Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: 'Không nên, không thể giãn cách, phong tỏa Thành phố mãi'

Nói về nhiệm vụ phòng, chống dịch của Hà Nội sắp tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá: 'Chúng tôi xác định Hà Nội không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của thế giới cũng như của thành phố'.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội giảm dần

Cung cấp thông tin tới báo chí về tình hình, kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, vào chiều 10/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, đến hôm nay số ca mắc trên địa bàn Thành phố đang có chiều hướng giảm dần, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội giảm dần. Ảnh:Quang Hùng

Bài liên quan

Vụ bé 9 tuổi học online bị điện giật tử vong, Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì?

Bộ TT&TT thành lập Tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội

3 mục tiêu hàng đầu để Hà Nội xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách

Hà Nội: Thêm 4 điểm xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên giao hàng, shipper

Nếu như ở giai đoạn 1 giãn cách, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng gần 50%; giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3 chiếm khoảng 30%; cuối giai đoạn 3 đến đầu giai đoạn 4 này giảm xuống 8,7%. Đây là tín hiệu, kết quả rất cần đánh giá trên cơ sở kết quả phòng, chống dịch nói chung. Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 30-40 ca, nhưng chủ yếu là các ca mắc trong các khu cách ly, phong tỏa.

Về công tác điều trị, với quan điểm nhất quán của Hà Nội ngay từ đầu chống dịch, đó là không để F1, F0 phải cách ly, điều trị tại nhà. Quan điểm này sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Tất cả các F0 của Hà Nội đều được chữa trị tại bệnh viện. Tất cả F1 của Hà Nội đều được cách ly tập trung.

Hà Nội cũng xây dựng phương án cao, dự kiến có tới 40 nghìn F0, đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này. Hiện nay, Thành phố đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10 nghìn F0, nhưng Thành phố đã có 14.600 giường bệnh để thu dung, điều trị thể nhẹ (tầng 1). Còn tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2.000 giường. Chưa kể số giường bệnh của Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ Hà Nội 2.500 giường ở tầng 3. Hà Nội cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống Oxy của tất cả các bệnh viện Thành phố, đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40 nghìn người bệnh.

Không nên, không thể giãn cách, phong tỏa Thành phố mãi. Ảnh:Quang Hùng

Về cơ sở cách ly, Hà Nội đang chuẩn bị ở mức 118 nghìn chỗ cho cách ly F1; đã có quyết định thành lập, đang vận hành trên 40 nghìn chỗ... và toàn bộ các khu cách ly tập trung cũng không phải xây mới, mà tận dụng các khu nhà ở chưa đưa vào sử dụng, trường học, ký túc xá...

Cái được lớn nhất trong thời gian vừa qua, Thành phố đã khống chế cơ bản dịch bệnh. Nâng cao năng lực, chẩn bị ở mức cao của ngành y tế để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn.

Không nên, không thể giãn cách, phong tỏa Thành phố mãi

Trả lời về nhiệm vụ phòng, chống dịch của Hà Nội sắp tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, lãnh đạo Hà Nội xác định không nên, không thể giãn cách, phong tỏa Thành phố mãi.

"Chúng tôi xác định Hà Nội không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của thế giới cũng như của Thành phố. Việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực, từng địa bàn như thế nào", ông Nguyễn Văn Phong nói.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thông tin về công tác phòng, chống dịch của Hà Nội. Ảnh: HNP

Cũng theo ông Phong, việc chia thành 3 vùng là để tập trung chống dịch. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt Vùng 1 - nơi được coi là “Vùng đỏ” nguy cơ cao nhất, từng bước mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Vùng 2 và Vùng 3.

"Thực tế với cách phân vùng này, các quận, huyện, thị xã thuộc Vùng 2 và Vùng 3 đã nới lỏng rất nhiều hoạt động, như tại huyện Quốc Oai, tôi đi kiểm tra sáng nay thấy các cửa hàng vật liệu xây dựng, kim khí đã mở cửa trở lại. Nhiều địa phương cũng đã cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con cũng tiếp diễn, nhất là trong bối cảnh đang thu hoạch vụ mùa", ông Phong chia sẻ.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho hay, với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội có thể tiêm được hơn 300.000 mũi tiêm/ngày nên dự kiến số vắc xin được phân bổ hiện tại sẽ được tiêm hết trong 1-2 ngày tới.

Nếu được phân bổ đủ vắc xin, Thành phố hoàn toàn có thể tiêm xong 100% người dân từ 18 tuổi trở lên như mục tiêu đề ra.

Mục tiêu xét nghiệm diện rộng cũng có thể được hoàn thành đúng thời hạn ngày 12/9.

"Để bảo vệ thành quả chống dịch thì hạn chế người ra đường là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần hạn chế dịch lây lan. Các quy định của pháp luật về cơ bản đã có, nhưng bên cạnh những việc các cơ quan quản lý đang thực hiện thì câu chuyện ý thức trách nhiệm, ý thức tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân có ý nghĩa quyết định", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pho-bi-thu-thanh-uy-ha-noi-khong-nen-khong-the-gian-cach-phong-toa-thanh-pho-mai-post155387.html