thì đoàn phim tìm đâu ra bối cảnh, mượn làm sao được đủ đạo cụ...

Chính vì chúng ta chưa có được sự đồng bộ, còn thiếu nhiều yếu tố nên có những thứ biên kịch muốn nhưng không thể đưa hết vào kịch bản", biên kịch Đặng Thiếu Ngân nói.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Nguyên Phó Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam: "Muốn tìm được nhân tố biên kịch tiềm năng cho điện ảnh trước hết phải bắt nguồn từ khâu đào tạo".

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Nguyên Phó Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam: "Muốn tìm được nhân tố biên kịch tiềm năng cho điện ảnh trước hết phải bắt nguồn từ khâu đào tạo".

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Nguyên Phó Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam cho hay, muốn tìm được nhân tố biên kịch tiềm năng cho điện ảnh nước nhà trước hết phải bắt đầu từ khâu đào tạo.

Ông Vân kể: “Trong quá khứ khi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mời các chuyên gia hàng đầu về để đào tạo biên kịch trong vòng 6 tháng đã mang lại hiệu ứng rất tốt, những người học qua lớp này trở thành nòng cốt, những biên kịch tiềm năng cho hãng phim VFC bây giờ. Trên nền tảng tốt nghiệp văn chương, tốt nghiệp điện ảnh, họ tạo ra lứa mới đầy tiềm năng, có những cây bút trở thành chủ lực cho điện ảnh phía Nam.

Trái lại khi các sinh viên đào tạo ở trường Sân khấu Điện ảnh, hiệu ứng, hiệu suất ra trường làm việc, hiệu quả còn thấp. Chính lẽ này, những nhà quản lý cần nhìn lại khâu đào tạo, tuyển dụng, tuyển chọn để tìm được thế hệ kế cận có tài, có tầm”.

Nguyên Phó Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ, đã có thời kỳ các nhà văn tham gia viết điện ảnh rất nhiều. Hiện nay, sức hút và môi trường không còn nữa, đây là điều đáng tiếc. Với dòng phim nghệ thuật thị trường phía Bắc đang bị ngắt quãng, những người được đào tạo chính thống chưa đủ tầm lấp “lỗ hổng” trong khâu biên kịch.

Nhìn nhận về thị trường điện ảnh hiện nay, ông Vân đánh giá: “Ngày nay, điện ảnh đang nghiêng về thị trường mà quên mất đi yếu tố truyền thống, nghệ thuật. Tổng quan bức tranh điện ảnh hiện nay cần dòng phim mang tính chủ lưu, truyền thống, lịch sử, chiến tranh và cả những vấn đề nhức nhối của xã hội đương đại. Phim gây tiếng cười tuy có sức hút nhưng không thể chính thống, đề cập, phơi bày góc khuất của xã hội”.

“Đã có thời kỳ, những bộ phim như “Thung lũng hoang vắng”, “Tướng về hưu”… gây tiếng vang và gặt hái nhiều giải thưởng. Tôi nghĩ nếu dòng phim này được tôn vinh thì sẽ là động lực cho những cây bút chủ lực quay trở lại với công việc. Song song với đó là thái độ của nhà quản lý văn hóa, dòng phim độc lập không cần nhiều tiền nhưng phải được coi trọng. Có như vậy điện ảnh nước nhà mới có cơ hội vươn cao, bay xa”, ông Vân nhấn mạnh.

Hoàng Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phim-viet-thieu-kich-ban-vang-but-pha-the-nao-5720662.html