Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến: Cần nghiên cứu mô hình tổng thể, bộ khung về hệ thống chính trị ở cơ sở

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, trong quá trình triển khai cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, định hướng và tạo đồng thuận. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để sau sắp xếp không làm mất đi quyền tự chủ, tự quản của người dân ở cơ sở...

Sáng 24/3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU, ngày 16/9/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội. Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo chủ trì hội nghị.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.

Giảm 44,2% số người hoạt động không chuyên trách

Báo cáo do Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Cảnh trình bày cho thấy, thực hiện các Nghị quyết của T.Ư, tháng 5/2019, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thí điểm kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn 5 quận, huyện (Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm, Chương Mỹ). Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 21-ĐA/TU để triển khai thực hiện trên địa bàn toàn TP.

Việc thực hiện Đề án 21-ĐA/TU trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thực hiện đồng thời với việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố và các xã, phường, thị trấn giảm từ 584 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 579 (giảm 3 xã, 2 phường); giảm từ 7.968 thôn, tổ dân phố xuống còn 5.369 thôn, tổ dân phố (giảm 2.599 thôn, tổ dân phố). Đặc biệt, Đề án cũng được thực hiện trước thềm Đại hội Đảng các cấp và toàn TP đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trước khi thực hiện Đề án là 32.933 người và đến nay giảm còn 18.350 người (giảm 44,2%). Đáng chú ý, sau khi thực hiện Đề án, tình hình cơ sở ổn định và không phát sinh phức tạp, đơn thư KNTC. Các chức danh không chuyên trách vẫn được bố trí đầy đủ và đều có người đảm nhiệm bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả. Người được bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách có thu nhập tăng và có trách nhiệm hơn trong công việc được giao.

Tuy vậy, báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy cũng chỉ ra một số điểm còn hạn chế, tồn tại, như: Còn 22 xã, 30 thôn, 19 tổ dân phố chưa thực hiện xong Đề án 21; việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách tại một số xã, thôn còn gặp khó khăn, có nơi phát sinh vướng mắc, bất cập; một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở sau khi thực hiện…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, thông qua việc thực hiện Đề án 21, bài học kinh nghiệm rút ra là, mặc dù việc khó, việc lớn nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự lãnh đạo bài bản, đồng bộ, khoa học; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì sẽ làm được.

Cho rằng cần phải tiếp tục thực hiện Đề án 21, song Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý trong quá trình triển khai cần gắn với đặc điểm, đặc thù của từng địa phương; phát huy tính tự chủ, tự quản của cộng đồng dân cư. Nhất là trong bối cảnh TP đang triển khai Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, đẩy mạnh CCHC, ứng dụng CNTT trên tất cả các lĩnh vực. Thông qua việc thực hiện Đề án 21 đặt ra vấn đề tuyển dụng, đưa cán bộ trẻ về cấp xã để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU.

Nghiên cứu một mô hình tổng thể để thực hiện

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong thực hiện Đề án 21 của Ban Thường vụ Thành ủy. “Kết quả này đã góp phần chung vào việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành T.Ư về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên địa nàn TP” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện, hoàn thành Đề án 21 tại 22 xã; 49 thôn, tổ dân phố chưa thực hiện xong. Trong quá trình đó, cần quan tâm đến những nơi khó khăn như các khu chung cư mới, vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo, những nơi đông dân cư...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, sau hội nghị, Ban Tổ chức Thành ủy cần đánh giá, nghiên cứu một mô hình tổng thể, một bộ khung về hệ thống chính trị ở cơ sở, đảm bảo đồng bộ, khoa học. Cùng với đó, phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ sau sắp xếp; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách để đội ngũ cán bộ sau sắp xếp yên tâm công tác.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý, trong quá trình triển khai cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, định hướng và tạo đồng thuận. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để sau sắp xếp không làm mất đi quyền tự chủ, tự quản của người dân ở cơ sở. Trước mắt, các địa phương, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU.

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/pho-bi-thu-thuong-truc-thanh-uy-nguyen-thi-tuyen-can-nghien-cuu-mo-hinh-tong-the-bo-khung-ve-he-thong-chinh-tri-o-co-so-413834.html