Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại quận Hoàn Kiếm

Ngày 10-9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại quận Hoàn Kiếm.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Thọ

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Thọ

Báo cáo của lãnh đạo quận cho biết, những ngày qua, nước sông Hồng dâng cao, làm ngập úng nhiều nơi, khiến cuộc sống của một số hộ dân ven sông tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khảo sát thực địa của UBND phường Chương Dương cho thấy, từ 19h ngày 9-9, mực nước sông Hồng tại trạm là 7,5m, đến lúc 8h ngày 10-9 là 9,18m (xấp xỉ mức báo động 1 là 9,5m).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đến 12h ngày 10-9, mực nước lũ sông Hồng vẫn tiếp tục lên cao với cường suất 10cm/h, vượt mức báo động 1 là 4cm. Đến 13h ngày 10-9, mực nước lũ sông Hồng vẫn tiếp tục lên tao với cường suất 8cm/h, vượt mức báo động 1 là 12cm.

Nước lũ lên nhanh cuối đường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Thọ

Nước lũ lên nhanh cuối đường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Thọ

Nước lũ lên nhanh cuối đường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Thọ

Nước lũ lên nhanh cuối đường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Thọ

Vị trí bờ vở sông Hồng thuộc phường Chương Dương có chiều dài 1,6km, nguồn gốc đất là đất bãi bồi sông Hồng, chia làm hai khu vực chính: Khu vực bồi đắp từ đầu ngõ 114 Hàm Tử Quan - 405 Bạch Đằng; khu vực bờ vở sông và bãi bồi ven sông đã ngập nhanh. Phần đất bãi giữa đã ngập hoàn toàn, các thuyền chài ở khu vực này đã được sơ tán từ trước đó, trước khi cơn bão số 3 đổ bộ.

Khu vực từ địa chỉ 407 Bạch Đằng đến 727 Bạch Đằng (giáp với phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng), đoạn bờ sông qua khu dân cư phường Chương Dương (nhà dân tiếp giáp bờ sông), có chiều dài khoảng 800m, đã được đầu tư xây dựng chân kè để bảo đảm ổn định, tránh sạt lở.

Hiện tại, có 46 hộ dân ven sông Hồng tiếp giáp với phần kè trên (gồm 162 nhân khẩu). Các nhà dân ở đây đã được tổ dân phố, cảnh sát khu vực vận động di dời sang nhà hàng xóm hoặc nhà người thân ở khu vực địa hình cao hơn trong phố.

Quận Hoàn Kiếm triển khai xuồng cứu hộ phục vụ công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Công Thọ

Quận Hoàn Kiếm triển khai xuồng cứu hộ phục vụ công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Công Thọ

Trước diễn biến bất thường của mưa lũ năm nay, Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình mưa lũ, mực nước sông Hồng, chủ động kiểm tra, rà soát, tổ chức triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án di dời, hỗ trợ người dân và phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Trong đó, tổ chức thông báo, cảnh báo ngay đến người dân, các tổ chức, đơn vị có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông, ven sông thuộc phường Chương Dương, Phúc Tân biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.

Quận ủy cũng giao UBND quận chỉ đạo UBND phường Chương Dương, phường Phúc Tân và các đơn vị liên quan chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó, di dời người dân, tài sản cao hơn 1 mức so với hiện tại, xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lập danh sách các hộ dân cần di dời.

Đồng thời, chuẩn bị nơi ở an toàn cho người dân phải di dời, bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân; phân công lãnh đạo, cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, bảo đảm không bỏ sót người dân; thực hiện sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất xử lý môi trường để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tổ chức các đội y tế lưu động, sẵn sàng khám, chữa bệnh, cấp cứu cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng; phối hợp các đơn vị liên quan để bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho người dân trong và sau mưa lũ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu quận thực hiện sơ tán ngay, bảo đảm người dân đến nơi an toàn trong chiều 10-9. Ảnh: Công Thọ

Đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu quận thực hiện sơ tán ngay, bảo đảm người dân đến nơi an toàn trong chiều 10-9. Ảnh: Công Thọ

Trực tiếp kiểm tra các điểm nước dâng, và nghe báo cáo của quận Hoàn Kiếm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, đây là đợt nước lũ sông Hồng lên cao nhất kể từ năm 2008. Diễn biến thời tiết cực kỳ bất thường, do vậy phải đặt ra tình huống ngập lụt cao hơn với thực tế để lên phương án di dời người dân.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan của quận Hoàn Kiếm tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai; rà soát các khu vực nguy hiểm, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lập danh sách các hộ dân cần sơ tán. Đồng thời, quận cần chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, bảo đảm đủ phương tiện thiết yếu để phòng, chống lũ như: Xuồng máy, trang thiết bị, phao cứu sinh… và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân. Quận thực hiện sơ tán ngay, bảo đảm người dân đến nơi an toàn trong chiều 10-9.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/pho-bi-thu-thanh-uy-nguyen-van-phong-kiem-tra-cong-tac-ung-pho-voi-mua-lu-tai-quan-hoan-kiem-677525.html