Phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền
Theo số liệu được Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) công bố tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, độ bao phủ thông tin tín dụng quốc gia đã đạt trên 48,6 triệu chủ thể thông tin (cả pháp nhân và thể nhân), vượt trên 60% người trưởng thành của Việt Nam.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phổ biến kiến thức tới người gửi tiền
Chiều sâu thông tin tín dụng đã đạt điểm tối đa 8/8 theo các tiêu chí đánh giá của Nhóm Ngân hàng Thế giới từ năm 2020. Để đạt được thành công này, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan, trong đó có Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, từng bước khẳng định vai trò trong việc triển khai các hoạt động phổ cập kiến thức, nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói chung, Bảo hiểm tiền gửi nói riêng.
Với vai trò là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ thống các cơ quan bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn tích cực truyền thông chính sách Bảo hiểm tiền gửi giúp người dân biết và hiểu rõ về Bảo hiểm tiền gửi, các quyền lợi của mình liên quan tới hoạt động này từ đó, nâng cao niềm tin công chúng đối với chính sách bảo vệ người gửi tiền của Chính phủ cũng như hệ thống tổ chức tín dụng, ổn định an ninh chính trị và đời sống xã hội.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thường xuyên truyền thông rộng rãi về các vấn đề cơ bản liên quan đến quyền lợi người gửi tiền như: hạn mức bảo hiểm tiền gửi, quỹ bảo hiểm tiền gửi, quy trình chi trả…; đồng thời phổ biến các quy định mới về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng để tư vấn cho người gửi tiền. Thông qua đó, người dân không dễ bị xao động bởi những thông tin tiêu cực, thiếu minh bạch về hoạt động ngân hàng, tránh hành vi rút tiền hàng loạt, gây rối loạn thị trường.
Những năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn chủ động và tích cực đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền tới công chúng, lựa chọn phương pháp tương ứng với từng đối tượng công chúng mục tiêu. Các thông tin về chính sách bảo hiểm tiền gửi, tin tức về thị trường tài chính – ngân hàng luôn được truyền tải đến người dân một cách rõ ràng, kịp thời để họ có hiểu biết đúng đắn, kiên định, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước và yên tâm gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng có độ lan tỏa cao như: báo/tạp chí có lượng độc giả lớn; kênh phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; tọa đàm chính sách, phóng sự và tiểu phẩm… để tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi đến công chúng. Song song, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng sử dụng các kênh truyền thông chính thức của mình để góp phần vào công cuộc chuyển tải thông tin đến người gửi tiền.
Cụ thể, có thể kể đến chuyên mục “Người gửi tiền nên biết” trên website Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với nhiều tin/bài có giá trị thông tin thiết thực được thiết kế dành riêng cho người gửi tiền. Bản tin Bảo hiểm tiền gửi được xuất bản hàng quý được gửi tới tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, qua đó cung cấp thông tin tới những lãnh đạo và cán bộ giao dịch tại các đơn vị này, nhằm đảm bảo họ có kiến thức, hiểu biết về bảo hiểm tiền gửi để tuyên truyền, giải thích cho người gửi tiền ở mức độ cơ bản nhất khi cần thiết.
Bên cạnh đó, phối hợp với hệ thống bưu điện Việt Nam đặt standee, poster với nội dung về bảo hiểm tiền gửi tại các điểm giao dịch, bưu điện văn hóa xã, bưu điện quận, huyện. Trung bình hàng tháng, mỗi bưu cục tuyến huyện tiếp nhận khoảng 300-400 lượt người dân tới giao dịch. Với độ phủ rộng và vươn xa của hệ thống bưu điện, chính sách bảo hiểm tiền gửi đã được truyền tải tới vùng sâu, vùng xa, những xã miền núi, biên giới.
Ở một khía cạnh khác, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thường xuyên tổ chức phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng như những kiến thức tài chính cơ bản cho người dân khắp các tỉnh thành, đặc biệt là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi - đối tượng ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cũng như thông tin về loại hình dịch vụ này.
Cụ thể, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các sự kiện Đại hội quỹ tín dụng nhân dân; trong hoạt động thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương như Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…; hay kết hợp trong hoạt động kiểm tra chuyên sâu quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có kế hoạch đẩy mạnh truyền thông chính sách trên tất cả các mặt: quy mô tuyên truyền, chiều sâu thông tin, mở rộng mạng lưới thông tin tới các đối tượng công chúng. Đây là những tiền đề để xác định chỉ tiêu gia tăng nhận thức người gửi tiền về chính sách bảo hiểm tiền gửi, giúp đánh giá hiệu quả thực hiện nghiệp vụ tuyên truyền; cũng như góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả tuyên truyền.