Phổ biến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính
Cục Thuế tỉnh có văn bản số 2256/CTCBA-TTHT ngày 7/10/2024 gửi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người nộp thuế trên địa bàn tỉnh về việc tuyên truyền, phố biến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2023/UBTV/QH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Đối với Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất 3 nhóm chính sách để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, dự kiến sửa đối, bổ sung 14/152 Điều của Luật Quản lý thuế hiện hành. Bao gồm quy định về nguyên tắc quản lý thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Quyền của người nộp thuế; nguyên tắc khai thuế, tính thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế; nộp thuế trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện; hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế; thẩm quyền quyết định hoàn thuế; nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế; trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế...
Cụ thể về hoàn thiện quy định để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đắng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, Điều 16 về quyền của NNT; bãi bỏ khoản 3, Điều 75 về thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế và bãi bỏ khổ 2, khoản 2, Điều 61 quy định về trả tiền lãi nhằm đảm bảo thống nhất giữa Luật Quản lý thuế và Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước.
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 1, Điều 76 theo hướng bổ sung thẩm quyền quyết định hoàn thuế của Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế và Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực, nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong giải quyết hoàn thuế cho cơ quan thuế các cấp theo hướng cơ quan thuế nào tiếp nhận hồ sơ phải trực tiếp giải quyết và quyết định hoàn thuế, từ đó tạo thuận lợi cho NNT được giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 5 Luật Quản lý thuế quy định trách nhiệm của công chức quản lý thuế để thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT. Đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 1, Điều 66 về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh và bãi bỏ khoản, Điều 124 Luật Quản lý thuế nhằm nâng cao hiệu quả thu nợ thuế, thực hiện thống nhất.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, Điều 125 Luật Quản lý thuế theo hướng cơ quan thuế được linh hoạt áp dụng, đồng thời các biện pháp cưỡng chế; trường hợp có đầy đủ thông tin, điều kiện thì áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản và thu bên thứ ba; trường hợp người nợ thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn thì áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Sửa đổi quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp. Đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, Điều 59 về thời gian tính tiền chậm nộp nhằm đảm bảo thống nhất trong áp dụng văn bản pháp luật và đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, nhất là hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, Bộ Tài chính đề ra 3 giải pháp, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, Điều 42 về nguyên tắc khai thuế, tính thuế và khoản 1, Điều 90 về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm mở rộng cơ sở thu, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Gồm các nội dung: Sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” đối với nhà cung cấp ở nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam để không phân biệt có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Bổ sung quy định về các trường hợp khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và việc trực tiếp khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu mối kê khai, đáp ứng việc kê khai, nộp thuế phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh TMĐT đồng thời mở rộng nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bổ sung nguyên tắc hóa đơn điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nên tảng số và các dịch vụ khác thực hiện theo quy định của Chính phủ để đảm bảo công bằng và đồng bộ với pháp luật về thuế GTgT.
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 11, Điều 15 Luật Quản lý thuế; Đề xuất bổ sung khoản 4a, Điều 98 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin NNT. Chính phủ quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin của tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử và tổ chức cung cấp dịch vụ logistic.