Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tạ Văn Long kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ tại huyện Văn Yên
Chiều 11/9, đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Văn Yên.
Thiệt hại cơn bão số 3 đến thời điểm này, huyện Văn Yên có 5 người chết, 1 người mất tích, 9 người bị thương. Thiệt hại về nhà ở: có 29 nhà sập hoàn toàn; 36 nhà hư hỏng nặng; 1833 nhà ngập nước; 99 nhà tốc mái... Nhiều tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên xã; tuyến đường sắt quá địa bàn bị ảnh hưởng. Toàn huyện Văn Yên đã khẩn trương sơ tán 1.787 hộ với 6.121 khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Làm việc với huyện Văn Yên, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tạ Văn Long đề nghị huyện tiếp tục tăng cường công tác rà soát, nắm bắt tình hình bão lũ tại cơ sở từ đó chỉ đạo, chỉ huy công tác chuẩn bị phòng, tránh, ứng phó và khắc phục bão số 3 tại các địa phương một cách hiệu quả nhất.
Tiếp tục quan tâm đến việc bố chí chỗ ăn, ở tại nhà người thân, nơi tránh, trú cho 1.787 hộ, 6.121 khẩu đảm bảo sinh hoạt tạm thời an toàn, ổn định cuộc sống.
Trên địa bàn huyện có 2 suối Ngòi Hút và Ngòi Thia đều có lưu lượng nước chảy vào sông Hồng lớn, nên huyện cần đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, chỉ huy công tác chuẩn bị phòng, tránh và ứng phó khi lũ ở thượng nguồn đổ về, phối hợp với các lực lượng tại địa phương chỉ đạo cảnh báo và hướng dẫn nhân dân, các phương tiện lưu thông qua lại tại các điểm xung yếu.
Đồng chí đề nghị huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương huy động lực lượng, máy móc khẩn trương khắc phục sạt lở và ngập úng trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện; chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê kịp thời thiệt hại; hướng dẫn nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch diện tích lúa, ngô; khắc phục những diện tích bị thiệt hại, ảnh hưởng giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tiếp tục tổ chức thường trực 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về biến động của thời tiết; thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở và nhân dân; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực và các điều kiện thiết yếu sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Hiện nước đang xuống, huyện cần nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả, khơi thông dòng chảy, từ sửa giao thông; huy động lực lượng giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa sớm ổn định cuộc sống.
Đối với các khu vực, hộ gia đình còn bị cô lập cần tiếp tục tăng cường hệ thống thuyền, ca nô để đảm bảo công tác cứu hộ, cũng cấp như yếu phẩm thiết yếu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Cùng đó cần sớm có phương án tiếp cận nhanh nhất với các khu vực, địa phương đang còn bị cô lập để triển khai công tác tiếp tế, cứu hộ, cứu nạn.