Phó Bí thư Nguyễn Hồ Hải: Khoa học công nghệ TP.HCM chưa theo kịp yêu cầu phát triển
Chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần mạnh dạn thay đổi những thủ tục mời gọi chuyên gia khoa học mang tính mở, đơn giản hơn, không nặng về thủ tục hành chính.
Ngày 16-2, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong việc thu hút, tuyển dụng và đào tạo nhân tài.
Chính sách thu hút chuyên gia, nhân tài cần có trọng điểm
PGS.TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách từ những năm 2010 - 2015 về việc thu hút chuyên gia, tuy nhiên hiệu quả của chính sách đến nay vẫn còn kém.
Theo PGS.TS Dương Hoa Xô, TP cần mạnh dạn thay đổi những thủ tục mời gọi chuyên gia khoa học mang tính mở, đơn giản hơn, không nặng về thủ tục hành chính.
“Trong đó, giao quyền chủ động đề xuất cho các đơn vị có nhu cầu cũng như quyền quyết định và tính chịu trách nhiệm về hiệu quả mời chuyên gia của đơn vị đó” - ông Xô đưa ý kiến.
Trong chính sách thu hút, giữ chân nhân tài, PGS.TS Dương Hoa Xô cho rằng cần chú trọng nhiều hơn vào đội ngũ trí thức KH-CN sẵn có tại các đơn vị, bởi đây là đội ngũ nòng cốt. Vì vậy, cần có chính sách về đãi ngộ để họ có đủ điều kiện sống, môi trường làm việc tốt hơn.
Nói thêm, ông Xô cho rằng TP không nên đầu tư thu hút dàn trải chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài mà phải thu hút có trọng điểm, tập trung vào những ngành nghề mà TP đang cần, tránh lãng phí ngân sách.
Tăng tỉ trọng đầu tư cho KH-CN từ 2% GDP trở lên
Nêu ý kiến, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định đánh giá, TP.HCM là một trong số các đơn vị có tổ chức KH-CN được phát triển nhanh, kịp thời. “TP.HCM chính là địa bàn thử nghiệm chính sách để có những đột phá”- Thứ trưởng Lê Xuân Định nói và cho rằng ngoài những quy định chung thì phải có những quy định phù hợp với một địa phương đặc thù như TP.HCM.
Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, tới đây TP.HCM cần tăng tỉ trọng đầu tư cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo. Để ngang tầm với khu vực và thế giới, tổng mức đầu tư cho KH-CN của TP.HCM phải từ 2% GDP trở lên thì mới có đủ sức bật. Trong đó, TP có thể tranh thủ từ việc xã hội hóa, phát huy quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm...
Trong khi đó, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, nhìn nhận TP.HCM luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa đường lối, chủ trương về phát triển KH-CN, hướng đến mục tiêu đưa TP.HCM sớm thành trung tâm khoa học công nghệ cả nước và khu vực.
TP.HCM đã ban hành một số chủ trương, chính sách thực hiện thí điểm thu hút nguồn nhân lực KH-CN, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu.
TP cũng phối hợp với các trường, Viện Nghiên cứu để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời nghiên cứu, giải quyết các "điểm nghẽn" trong quá trình phát triển TP; bước đầu đổi mới quản lý khoa học và phát triển công nghệ như cơ chế đặt hàng…
Theo ông Nguyễn Hồ Hải, hoạt động KH-CN của TP giai đoạn 2012-2022 đã đạt những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế TP. Cơ cấu kinh tế TP đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao; tỉ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ ngày càng tăng.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ thời gian qua còn nhiều khó khăn, thách thức. TP có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải yêu cầu các cơ quan, ban ngành cần đẩy mạnh chuyển đổi số; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách về quản lý, tổ chức hoạt động KH-CN; tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng KH-CN.
Cạnh đó, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển lĩnh vực này.
Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng, cho biết giai đoạn 2021-2025, Sở đã tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP giai đoạn 2021-2025 (Đề án 672).
Đề án này nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP phát triển ngang tầm khu vực, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP hàng năm từ 40% trở lên.
Đến năm 2025, TP.HCM phấn đấu hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho hơn 3.000 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm; thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo trong khu vực công…
Sở KH&CN TP.HCM sẽ xây dựng một nền tảng trực tuyến làm cổng thông tin cho cộng đồng khởi nghiệp gọi là Nền tảng cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM (H.OIP), tạo môi trường cho các thành phần trong cộng đồng khởi nghiệp tìm đối tác, kết nối và chia sẻ nguồn lực…